Truyền hình thực tế chỉ dành cho người lớn?

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 26/07/2012Lần cập nhập cuối: 09/02/2021

Khó hút khách vì không có khách mời nổi tiếng

 

Phương Thanh trên sân khấu Đồ Rê Mí 2010

Phương Thanh trên sân khấu Đồ Rê Mí 2010

 

Công thức thường thấy của các chương trình truyền hình thực tế là cái tôi thí sinh cộng với độ nổi của dàn sao trong ban giám khảo. Bí kíp tưởng như quá đơn giản này lại là phương pháp chắc thắng mà các chương trình thực tế hiện nay đều đang nhiệt tình áp dụng. Từ những cuộc thi âm nhạc quen thuộc như Vietnam’s Idol đến các chương trình mới nổi như Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam’s next Top Model, Vietnam’s got talent hay thậm chí là Cuộc đua kì thú, The Voice mới lên sóng đều không thể làm ngơ trước phương pháp này.

 

Thế nhưng để áp dụng công thức tưởng chừng đơn giản này trong các show của thiếu nhi thì quả thất quá khó khăn. Thứ nhất bởi các ngôi sao thường rất ít khi tìm được vai trò phù hợp trong chương trình dành cho trẻ nhỏ. Bản thân các ngôi sao một phần cũng ngại những chương trình thiếu nhi. Bởi chương trình về các bé thường ít thu hút sự quan tâm của dư luận, không được các phóng viên đề cập nhiều trên mặt báo. Mà sự thiếu đó ở các chương trình thiếu nhi lại là thứ mà các sao mong muốn nhất. Muốn khẳng định được vị trí sao, họ luôn cần xã hội để ý, bình luận hay thậm chí là soi mói, để biết được rằng “ À, mình còn đang hot.”

 

Thiếu ngôi sao, công thức thành công không thể thực hiện đồng nghĩa với việc sức hút của chương trình giảm 50%. Liệu giữa thời buổi các chương trình giải trí nhiều như nấm sau mưa, có mấy nhà sản xuất chịu đầu tư một chương trình không hút dư luận?

 

Vậy mà giữa các sân chơi ít ỏi trên truyền hình dành cho thiếu nhi hiện nay, vẫn có “đại gia” Đồ Rê Mí chịu chơi mời các sao đến làm nóng cho chương trình của mình. Mỗi năm, Đồ Rê Mí đều tích cực mời những ngôi sao nổi tiếng đến làm bạn cùng các em thiếu nhi, từ ca sĩ Lam Trường, Phương Thanh, Thủy Tiên, Uyên Linh, Nam Khánh, Lưu Hương Giang… đến các nghệ sĩ hài Xuân Bắc, Tự Long, Đức Hải, Minh Vượng… Nhất là năm nay, chương trình tạo nên một diện mạo mới khi dám liều mời Trấn Thành – nghệ sĩ hot trong giới giải trí để làm giám khảo xuyên suốt hành trình Đồ Rê Mí. Liệu đây có thể là bước đột phá để tạo nên sự chuyển mình cho Đồ Rê Mí nói riêng và các chương trình thiếu nhi nói chung?

 

Những ngôi sao nhí vẫn cần đứng cạnh sao lớn để tỏa sáng

Những ngôi sao nhí vẫn cần đứng cạnh sao lớn để tỏa sáng

 

Tạo scandal và bi kịch hóa câu chuyện của thí sinh

 

Có lẽ cũng không cần nhắc lại những scandal dở khóc dở cười của thí sinh, giám khảo hay chính bản thân ban tổ chức trong mỗi chương trình truyền hình thực tế xuất hiện ồ ạt trên mặt báo. Thời gian gần đây nữa, công chúng đều đã “chết chìm” trong những thông tin nửa thật nửa giả sau mỗi đêm thi mà nhà sản xuất tung hỏa mù, giới truyền thông “bình loạn”.

 

Tạo scandal và bi kịch hóa câu chuyện của thí sinh khiến người xem tò mò, thích thú hay nhiều khi là phẫn nộ. Đa dạng hóa cảm xúc đồng nghĩa đa dạng hóa khán giả, đẩy mạnh lượng người theo dõi chương trình.

 

Thế nhưng, phụ gia cần phải có này lại không thể thêm vào trong các chương trình cho thiếu nhi. Trẻ em ngây thơ, dễ tổn thương không phải là đối tượng có thể lợi dụng như thí sinh người lớn. Các bài báo không thể giật tít gây shock, phóng viên không thể đưa ra những đánh giá tiêu cực. Mọi bình luận theo hướng một chiều sẽ không thể tạo ra làn sóng tranh luận. Không tranh cãi, không có cớ cho truyền thông nhảy vào.

 

Luôn trong trạng thái đề phòng bị dư luận “ném đá”

 

Chương trình truyền hình thực tế dù có hài hước, vui nhộn đến đâu thì vẫn luôn là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, có người thắng và kẻ thua. Giải thưởng lớn luôn chỉ thuộc về 1 người, đòi hỏi mỗi thí sinh đều phải nỗ lực hết mình để vượt qua giới hạn cao nhất của bản thân. Cũng bởi thế mà không ít chương trình truyền hình thực tế có sự khắc nghiệt khiến người xem phải rùng mình.

 

Những ngôi sao nhí vẫn cần đứng cạnh sao lớn để tỏa sáng

Đăng Quân khi còn trong đội phụ họa cho các chương trình thiếu nhi và khi đăng quang Vietnam’s Got Talent

 

Nhưng đối với các chương trình thiếu nhi thì sao? Nếu chẳng may chương trình truyền hình thực tế hay cuộc thi nào nhấn mạnh đến yếu tố thi hơn yếu tố giao lưu học hỏi, ngay lập tức sẽ bị dư luận ném đá vì tội khiến các em “chín ép”. Trong khi bản chất của chương trình chính là một cuộc thi. Đồng ý rằng chương trình dành cho thiếu nhi, không nên quá tập trung vào gánh nặng thắng thua. Song giải thưởng lớn, sự cạnh tranh giữa các thí sinh cũng sẽ là một động lực giúp bé cố gắng và là cơ hội để bé trưởng thành hơn. Sự phát triển, thay đổi của các thí sinh nhí sau mỗi cuộc thi không thể chỉ đánh giá đơn thuần bằng con mắt chủ quan của người lớn mà phải do chính bản thân các em quyết định. Giống như cặp đôi Đăng Quân – Bảo Ngọc trong cuộc thi Vietnam’s got talent, việc giành giải nhất của cuộc thi một mặt tạo cho các em áp lực về sự nổi tiếng, sự kì vọng của xã hội. Mặt khác, đó cũng là tấm vé để đưa các em bước sang một ngã rẽ mới trên hành trình nghệ thuật. Chặng đường phía trước của các em vẫn còn dài và không một ai có quyền hay đủ tư cách để phán xét, định đoạt tương lai của các em ra sao.

 

Hiện tượng Gặp mẹ trong mơ Uudam China’s Got Talent & Nhật Tiến Đồ Rê Mí 2012

Hiện tượng Gặp mẹ trong mơ Uudam China’s Got Talent & Nhật Tiến Đồ Rê Mí 2012

 

Nghịch lý kì lạ thường tồn tại song hành cùng với mỗi chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi còn là nghi án dàn dựng. Người lớn với cái nhìn phán xét luôn cho rằng sự thể hiện của các bé trên truyền hình luôn có sự áp đặt từ người lớn mà quên đi rằng, sự ngây thơ, hồn nhiên của các em không phải là điều mà ai cũng dễ dàng thay đổi. Nếu em nhỏ nào có câu nói thông minh, hay sự diễn xuất xuất thần, đều bị chụp cho cái mũ là người lớn bảo làm vậy thì liệu các em còn đủ tự tin để thể hiện mình? Lấy chuyện Nhật Tiến và ca khúc Gặp mẹ trong mơ là ví dụ. Có lẽ sai lầm của em chính là việc chọn lựa ca khúc Gặp mẹ trong mơ – một ca khúc từng quá nổi tiếng với sự thể hiện của Uudam, để thể hiện trong Đồ Rê Mí và trót khóc vì quá xúc động khi đang hát. Bởi ngay khi clip em khóc nức nở khi đang hát xuất hiện trên mạng, tiết mục đã vấp phải không ít sự chỉ trích của cư dân mạng, cho rằng đó hoàn toàn là kịch bản của chương trình mà quên đi rằng, Nhật Tiến vốn là một cậu bé rất cảm xúc. Câu hỏi đặt ra là tại sao một cậu bé yêu mẹ, thương mẹ lại không thể khóc khi hát về mẹ chỉ vì mẹ mình vẫn đang còn sống? Có thể giọng của Nhật Tiến chưa thật hoàn hảo nhưng cảm xúc của em là chân thật và tại sao thật khó để có một cái nhìn khách quan về phần trình diễn của Tiến mà không bị so sánh với Uudam?
 

Vì thế mà nếu quyết định sản xuất một chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi, nhà sản xuất không chỉ lo viết kịch bản sao cho hay, trau chuốt từ ngữ sao cho kĩ lưỡng mà còn phải cẩn thận với mỗi hành động của thí sinh nhí trong chương trình. Bởi bất cứ phát sinh gì ngoài dự kiến cũng sẽ phải chịu sự “oanh tạc” từ giới truyền thông.

 

Tác động từ gia đình

 

Ngoài những nguyên nhân khách quan, một yếu tố không nhỏ ảnh hưởng đến các cuộc thi dành cho thiếu nhi là về bản thân thí sinh. Khác với các chương trình tìm kiếm tài năng và truyền hình thực tế dành cho người lớn, thí sinh hầu hết trên 18 tuổi, có quyền và khả năng đưa ra quyết định cho hành vi của mình. Ở các cuộc thi dài hơi cho thiếu nhi, các em luôn cần gia đình đi theo để chăm sóc, động viên và hỗ trợ. 

 

Đồng ý cho con em mình đi thi, các ông bố, bà mẹ phải bỏ việc và nhiều khi là xa nhà hàng tháng trời để cùng con vượt qua thử thách. Điều này đòi hỏi sự hi sinh và tình yêu thương lớn từ những bậc làm cha, làm mẹ.

 

Nhìn lại lịch sử Đồ Rê Mí – cuộc thi âm nhạc gắn bó lâu năm với các em thiếu nhi Việt Nam, người ta vẫn chưa thấy trường hợp nào cha mẹ vì công việc của mình mà ngăn cản con đến với cuộc thi. Thậm chí để con em mình tự tin, cả gia đình không ngại vất vả theo bé suốt trên chặng đường dài. Hay trong Lotte – Cầu thủ tí hon, người làm cha, làm mẹ không nề hà theo con trong từng buổi tập luyện thể thao. Mỗi bước thành công của các em nhỏ, đều đi cùng với sự tự hào, nước mắt hạnh phúc của người làm cha, làm mẹ. Sự ủng hộ từ gia đình chính là động lực giúp các thí sinh nhí nỗ lực không ngừng để thể hiện mình.

 

Con tham gia truyền hình thực tế, bố mẹ phải liều

Con tham gia truyền hình thực tế, bố mẹ phải liều

 

Nhiều khi, để đăng kí cho con đi thi một chương trình truyền hình thực tế, gia đình các em còn cần phải liều. Bởi độ tuổi khi các em tham gia chương trình đều còn rất nhỏ, nhiều khi chỉ từ 2 tuổi rưỡi đến 5 tuổi như “Con đã lớn khôn”. Trong chương trình, mọi diễn tiến đều hoàn toàn tự nhiên, không hề có sự can thiệp của người lớn. Các bé phải  đối mặt với những trở ngại về tiền bạc, xe cộ khi lần đầu tiên tự mình đi mua đồ. Ở nhiều nước trên thế giới, các bé ở độ tuổi này đã có tính tự lập cao, song ở Việt Nam, việc rời khỏi sự bao bọc của cha mẹ khi còn nhỏ vẫn còn quá xa lạ. Cha mẹ phải thật sự tin tin tưởng con của mình và chương trình mới đủ can đảm cho bé đối diện với thử thách để “lớn khôn”.

 

Hiếm nhưng mà vẫn có

 

Dù hiếm nhưng vẫn còn đó những sân chơi cho thiếu nhi đang dần khẳng định vị trí của mình trong thế giới trẻ thơ. Lâu đời nhất phải kể đến Đồ Rê Mí với chặng hàng trình đã bước sang năm thứ 6. Đây cũng là một trong số những chương trình ít ỏi dành cho thiếu nhi được phát sóng vào giờ vàng trên kênh truyền hình quốc gia VTV3, khung giờ vốn luôn được ưu tiên dành cho các gameshow của người lớn.

 

Hay mới đây nhất là chương trình thực tế “Lotte cầu thủ tí hon”, phát triển tài năng bóng đá nhí, tạo cơ hội cho các bé học hỏi những kĩ năng, kinh nghiệm đá bóng tốt nhất, rèn luyện cho các bé tinh thần đồng đội cùng nhau sát cánh trên sân cỏ.

 

Chương trình thực tế “Con đã lớn khôn” tạo điều kiện cho các bé xây dựng tinh thần tự giác, kĩ năng sống để phát triển hoàn thiện về thể chất lẫn tinh thần. Chương trình cũng trở thành sợi dây kết nối giữa con cái và bố mẹ, tạo nền tảng tin tưởng và ủng hộ lẫn nhau trong gia đình.

 

Hay Vietnam’s got talent không hoàn toàn dành cho thiếu nhi nhưng cũng là cơ hội để các em nhỏ thử sức và phát huy khả năng của mình trên những lĩnh vực khác nhau. Cặp đôi Đăng Quân – Bảo Ngọc chính là minh chứng cho mục tiêu hàng đầu của chương trình là phát hiện những tài năng mới cho làng giải trí Việt Nam.

 

Dù vậy, các chương trình dành cho thiếu nhi vẫn chỉ chiếm thiểu số trong lượng chương trình giải trí hiện nay. Xã hội và cả giới truyền thông cần rộng lòng và rộng tay hơn nữa để tạo cho trẻ em những sân chơi lành mạnh trên truyền hình.

 

 KM