“Vòng một” nâng cấp biến người mẫu thành… “trò hề”
Nhiều người mẫu đã chỉnh sửa một phần thân thể một cách không phù hợp. (Ảnh minh họa)
Trào lưu?
Nhà thiết kế Minh Hạnh khẳng định, các nhà tạo mẫu chưa bao giờ tạo áp lực cho người mẫu, rằng họ phải có vòng một đạt số đo này, số đo kia thì mới vừa được trang phục. Bà Hạnh nói: “Đó hoàn toàn là sở thích cá nhân”.
Chung quan điểm, nhà tạo mẫu Cao Minh Tiến cho rằng, từ việc hình thành suy nghĩ, đến hành động “tôn tạo” ngực là tùy quan điểm mỗi người. “Tôi thấy không nhất thiết phải “nâng cấp vòng một”, nhưng có những người quá phẳng thì cũng có thể làm mình đẹp hơn chút ít, nhưng vừa phải thôi. Một số người còn có suy nghĩ là cùng một công làm, làm nổi hẳn đi cho khỏi phí công, do đó trông rất phản cảm”.
Bởi vậy, bà Minh Hạnh cho rằng nâng cấp vòng một thực ra chỉ là trào lưu không hợp tình hợp lý vì không ai đòi hỏi người mẫu phải có ba vòng đo chuẩn như hoa hậu. Điều này cho thấy, người mẫu chưa thực sự hiểu công việc của mình. Theo nhà thiết kế này, yêu cầu cao nhất đối với người mẫu là phải biết thể hiện những điều mà các nhà thiết kế đòi hỏi.
“Tất nhiên cũng phải có những yêu cầu nhất định về hình thể, nhưng không nhất thiết phải nâng cấp vòng nào đó. Điều này dẫn đến tình trạng: trong cấu trúc cơ thể con người khi trời sinh ra đã có sự cân đối, mặc dù sự cân đối này có thể tạo nên đẹp hoặc không đẹp nhưng sự cân đối đó rất cần thiết, nó mang tính tự nhiên. Nếu một người nào đó nâng cấp quá hơn so với yêu cầu của cơ thể, thì khi mặc một bộ đồ sẽ khiến trang phục xấu đi”, bà Hạnh thẳng thắn.
“Chỉ là một trò hề!”
Giám đốc một công ty người mẫu chỉ biết kêu trời trước “đại dịch này” vì nhận thức “rất hạn chế” của người mẫu. Theo bà, trên thế giới, nghề người mẫu phân chia rất rõ, nếu là người mẫu chuyên bikini, đồ lót thì mới cần bộ ngực đẹp, mông nở, còn người mẫu catwalk thì không cần thiết, thậm chí, ngực của họ còn “lép kẹp”. Bà cho rằng, có lẽ các người mẫu mải làm đẹp quá nên không bao giờ “để mắt” đến kênh truyền hình Fashion TV hiện đã rất phổ biến ở Việt Nam. Bà dùng từ “trò hề” để nhằm vào các chân dài khi trình diễn chỉ chăm chắm khoe vòng một sau khi đã dao kéo.
Như vậy, điều quan trọng không phải là vòng một nhỏ hay lớn, mà quan trọng người mẫu xác định biểu diễn loại hình thời trang nào. Vì không hiểu biết rõ điều đó, nên các người mẫu chỉnh sửa bản thân một cách không phù hợp.
Nhà thiết kế Cao Minh Tiến cho biết, với các thiết kế của mình, chỉ cần những người mẫu vòng một vừa phải là đã rất phù hợp. “Thiết kế size trang phục bán cho người mặc bình thường nên tôi không có nhu cầu chọn người mẫu có vòng một quá to. Khách hàng của tôi không phải ai cũng có vòng một nảy nở như một số người mẫu đã “tút tát”, vì vậy, nếu tôi thực hiện một bộ sưu tập mà chọn người mẫu ngực lớn, khách hàng nhìn vào rồi nghĩ: “Cô này ngực lớn mới mặc được, chứ mình làm sao mặc được!” như vậy là bất lợi cho tôi”, anh chia sẻ.
Còn NTK Thuận Việt cho biết khi thiết kế trang phục, anh không bao giờ yêu cầu người mẫu phải có vòng một nảy nở, vì áo dài tương đối kín đáo. Điều quan trọng hơn cả, theo Thuận Việt, là người mẫu có truyền tải được ý tưởng của bộ trang phục hay không.
Theo Đức Tân
Đất Việt