Đôi bạn trẻ và trang web về chất độc da cam

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 03/06/2005Lần cập nhập cuối: 14/04/2021

Ý nghĩ phải làm cái gì đó để góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) đã “kết nối” những bạn trẻ như Thanh và Ngọc lại với nhau. Họ đã lập nên một trang web về CĐDC, làm diễn đàn kêu gọi mọi người ủng hộ và giúp đỡ những gia đình có người bị nhiễm CĐDC.

Ngoài ra, nhóm thường xuyên tổ chức những chuyến thăm hỏi, tặng quà và xe lăn cho các nạn nhân CĐDC ở các tỉnh; tổ chức các buổi chiếu phim về CĐDC, phát động phong trào quyên góp, lấy chữ kí ủng hộ nạn nhân CĐDC sâu rộng trong đoàn viên thanh niên ở các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội.

Chung một nỗi đồng cảm

Có tham gia cùng với họ trong buổi phát động lấy chữ ký và trao tặng xe lăn cho các nạn nhân CĐDC vừa qua tại Bắc Giang, mới hiểu hết ý nghĩa về những việc mà họ đang làm.

“Các nạn nhân CĐDC là những người phải chịu mất mát quá lớn mà không gì có thể bù đắp được, điều đó càng thôi thúc chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ họ…”- Trịnh Công Thanh thành viên của forum “chất độc da cam” tâm sự.

Chàng trai sinh năm 1979 quê ở Thái Bình này vừa tốt nghiệp ĐH Luật, chưa kịp vui mừng khi được một công ty liên doanh nhận vào làm việc thì tai họa đã ập đến. Thanh bị ung thư xương và để tránh di căn, các bác sĩ buộc phải cắt đi chân phải của cậu.

Trong thời gian cô đơn, buồn tủi trên gường bệnh, cậu đã tìm đến với tin học.

Qua những thông tin trên mạng, Thanh nhận thấy các nạn nhân bị nhiễm CĐDC còn đau đớn và chịu nhiều thiệt thòi hơn mình, nhưng nhiều người trong số đó đã biết vươn lên trong cuộc sống.

Từ đó, Thanh lao vào tìm hiểu những tài liệu, hình ảnh liên quan đến CĐDC – dioxin để “làm cái gì đó” giúp đỡ họ. Cậu đã đọc được nhiều bài viết của Bích Ngọc về đề tài nạn nhân CĐDC. Và dần dần họ đã quen nhau trên mạng, trên các diễn đàn bàn về CĐCD.

Còn với Nguyễn Thị Bích Ngọc – cô sinh viên K46 Khoa Quốc tế trường ĐH KHXH&NV Hà Nội thì việc nghiên cứu, tìm hiểu về CĐCD cũng thật tình cờ. Trong những lần tham gia phong trào sinh viên tình nguyện đến thăm và tặng quà cho các em nhỏ bị nhiễm CĐDC ở làng Hoà Bình, làng Hữu Nghị…

Bích Ngọc đã phần nào thấu hiểu nỗi đau của những đứa trẻ sinh ra bị di chứng nặng nề của chiến tranh.

Từ đó cô luôn trăn trở, suy nghĩ cần phải làm việc gì đó để có thể góp phần xoa dịu nỗi đau của những đứa trẻ đầy bất hạnh này.

Thế là các lần khoa tổ chức cho sinh viên nghiên cứu khoa học, cô đều đăng kí đề tài nghiên cứu về nạn nhân bị nhiễm CĐDC. Cô say sưa tìm hiểu rồi viết bài trên các diễn đàn về CĐDC.

“Ý tưởng thiết lập một trang Web về CĐDC để nhiều bạn trẻ hiểu rõ về nó hơn, chia sẻ và giúp đỡ những người nhiễm CĐDC đã được ấp ủ từ lâu nhưng phải đến khi mình gặp được anh Thanh thì nó mới trở thành hiện thực” – Ngọc bộc bạch.

Những bạn trẻ góp phần xoa dịu nỗi đau

Tháng 9/2004, trang web: www.chatdocdacam.org của đôi bạn trẻ này chính thức khai trương. Thanh phụ trách phần kỹ thuật, còn Ngọc phụ trách phần sưu tầm bài vở, biên tập nội dung thông tin.

Trang web được thiết kế một cách khoa học và khá hoàn chỉnh về nội dung, bao gồm: Lịch sử hình thành CĐDC; Nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc, chính sách của các tổ chức trên thế giới cũng như Việt Nam đối với những gia đình bị nhiễm CĐDC; Tình hình nhiễm CĐDC ở Việt Nam, hoạt động của các tổ chức tham gia ủng hộ; Thông báo các hoạt động thường xuyên ở những làng trẻ bị nhiễm CDDC; Đặc biệt diễn đàn và các ý kiến của những bạn trẻ về CĐDC…

Tuy nhiên ban đầu do phải dùng tên miền miễn phí, hơn nữa dung lượng quá nhỏ mà số người truy cập ngày đông cho nên nhiều khi bị mất cơ sở dữ liệu. Thanh và Ngọc lại phải đôn đáo tìm nguồn kinh phí và phải chuyển sang tên miền mới là www.chatdocdacam.info.

Ra đời khi phong trào ký tên vì công lý được phát triển rộng khắp, số người lên mạng tìm hiểu về vấn đề này ngày càng nhiều, cho nên trang web:  và sau này là trang www.chatdocdacam.info, của họ rất đông người truy cập và ủng hộ.

Họ đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và quyên góp của các cá nhân, đặc biệt là các bạn sinh viên Việt Nam đang du học ở nước ngoài.

Các bạn đã tập hợp những sinh viên tình nguyện của nhiều trường thành lập nên “Đội tình nguyện” chuyên giúp đỡ những nạn nhân CĐDC.

Thông qua số tiền quyên góp được, những thành viên trong forum “CĐDC” đã tổ chức những đợt “hành quân” đi tặng quà và xe lăn cho các nạn nhân bị nhiễm CĐDC ở các tỉnh như: Hà Tây, Hà Nội, Bắc Giang, Nam Định…

Ngoài ra, nhóm thường xuyên phối hợp với các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội để tổ chức các buổi chiếu phim về CĐDC, phát động phong trào quyên góp, lấy chữ kí ủng hộ nạn nhân CĐDC trong đoàn viên thanh niên các trường. Tổ chức những gian hàng tại các hội chợ để giới thiệu và bán những mặt hàng  do các em bị nhiễm CĐDC ở làng trẻ Hoà Bình, Hữu Nghị… làm ra.

Thanh là trưởng nhóm “Ước Mơ Xanh” (một nhóm sinh viên tình nguyện của Hà Nội), còn Ngọc là Trưởng Ban đối ngoại của CLB “Tri thức xanh” (thuộc Nhà văn hóa HSSV Hà Nội), khiến họ đều rất bộn rộn; nhưng hai bạn vẫn thu xếp gặp nhau để bàn về kế hoạch của nhóm trong mùa hè tới. Đặc biệt là việc chuẩn bị cho phong trào viết thư gửi lên toà án tối cao Mỹ phản đối phán quyết của Mỹ với vụ kiện dioxin.

“Lá thư này dự kiến sẽ được soạn thảo kèm các bản chữ ký của thanh niên Việt Nam. Đây sẽ là tiếng nói của toàn bộ thanh niên Việt Nam nhằm bênh vực các nạn nhân CĐDC” -Thanh và Ngọc cho biết. 

Theo Nguyễn TúTiền Phong