Người Việt duy nhất trên “Tàu tốc hành đến Bắc Cực”

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 28/05/2005Lần cập nhập cuối: 14/04/2021

Xem phim Polar Express (Tàu tốc hành đến Bắc Cực), khán giả khó thể nhận ra Tom Hanks. Anh hóa thân trong 6 vai diễn, chẳng hạn đang là một ông già Noel to lớn, thoắt cái lại nghe giọng nói của anh trong hình dáng một em bé chỉ cao hơn 1m. Có được sự chuyển biến tài tình ấy là nhờ công sức của ê-kíp tạo cử động trên máy tính (Motion Capture), trong đó có sự góp mặt của một người Việt Nam: Nguyễn Hữu Tú (Tom Nguyễn).

 

Nguyễn Hữu Tú mê vẽ và đam mê điện ảnh từ nhỏ. Để trang bị kiến thức điện ảnh, anh theo học 2 trường đại học: University of Southern California (ngành Nhân chủng học) và Art Institute of Los Angeles (ngành Đồ họa 3D).

 

Ngay khi bước chân vào đại học, để rèn luyện kỹ năng, anh “liều mạng” xin việc ở Giant Studio, công ty chuyên làm kỹ xảo 3D cho các phim kinh phí cao và được nhận vào làm việc… vặt.

 

Trong 6 tháng làm việc liên tục 20 tiếng/tuần không lương, anh tranh thủ mua sách về kỹ thuật 3D học thêm. Nỗ lực ấy giúp anh chỉ trong thời gian ngắn được nhận vào làm việc chính thức. Cộng thêm một chút may mắn, anh được tạo điều kiện làm việc và được hướng dẫn bởi những chuyên gia nổi tiếng trong nghề.

 

Thời gian đầu, anh cùng đồng nghiệp làm phần cử động cho nhiều game nổi tiếng như: True Crimes, SWAT 4, X-Men, Jade Empire… Đến năm 2003 và 2004, anh tham gia việc tạo cử động trên máy vi tính cho hai phim The day after tomorrow (đã chiếu tại VN) và Polar Express (bộ phim nổi đình nổi đám ở thị trường Bắc Mỹ mùa Giáng sinh 2004).

 

Cho đến nay, Nguyễn Hữu Tú vẫn là người Việt duy nhất ở Giant Studio về kỹ thuật Motion Capture. Làm việc ở đây anh có điều kiện tiếp xúc với nhiều diễn viên, đạo diễn, nhà làm phim nổi tiếng như đạo diễn Robert Zemeckis (Forrest Gump, Polar Express…).

 

Trong 6 tháng làm việc chung với ngôi sao điện ảnh Tom Hanks trong phim Polar Express là khoảng thời gian nhiều ấn tượng nhất. Tú kể: “Tôi từng xem nhiều phim của Tom Hanks. Nhưng khi làm việc chung, ông mới thật sự để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi. Ông là người sống rất vui vẻ, bình dân, mỗi sáng vào trường quay đều hỏi thăm mọi người.

 

Ông sử dụng ngôn ngữ rất khéo và sâu sắc. Khi nói chuyện với Tom Hanks, bạn sẽ có cảm giác mình đang nói chuyện với nhiều người khác nhau. Nếu hôm ấy ông vào vai cậu bé ăn mày thì cả ngày ông cư xử giống hệt nhân vật đó. Ông xứng đáng là một ngôi sao lớn”.

 

Sau gần 4 năm làm việc ở Giant Studio, Nguyễn Hữu Tú xin nghỉ. “Làm ở đấy chắc chắn tay nghề sẽ được nâng cao nhưng tôi mong được làm những bộ phim của chính mình. Tôi muốn trở thành đạo diễn, làm những bộ phim 3D với kỹ thuật Motion Capture, trước mắt là về những nhân vật anh hùng lịch sử VN”.

 

Đó là lý do anh từ chối khoản lương 80.000 USD/năm mà công ty đã nâng lên, chia tay nền công nghiệp phim ảnh Mỹ về Long Khánh, Đồng Nai khoác tạm chiếc áo doanh nhân để lấy ngắn nuôi dài, kiếm vốn làm phim.

 

Tú đang âm thầm chuẩn bị cho dự án thành lập một trung tâm 3D ở Long Khánh, đào tạo và tuyển chọn những học viên giỏi nhất để cùng thực hiện các dự án làm phim 3D. Trước mắt, anh lên kế hoạch tạo một phần mềm về Motion Capture “made in VN” để có thể phổ biến kỹ thuật cho những người VN yêu thích lĩnh vực này.

 

Nhiều người e ngại rằng Polar Express mới là phim đầu tiên của Mỹ sử dụng hoàn toàn kỹ thuật Motion Capture, thì liệu áp dụng kỹ thuật này để làm phim ở VN có mạo hiểm ? Anh chân tình: “Tôi thấy nhiều bạn trẻ VN rất thích các trò chơi điện tử và say mê thế giới tưởng tượng. Hơn nữa, người VN rất thông minh và chịu khó. Đó là một trong những hấp lực “hút” tôi về nước làm phim.

 

Tôi hy vọng mình như một hạt giống cố gắng hấp thu nhiều điều hay, mới lạ rồi được nảy mầm và sinh sôi trên đất nước mình. Tôi sẽ thực hiện ước mơ của mình với quyết tâm cao nhất”.

 

Theo Phương AnhThanh Niên