Lã Thanh Huyền: Sống thử là điều tốt
Ngày 25/03/2011, hoa khôi Phụ nữ thế kỷ 21 (2006) Lã Thanh Huyền 26 tuổi đã lên xe hoa với người chồng hơn cô 12 tuổi, giám đốc một công ty xây dựng và nội thất tại Hà Nội. Hạnh phúc với những gì đang có, Lã Thanh Huyền chia sẻ với chúng tôi vì sao cô không thích thăng hoa mà lựa chọn sự an toàn trong tình yêu.
26 tuổi và đang thăng tiến sự nghiệp, lý do nào khiến một “Phụ nữ Thế kỷ 21” như chị quyết định theo chồng bỏ cuộc chơi, kết hôn với người đàn ông hơn mình một giáp?
Chúng tôi đã yêu nhau gần 5 năm. Tôi nghĩ thời gian ấy đủ dài để chia sẻ với nhau nhiều điều. Hơn nữa, gia đình hai bên có mối quan hệ rất thân thiết, giờ mẹ tôi có thể nói chuyện điện thoại với mẹ chồng cả tiếng đồng hồ.
Tôi vẫn còn nhớ một ngày trước đám hỏi, tôi vẫn ở trường quay nhưng bố mẹ hai bên không hề trách. Họ hiểu công việc tôi đang làm và luôn ủng hộ tôi hết mình. Có bất cứ bài báo nào về tôi, mẹ chồng cũng theo dõi. Mỗi cột mốc trong sự nghiệp của tôi đều có chồng và gia đình anh ấy bên cạnh.
Thường thì sau lễ đính hôn là đám cưới ngay, nhưng chị đã hoãn cưới đến hơn 1 năm?
Đúng là chúng tôi đã có kế hoạch cưới từ năm 2009. Nhưng rồi tôi nhận được lời mời casting phim Trần Thủ Độ. Lúc tôi nhận được vai diễn, cả hai gia đình đang chuẩn bị lễ cưới nên tôi chỉ dám chia sẻ với anh ấy. Và chính anh là người thuyết phục bố mẹ giúp tôi, dời lịch cưới lại hơn 1 năm sau.
Người Phụ nữ thế kỷ 21… kén chồng như thế nào nhỉ?
Sau khi tôi đoạt danh hiệu, rất nhiều mối quan hệ mới mở ra. Có người đã lâu không gặp cũng liên hệ trở lại. Cơ hội có nhiều nhưng người đàn ông giờ là chồng, tôi quen anh khi anh ấy vừa từ nước ngoài trở về. Anh ấy không biết tôi là người nổi tiếng. Chúng tôi gặp nhau như những người bình thường và yêu con người thật của nhau.
Vậy anh chị đã gặp và yêu nhau ra sao?
Thực ra, tôi muốn giữ lại kỷ niệm cho riêng mình. Tôi chỉ có thể nói, anh ấy là người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và nội thất. Chồng tôi sống đơn giản và có phần khô khan, tuy đôi khi cũng hóm hỉnh. Anh ấy không bao giờ biết nói lời hoa mỹ hay hành động lãng mạn, nhưng hay làm tôi cười với những chuyện vui và lời nói đùa.
Một cô gái trẻ, đẹp và là nghệ sĩ như chị lại thấy đàn ông khô khan, đơn giản cũng không hề gì?
Tất nhiên là tôi thích sự lãng mạn, vì tôi cũng là một cô gái bình thường mà. Thỉnh thoảng tôi trêu anh ấy: “Sao anh chẳng bao giờ khen em? Sao anh không bao giờ nói với em những lời ngọt ngào?”. Anh ấy bảo: “Nếu em thích như thế, anh sẽ mua cho em cuốn sách viết toàn những lờ hay ho” (cười). Thực ra, chúng tôi giống nhau, đều thiên về sự an toàn trong cuộc sống.
Nghĩa là để có đám cưới mới diễn ra đây, chị không nhận được lời cầu hôn ngọt ngào giữa hoa và nến?
Đúng vậy. Sau 2 năm yêu nhau, một lần tôi đến nhà anh, nấu cho anh bữa ăn. Khi tôi đang rửa bát, anh ấy nói: “Bây giờ anh không muốn đi xa nữa. Anh muốn được ăn cơm gia đình do một người nấu và anh muốn em là người nấu những bữa cơm đó”. Tôi rất hạnh phúc khi nghe anh ấy nói như thế vì tôi cảm nhận được sự chân thành anh dành cho mình.
Cũng từ đó, mỗi việc anh làm đều hướng đến cuộc sống gia đình. Mỗi quyết định của anh trong cuộc sống đều có ý kiến đóng góp của tôi. Khi mua hay xây sửa nhà, anh cũng lấy ý kiến của tôi. Tôi thích màu tím, vì vậy anh chọn giấy dán tường màu này cho phòng ngủ. Cả hai cùng đi mua tranh và các vật dụng trang trí nhà cửa. Anh muốn trong mỗi góc ngôi nhà đều có kỷ niệm chung của hai đứa. Chúng tôi quan tâm tới nhau bằng những điều cụ thể trong cuộc sống như thế.
An toàn tất nhiên rất cần trong cuộc sống, nhưng có làm giảm đi sự thăng hoa trong tình yêu vốn cần nhiều rung động mãnh liệt?
Tôi nghĩ, an toàn là đảm bảo cho sự bền vững trong hôn nhân. Suy cho cùng, tình yêu sẽ nhạt phai và khi đó nếu người đàn ông không vững vàng, người phụ nữ không kiên định, gia đình dễ đổ vỡ lắm chứ. Đó cũng là lý do tôi cho rằng phụ nữ không chỉ nên là người vợ tốt mà còn phải khẳng định giá trị bản thân và vị trí xã hội của mình. Cả hai vợ chồng nên làm sao để tự hào về nhau.
Vậy một người luôn đề cao sự an toàn trong cuộc sống như thế nhìn nhận thế nào về chuyện sống thử trước đám cưới?
Tôi nghĩ nếu có điều kiện và thời gian thì sống thử với nhau là điều tốt. Thời gian này có thể giúp hai người xem mình có thực sự phù hợp nhau về quan điểm sống hay không.
Suy nghĩ tân tiến ấy có được chị áp dụng trong cuộc sống của riêng mình?
Đính hôn xong, chúng tôi đã có thể coi là vợ chồng như tôi thậm chí không có một ngày trọn vẹn bên anh. Sau đám hỏi 1 ngày, tôi đi theo đoàn phim Trần Thủ Độ gần 1 năm. Thời gian tạm nghỉ tìm cảnh quay, tôi lại đi Pháp dự liên hoan phim quốc tế. Lần đó, anh ấy là người chuẩn bị cho tôi từng chiếc ví, đôi giày, chiếc váy mặc ở mỗi sự kiện. Khi phim Trần Thủ Độ đóng máy, tôi lại bắt tay mở cửa hàng kinh doanh thời trang. Vì quá bận rộn nên tôi cảm thấy có lỗi với anh nhiều lắm.
Nghe chị kể, tôi có cảm giác chị cố gắng làm mọi việc để khẳng định bản thân như thể sau khi cưới, chị sẽ bị buộc chặt lại dưới mái nhà. Tại anh ấy gia trưởng nên chị sợ không còn cơ hội khẳng định mình sau khi kết hôn?
Chồng tôi là con trưởng nhưng không có thói quen áp đặt người khác. Anh ấy luôn nhường nhịn tôi mọi chuyện. Ngay việc chọn nhẫn cưới cũng rất buồn cười. Cả hai đã đi chọn nhẫn nhiều lần nhưng tôi chưa ưng ý. Một lần vào trung tâm thương mại, tôi thấy chiếc nhẫn rất đẹp. Nó không phải là nhẫn cưới nhưng ngay lúc đó, tôi quyết định đây sẽ là nhẫn cưới của mình. Tôi về nói với anh, anh bảo: “Nhẫn cưới người ta thường mua một cặp nhưng nếu em thích, mình sẽ mua cái đó”. Và cuối cùng, nhẫn cưới của chúng tôi phải mua hai lần và chúng không hề liên quan tới nhau gì cả (cười).
Trong lễ cưới, tôi thấy chị khóc khi bố dặn dò. Bố đã nói gì mà con gái phải rơi nước mắt vậy?
Bố không nói với tôi mà nói với Trần Anh: “Đây là món quà lớn nhất bố mẹ có được, bây giờ trao lại cho con. Từ giờ trở đi, hạnh phúc hay niềm vui, nỗi buồn của Huyền là do con và bố muốn con gái bố luôn vui vẻ”. Tôi nghe xong rất hạnh phúc, nhưng tự nhiên nước mắt cứ chảy ra.
Chị thấy mình giống mẹ hay bố hơn?
Ai cũng bảo tôi giống mẹ. Mẹ là người mạnh mẽ, làm kinh doanh giỏi nhưng vẫn hết lòng vì gia đình. Còn bố có suy nghĩ rất cởi mở. Bố coi tôi và Mạnh (em trai Lã Thanh Huyền) như bạn, thỉnh thoảng lại rủ em đi uống bia, cà phê. Còn với tôi, lâu lâu bố lại đi mua sắm cùng và còn tư vấn nên mặc thế nào cho hợp.
Nhưng người phụ nữ mạnh mẽ và hết mình vì gia đình như mẹ chị cuối cùng vẫn đổ vỡ trong hôn nhân?
Tôi nghĩ chuyện bố mẹ, con cái không can thiệp được. Cho đến bây giờ, tôi và Mạnh chưa từng trách giận bố mẹ vì điều này bởi trước khi chia tay, hai người đều trò chuyện với chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi hiểu bố mẹ không ai có lỗi, chỉ là họ quá khác nhau.
Bố mẹ tôi đã chia tay 10 năm, nhưng chị em tôi chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn tình cảm hay sự quan tâm của bố mẹ. Chính cuộc sống của bố mẹ đã giúp tôi nhận ra rằng, nếu không vui vẻ, nếu không có hạnh phúc thật sự thì nên rời xa nhau. Và đó cũng là lý do tôi không ủng hộ hạnh phúc giả tạo, thứ hạnh phúc phải cố làm cho tròn trĩnh vì sợ dư luận.
Như thế có thể tin, hạnh phúc Lã Thanh Huyền hôm nay đang sở hữu là thứ hạnh phúc có thật. Thế còn một Lã Thanh Huyền luôn xuất hiện trong những bài báo nhẹ nhàng với hình ảnh một cô gái ngoan, vai gái ngoan đó đóng mãi chị có bao giờ mệt?
Thực ra, danh hiệu cũng tạo áp lực. Đúng là tôi luôn muốn hướng tới hình ảnh một cô gái nhẹ nhàng, trong sáng. Đặc biệt sau khi đoạt danh hiệu Phụ nữ thế kỷ 21, tôi cẩn trọng hơn trong cuộc sống. Có phim hay, nhưng nhân vật không phù hợp với hình ảnh mình đang xây dựng nên tôi từ chối. Tôi luôn tự hỏi những câu đại loại như mình có thoải mái không? Có tự tin vào bản thân không? Nếu trả lời được hai câu hỏi đấy tôi sẽ đưa ra quyết định.
Vậy chị có bao giờ đi chệch hướng và phải nuối tiếc chưa?
Tôi chưa đi chệch, nhưng nổi loạn nhiều chứ. Chẳng hạn đi thi Phụ nữ thế kỷ 21, tôi không được ai ủng hộ cả. Rồi tôi bỏ nhà vào Nam theo đoàn phim Đi về phía mặt trời của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, ngay cả việc hoãn đám cưới cũng là sự nổi loạn đấy chứ. Nhưng nghĩ lại, những lần đó đều mang lại cho tôi nhiều thứ.
Tham gia cuộc thi, tôi trưởng thành và tự lập rất nhiều. Theo đoàn phim của anh Ninh, tôi được làm với một ê-kíp chuyên nghiệp, học hỏi được nhiều thứ khi mới bước vào nghề diễn. Còn hoãn cưới đã giúp tôi có cơ hội nhận vai diễn trong phim Trần Thủ Độ mà không phải diễn viên nào cũng may mắn có được.
Á hậu Dương Trương Thiên Lý bỏ vai diễn Trần Thị Dung trong phim Trần Thủ Độ vì không muốn đóng cảnh nóng. Nó nóng đến mức nào mà một cô gái ngoan như chị lại nhận lời diễn?
Đó là cảnh Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung hôn nhau ở bãi sông khi đi thả lưới cùng nhau. Lúc ấy, Trần Thị Dung mặc áo yếm và váy đụp, tôi nghĩ đó là trang phục phổ biến của phụ nữ ngày đó.
Cảnh thứ hai mà tôi tham gia, cảnh này Thiên Lý đã quay: Một buổi sáng thức dậy trong cung, Trần Thị Dung quay sang và thấy bên cạnh mình là một người đàn ông xa lạ (thái tử Sảm). Cô bước xuống giường trong chiếc váy hở hang mỏng (phần trên cách điệu từ chiếc yếm) và tự mình khoác thêm áo choàng.
Tất cả những cảnh đó, tôi không nghĩ là cảnh nóng, cũng không nghĩ có điều gì trái với thuần phong, mỹ tục.
Cảm ơn những chia sẻ của chị.
Theo Mốt&Cuộc sống