Làng bánh khô mè Cẩm Lệ vào mùa Tết

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 22/01/2016Lần cập nhập cuối: 08/02/2021

Hổi hả làm cho kịp hàng

Theo những người cao tuổi nơi đây, bánh khô mè Cẩm Lệ có từ thế kỉ 19, là sản phẩm không thể thiếu để cúng tổ tiên trong những ngày rằm, đầu tháng, các dịp lễ hội và đặc biệt là ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Ngay từ trung tuần tháng 11 âm lịch, những lò bánh khô mè nơi đây tất bật hơn ngày thường cho ra những mẻ bánh phục vụ Tết Nguyên đán. Bình thường, nhà làm bánh nổi lửa cách nhật hoặc một tuần làm hai ngày, nhưng đó vẫn là nghề đủ sống, tạo được việc làm cho một số người. Đến mỗi dịp tết, làng nghề bánh khô mè nơi đây lại đỏ lửa suốt ngày, đủ cho 100 nhân công lao động có kế sinh nhai.

Công nhân bận rộn làm bánh
Công nhân bận rộn làm bánh

Cô Lê Thị Kim Thoa ( 43 tuổi, ngụ 160A Ông Ích Đường, Cẩm Lệ) con gái bà Liễu – chủ cơ sở sản xuất bánh khô mè thương hiệu bà Liễu cho biết: “Nếu ngày thường cơ sở cô sản xuất 500 gói, nhưng trong những ngày giáp tết thì lượng bánh sản xuất ra gấp đôi từ 1000 đến 1.200 gói”. Cô Thoa cho biết thêm, hiện tại cơ sở có 15 công nhân làm bánh, mỗi ngày cô trả cho lao động 100.000 đồng /người.

Tùy vào kích cỡ, mỗi gói bánh khô mè có giá cả khác nhau. Loại lớn có giá 50.000 đồng/gói, loại vừa giá 30.000 đến 40.000 đồng/gói, loại nhỏ giá 20.000 đồng/gói.

Những chiếc bánh được đóng gói cẩn thận
Những chiếc bánh được đóng gói cẩn thận

Theo chân người dẫn đường, chúng tôi tìm tới nhà bà Nguyễn Thị Nhứt, gia đình có 4 đời truyền thống làm bánh khô mè. Bà Nhứt cho biết: “Bắt đầu từ tháng 12, lượng khách đặt hàng rất nhiều. Cơ sở phải tăng cường thêm lao động từ 12 người lên đến 20 người để kịp hàng giao cho khách trong dịp tết”.

Sản phẩm bánh khô mè Cẩm Lệ không chỉ được thị trường trong thành phố biết đến mà còn tiêu thụ rộng rãi ở các tỉnh lân cận như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, khu vực Tây Nguyên và được nhiều du khách ưa chuộng. Qua bao thay đổi của cuộc sống, của nền kinh tế thị trường, bánh khô mè vẫn giữ được hương vị giòn ngon thơm ngọt như thuở ban đầu.

Phát triển làng nghề bền vững

Từ năm 1998 đến nay, nghề làm bánh khô mè ở Cẩm Lệ đã được chính quyền địa phương và các ngành quan tâm, hỗ trợ xây dựng để phát triển làng nghề truyền thống. Từ một sản phẩm làng quê, bánh khô mè đã có tên tuổi trên thị trường, được đăng ký quyền sở hữu.

Bà Huỳnh Thị Chi, phó phòng kinh tế quận Cẩm Lệ cho biết : “Năm 2012, niềm vui lớn nhất đã đến với người dân làng nghề làm bánh khô mè khi tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xếp bánh khô mè Cẩm Lệ vào danh sách 10 đặc sản bánh quà tặng nổi tiếng”.

Công đoạn nhúng bánh
Công đoạn nhúng bánh

Hiện tại, làng nghề có 12 cơ sở sản xuất bánh, trong đó có 4 cơ sở sản xuất lớn hoạt động quanh năm còn các cơ sở khác chỉ hoạt động trong dịp tết.

Để có được những chiếc bánh khô mè thơm ngon, giòn tan mang nét đặc trưng riêng của người dân Đà Nẵng, phải trải qua nhiều công đoạn và bí quyết riêng của người làng nghề.

Đầu tiên, người ta rây bột vào khuôn với những ô vuông, bên dưới khuôn lót lớp vải thô, sau đó đem chưng cách thủy trên bếp lò đã đun sôi khoảng năm phút. Bằng cách tận dụng than của lò nấu, người ta tiếp tục chuyển sang công đoạn nướng bánh, từ lửa lớn sang lửa vừa, rồi đến nhỏ lửa để giữ cho bánh giòn, xốp. 

 

Những chiếc sau khi hoàn thành
Những chiếc sau khi hoàn thành

Giai đoạn hai của quy trình làm bánh là thắng nước đường trên lò than nóng, rang mè, bọc lớp áo nước đường cho bánh, rồi tẩm mè chung quanh để lát bánh có độ dẻo, cứng giòn vừa phải và bùi ngậy thơm ngon.

Ngoài bột gạo nếp, nguyên liệu làm bánh khô mè còn có thêm đường non, mè, bột quế Trà My và gừng tươi ép lấy nước để tăng thêm vị thơm ngon.

 

Được đóng gói đưa ra thị trường
Được đóng gói đưa ra thị trường

Mặc dù thành phần rất đơn giản nhưng để có được tấm bánh khô mè ngon, bổ và đúng “gu” xứ Đà thành, người làm bánh cũng phải mất rất nhiều công sức tỉ mỉ và khâu chế biến phức tạp. Một đặc điểm khá đặc biệt nữa của bánh khô mè Cẩm Lệ là bánh chỉ giữ được hương vị nguyên sơ khi làm bằng thủ công.

Nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề, thành phố và quận đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ Việt, hội chợ xuân, mua các khuôn làm bánh mới, mua máy in hạn sử dụng trên bao bì.

Bánh khô mè Cẩm Lệ ngày nay đã có mặt ở nhiều vùng trên cả nước và theo tay Việt kiều làm món quà quê sang xứ người. Có thể nói sự góp mặt của bánh khô mè đã trở thành một thương hiệu cho văn hóa ẩm thực của người dân Đà Nẵng.

Lý Triện – Huế Đinh