Trượt đại học vẫn kiếm 40 triệu mỗi tháng
Tìm đúng đường vì “thành công bị trì hoãn”
Gặp lại cô bạn hồi cấp 3 sau một thời gian mất liên lạc, tôi khá bất ngờ vì giờ cô đã trở thành một “bà chủ” của chuỗi cửa hàng hoa tươi tại Hà Nội. Thu Hà (tên cô bạn) chia sẻ, thời gian đầu trượt đại học, cô rất buồn và không muốn gặp lại bạn bè cũ.
Hà nhận thấy không chỉ cô mà cả bố mẹ và anh chị trong nhà cũng rất thất vọng, chán nản. Chậm một năm là sẽ mất đi hàng trăm cơ hội, cô suy nghĩ và quyết tâm thay đổi số phận, không thể ngồi chờ đến kì thi năm sau.
Sẵn có “hoa tay”, cô xin bố mẹ mở một cửa hàng hoa trước cửa nhà. Tạo công ăn việc làm cho con gái đỡ “nhàn cư vi bất thiện” nên bố mẹ cô đồng ý ngay. Nhớ lại ngày đầu “đầy ngẫu hứng”, Hà cũng thấy mình “liều”. Không một mối làm ăn, không một chút kinh nghiệm kinh doanh nhưng dần dần, cửa hàng với “2 cái bàn, 1 cái kệ” ngày nào giờ đã khang trang.
Trong khi những đứa bạn cùng trang lứa vẫn đang “hì hục” tìm những thông tin tuyển dụng thì Hà đã “ấm chỗ” với thu nhập hàng tháng lên đến 8 con số. “Sự xuất hiện trở lại” của Hà lần này làm cho cả lớp ngỡ ngàng và không ít người lấy làm ghen tị. Trong mắt bạn bè, cô đã “thành công trước tuổi” và ra dáng một “doanh nhân thành đạt”.
Tôi cũng biết một cô gái khác, sinh năm 89, đam mê kinh doanh từ nhỏ và giờ đang ăn nên làm ra với shop quần áo đứng tên mình. Thành công với shop online (cửa hàng mạng) trên trang mua bán và facebook, Cẩm Ly một mình “gây dựng” được một khoản vốn kha khá từ ngày ngồi trên ghế trung học phổ thông.
Hoàn thành kì thi tốt nghiệp, Ly không vào đại học mà tự chọn cho mình một lối đi riêng: kinh doanh trên facebook. Ly nhập hàng theo tháng, mỗi tháng cô lại up một loạt ảnh về những mẫu quần áo mới. Gu thẩm mỹ tốt nên Lô hàng nào Ly nhập về cũng “cháy”.
Khi bạn bè cùng trang lứa “cắp cặp đến giảng đường” thì Ly “xách va ly” sang Hồng Kông và Trung Quốc để nhập hàng từ quần áo, giầy dép, túi xách đến những phụ kiện nho nhỏ như cặp tóc, dây lưng.
Sau một thời gian khẳng định thương hiệu trên mạng, Ly mạnh dạn thuê mặt bằng để mở rộng “địa bàn” kinh doanh. “Cô chủ nhỏ” vẫn tiếp tục duy trì cả cửa hàng trên mạng và cửa hàng thật, hàng tháng cô cũng “đút túi” ngót nghét 40 triệu đồng.
Thành công đánh đổi từ những giọt mồ hôi
Cẩm Ly cũng chia sẻ: “Bắt đầu kinh doanh khi quá trẻ em gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng đó cũng là điểm thuận lợi, bởi mỗi lần thất bại em rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý mà không ai chỉ bảo được”.
Để có được hệ thống cửa hàng như ngày hôm nay, thật không dễ dàng với Hà. Cô đã phải trải qua những buổi sáng giá rét tại chợ hoa Quảng Bá để chọn được những bó hoa tươi nhất hay ngồi bó hoa cả đêm không ngủ để có đủ hoa giao cho khách hàng.
Mỗi dịp 20/11, bạn bè “tụ tập” để cùng nhau về thăm trường cũ thì Hà lại tất bật với công việc mua bán hoa. 20 tuổi, cô đã phải lo cân đối thu chi để có tiền trả nhân viên, trong khi bạn bè vẫn còn “ngửa tay xin tiền bố mẹ”.
Một chuyên gia xã hội học cho biết: “Năng động, nhạy bén, thích nghi với yêu cầu phát triển của cuộc sống là một trong những tố chất của người thành công. Với niềm tin, niềm đam mê chinh phục và sự dấn thân, người tài năng sẽ được đón nhận và tôn vinh khi tìm ra giải pháp và thực hiện nó để công việc đạt chất lượng cao chứ không không phải phụ thuộc vào bằng cấp”.
Theo chuyên gia này, tài năng không phải là việc có sở hữu nhiều bằng cấp, dù rằng tài năng sẽ phát triển thuận lợi hơn nếu được đào tạo qua trường lớp. Tuy nhiên, muốn thành công theo cách nào thì con người cũng đều phải “học”.
“Không bằng cấp vẫn thành công” nhưng đừng ngộ nhận rằng “không cần học vẫn thành công”. Người không có bằng cấp cũng có thể có thu nhập cao hơn người có bằng cấp nhưng tài năng đó cũng phải được rèn luyện qua quá trình học, tự học và tiếp tục học của riêng họ.
Hay nói khác đi, thành công sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn nếu học đúng lĩnh vực phù hợp sở trường, tính cách của mỗi người và nắm bắt được cơ hội chứ không phải do bằng cấp hay không bằng cấp dẫn đến thành công.
Thành công khi xác định được sở trường của mình
Trao đổi về những thành công “không bằng cấp”, tiến sĩ tâm lý học Đinh Phương Duy cho biết: “Nếu bạn không thể tiếp tục học, không thể bước vào cánh cổng đại học thì cuộc sống chưa hẳn đã dừng lại. Bạn có thể tìm cách khác để khẳng định mình vì con đường phía trước còn dài.
Để xác định niềm đam mê và năng lực bản thân cho nghề nghiệp, trước hết bạn cần biết mình thích gì, thích làm gì, thích trở thành người như thế nào. Đam mê có thể bắt đầu từ sự thích thú và cũng có thể hình thành từ sự trải nghiệm trong hoạt động.
Năng lực của con người được hình thành từ ít nhất ba yếu tố: tri thức (những hiểu biết xã hội, nghề nghiệp…), kỹ năng và kinh nghiệm bản thân. Điều đó có thể hiểu rằng năng lực sẽ chỉ được hình thành và hoàn thiện thông qua học tập và lao động”. |
Theo Xuân Thanh
Đời sống & Pháp luật