Cảnh sống nhếch nhác nơi “khu ổ chuột” khó tin giữa lòng thủ đô
Ít ai tưởng tượng nổi, ngay giữa trung tâm Thủ đô phồn hoa, tấp nập lại có một xóm trọ ẩm thấp, lộn xộn và nhếch nhác đã tồn tại gần 20 năm. Nằm sâu trong con ngõ Nguyễn Phúc Lai (Hoàng Cầu, Đống Đa), xóm trọ là nơi trú ngụ của hơn 50 người. Từ già đến trẻ, tất cả đều cố bám trụ cuộc sống bằng những công việc lao động tay chân vất vả, quanh năm cắm mặt với những phế liệu, giấy vụn bỏ đi.
Người và rác cùng chung sống
Dù đang là giữa trưa, nhưng ánh sáng trong xóm trọ vẫn chỉ mập mờ, le lói, nhìn từ ngoài vào không khác gì một “hang động bí hiểm”. Khu nhà lụp xụp được phân thành 2 tầng. Tầng trệt chỉ cao khoảng 1,7m, là nơi chứa rác, lọc rác, đồng thời là không gian tắm, giặt, vệ sinh, nấu nướng chung. Phía trên là rất nhiều những gian buồng được chia nhỏ ra cho nhiều hộ gia đình sinh sống.
Không khó để có thể nhận thấy, nơi đây là chốn hội tụ của tất cả những loại rác với đủ loại mùi có trên trái đất: mùi ẩm thấp của bìa các-tông tích trữ lâu ngày, mùi rác thải, mùi thức ăn thừa và mùi ngai ngái của hàng trăm những vật dụng khó gọi tên. Tất cả trộn lẫn, tạo nên một thứ mùi đặc quánh không hề dễ chịu.
Tiếp chuyện tôi ngay từ lúc mới bước vào, anh Duy (quê ở Nam Định) bày tỏ: “Ở đây khổ quanh năm, chả có lúc nào thoải mái. Phía trên là mái tôn nên mùa hè rất nóng bức. Ban ngày đi làm ngoài đường, đến tối về lại phải chịu hơi nóng đã bị ấp vào cả ngày. Còn mùa đông thì khỏi nói, gió lùa đủ 4 hướng. Nhà tôi còn đỡ, chứ có nhà bị mất một tấm ngăn, mãi không làm lại được nên chỉ biết căng tấm bạt ra chắn tạm”.
Hơn 50 người cùng chung sống nhưng chỉ có duy nhất một khu vệ sinh. Đàn ông thường tắm ngay gần vại nước. Phụ nữ có buồng tắm riêng, nhưng cũng chỉ có thêm tấm rèm để che chắn. Mọi người thường bảo ban nhau, phân chia thời gian sử dụng sao cho hợp lý nhất.
Đi sâu hơn vào bên trong là khu đất rộng, nơi có vài người đàn ông đang chăm chú phân loại và xử lý thô đống sắt vụn vừa thu gom về. Ngay bên cạnh đó là khoảng chục ngôi mộ nằm rải rác.
Anh Duy phân trần: “Đây vốn là đất của nghĩa trang, nhưng giờ chỉ còn lại vài ngôi mộ. Những ngôi mộ này thỉnh thoảng vẫn có người đến thắp hương, dọn dẹp. Chúng tôi ở quen rồi nên cũng không sợ. Vả lại, có nơi chui ra chui vào đã là may mắn lắm rồi, tính gì đến những chuyện khác”.
Những phận đời với cái nghèo “gia truyền”
Được biết, người đã đứng ra thuê và dựng nên xóm trọ này là chú Vĩnh. Năm nay, chú 61 tuổi, tính ra đã lên Hà Nội kiếm sống ngót nghét 20 năm. Nói về căn nhà ẩm thấp nơi mình đang sống, chú bông đùa: “Trên phim của nước ngoài hay thấy có mấy khu ổ chuột. Nơi này chắc cũng chả khác gì”.
Một gian buồng có diện tích rất nhỏ, chỉ đủ đặt chiếc chiếu cùng vài đồ dùng thiết yếu. Hầu hết các nhà đều có 2-3 người cùng sinh sống, tính ra mỗi người chỉ có khoảng 3-4m2 diện tích sinh hoạt.
“Là quản lý ở đây nên tôi biết rõ hoàn cảnh từng gia đình. Trước đây, công việc còn dễ dàng nên có tháng may mắn kiếm được 3-4 triệu. Nhưng giờ vất vả trăm bề, nhà “khá giả” nhất sau khi trừ đi tiền nhà, tiền điện nước cũng chỉ có 1 triệu để sinh sống. Nhưng như vậy cũng đỡ hơn ở quê rồi. Nhà tôi có ruộng, nhưng chỉ được khoảng 1 sào, làm sao đủ ăn. Nghề nghiệp không có, mình cũng phải tìm cách mà sống thôi”, chú Vĩnh thật thà chia sẻ.
Nhớ lại những ngày đầu tiên mới lên Hà Nội, chú tâm sự: “Người quê như tôi thì làm gì có tiền. Ban đầu thuê được khu đất rồi dựng lên từng tí một. Năm đầu tiên chỉ có 2, 3 phòng thôi. Càng về sau, có thêm tài chính, tôi mới ngăn ra nhiều phòng nữa.Trải qua gần 20 năm rồi mới được như thế này”.
Cùng là đồng hương, vì miếng cơm manh áo mà phải lên đây kiếm sống vất vả nên những người trong “xóm trọ ổ chuột” coi nhau như người một nhà. Nếu ban đêm có ai về muộn không kịp nấu cơm thì cứ ăn của nhà nào nấu dư. Mọi người cùng san sẻ với nhau, có gì ăn nấy, nương tựa vào nhau sống qua ngày.
“Mấy ngày Tết mọi người đều về quê, nhưng ai cũng nhanh nhanh chóng chóng trở lại khu ổ chuột này. Nghỉ nhiều, lấy đâu ra tiền mà ăn. Hưởng cái Tết trọn vẹn, với chúng tôi là điều khá xa xỉ”, chú Vĩnh nói trong khi gắng sức dùng tay trần tháo ốc vít từ thanh sắt dày.
Đứng quan sát, lắng nghe câu chuyện của mọi người từ đầu đến cuối, nhưng cô Vân Anh- người phụ nữ có đôi mắt buồn cùng gương mặt khắc khổ tuyệt nhiên không nói một lời nào. Chỉ đến lúc tôi quay ra ngoài, cô mới lặng lẽ đi theo và bắt đầu câu chuyện của mình.
“Một khi đã phải sống ở đây, tức là đời chúng tôi khổ lắm. Chui rúc trong xó này đã hơn chục năm nay, nhưng chưa có giây phút nào tôi nghĩ mình có thể chuyển đi nơi khác. Thôi thì phận người, đành quanh quẩn mãi như thế vậy”, cô Vân Anh tâm sự.
Không có cuộc hôn nhân hạnh phúc, cô phải gánh vác công việc trong nhà và một mình nuôi con từ lúc con 8 tháng tuổi. Cô nói, cái nghèo này là nghèo “gia truyền”, nghèo từ đời ông bà đến đời con cháu. “Ngày xưa, ông bà đến cái bát sứt đã không có mà ăn. Giờ đến đời con cháu cũng chẳng thấy khấm khá hơn là bao”, cô cười ngượng ngùng.
Niềm an ủi duy nhất với cô Vân Anh lúc này là người con đã thi đỗ đại học. Để có tiền trang trải học phí cho con, cô đã phải vay mượn khắp nơi. “57 tuổi đầu, chưa có ngày nào biết đến chữ sung sướng. Nhiều đêm nằm mà nước mắt cứ thi nhau rơi, nghĩ về phận mình, rồi nghĩ cho tương lai của con. Không biết, sau này nó có đỡ khổ hơn mẹ nó không….”
Nghe tiếng vài người í ới ngoài đầu ngõ, cô Vân Anh bỏ dở câu chuyện, dắt chiếc xe cũ dựng trong góc nhà rồi nhanh chóng lấy đà, đạp vụt đi cho kịp giờ thu gom rác…
Hoàng Ngọc