Ấm áp Ngày thơ trên quê hương Bác Hồ
Về dự lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Đường – PCT UBND tinh; Trần Hồng Châu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; Nguyễn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Việt Nam cùng đại diện các tầng lớp nhân dân, công chúng yêu thơ, giáo viên học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ, THPT trên địa bàn TP Vinh.
Trước khi diễn ra lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam, các thành viên lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ, Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9 đã tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương báo công với Bác tại khu di tích Kim Liên huyện Nam Đàn và Quảng trường Hồ Chí Minh – TP Vinh.
Diễn văn tại lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam khẳng định: Theo thường lệ “Ngày thơ Việt Nam” được tổ chức đúng vào ngày Rằm tháng Giêng, đây là dịp để tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam. Đặc biệt, năm nay, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa to lớn hướng tới kỉ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011); 70 năm Bác Hồ trở về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam (28/1/1941- 28/1/2011), chào mừng thành công đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và mở đầu năm mới Tân Mão 2011.
Ngay sau lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9 là chương trình biểu diễn thơ – ca nhạc và giao lưu với các nhà thơ. Khán giả và những người yêu thơ Nghệ An cũng có dịp được giao lưu với các nhà thơ Việt Nam và Nghệ An có tên tuổi như: Thạch Quỳ, Anh Ngọc; Phan Văn Từ; Trần Đăng Khoa; Nguyễn Trọng Tạo; Bằng Việt…
Trong đó, màn biểu diễn nghệ thuật hát múa Nghệ An miền nhớ miền thương; tiết mục ngâm thơ Đêm nay Bác không ngủ… để lại nhiều dấu ấn đối với khán giả, công chúng yêu thơ. Tiếp đến là lễ thả thơ từ nhà văn hóa lao động, 70 học sinh đứng thành đội hình, trên tay cầm 70 quả bóng bay có gắn 70 câu thơ hay được tung lên bầu trời hòa cùng khí xuân, sắc xuân của đất trời và niềm hân hoan của lòng người.
Ngay từ sáng sớm Đoàn đã lên dâng hương, hoa và báo công với Bác tại Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Kéo cờ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9 tại nhà Văn hóa lao động Nghệ An.
Nguyễn Duy – Điền Bắc