Sống thử kèm người thứ 3 để… tiết kiệm

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 05/05/2012Lần cập nhập cuối: 14/01/2021

Bớt ngại để tồn tại

 

Bão giá là nỗi lo sợ lớn nhất của đời sống sinh viên. Tất tần tật đều tăng giá từ cà muối, cá khô, đậu phụ hay mì tôm…

 

Nếu yêu nhau, trước đây đưa người yêu đi ăn nhà hàng, đi uống café ở nơi sang trọng thì giờ thay vào đó là lê la trà đá, trà chanh vỉa hè và mua đồ ăn về cùng nấu. Nếu trước đây cuối tuần xem phim chiếu rạp thì giờ xuất hiện café phim tình nhân để vừa café, xem phim vừa có khoảng không gian lãng mạn cho cả hai. Như thế “một công đôi việc” mà tiết kiệm được tiền và thời gian.

 

Bên cạnh đó, sống thử cũng xuất hiện thêm những “chiêu thức” mới để phòng cả hai “viêm màng túi” thời bão giá. Đó là cho người thân cận của một trong hai người ở chung phòng.

 

Trong trường hợp đó, những đôi sống thử đã bỏ qua dị nghị, không ngần ngại thể hiện tình cảm khi có người thứ ba xuất hiện. Đây gọi là “bớt ngại để tồn tại” như họa sĩ trẻ Thành Phong đã miêu tả.

 

Với giá phòng 2,8 triệu đồng; thêm phí dịch vụ (gồm cầu thang máy, mạng, điện nước, rác, điện hành lang, gửi xe…) gần 1 triệu đồng, một đôi sinh viên cùng học đại học FPT, sinh 1993, quê gốc Thanh Hóa đã thuê chung 1 phòng tại một tòa nhà 9 tầng, ngõ 41, Trần Thái Tông, Hà Nội để ở. Với mức giá cắt cổ như thế nên cả hai đã quyết định cho chị gái của người con trai vào ở cùng nhằm bớt tiền thuê phòng.

 

Người con trai tên Huy cho biết: “Trong khu nhà này, phòng bé 1,8 triệu đồng, còn phòng lớn 2,8 triệu đồng. Nhưng vì phòng 1,8 triệu đồng hơi bé nên hai đứa quyết định ở phòng rộng hơn. Sống chung với bạn gái bố mẹ mình không hề biết.

 

Mình chỉ dám nói là ở cùng với chị cho bố mẹ khỏi lo lắng. Chị gái nên dễ dàng thông cảm cho cả hai đứa mình và cũng để bớt phần nào tiền phòng trọ khi giá cả đang ngày càng leo thang”.

 
Sống thử kèm người thứ 3 để… tiết kiệm

Nhiều cặp sống thử nhưng sẵn sàng thêm người ở cùng để…tiết kiệm chi phí. (ảnh minh họa)

 

Khác với cặp đôi của Huy, Phú và Lan, sinh 1992 lại ở xóm trọ rẻ tiền hơn rất nhiều chỉ 700 nghìn đồng/tháng, ở Tu Hoàng- Từ Liêm. Bạn gái học trường ĐH Thành Đô, còn bạn trai học ĐH Công nghiệp HN.

 

Cũng cùng chung ý nghĩ càng tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong lúc khó khăn càng tốt bấy nhiêu, cả hai đã “kết nạp” thêm chị gái của Phú. Chị học cùng trường Thành Đô với “em dâu”. Như vậy một mũi tên trúng nhiều đích. Tiết kiệm được tiền phòng, tiền ăn của cả 3 mà lại có thể trao đổi bài vở, học hỏi lẫn nhau khi chị gái và bạn gái học cùng trường nhau.

 

Chứng kiến em trai sống thử: Sợ lấy chồng

 

“Đã quyết định sống thử với nhau đương nhiên người con gái sẽ làm những công việc không khác gì một người vợ; còn người con trai có quyền không khác gì một người chồng.

 

Chỉ mỗi điều nếu không thể chịu đựng, cả hai có thể ra đi để giải thoát cho bản thân khỏi những ràng buộc của đối phương”, lời chia sẻ của bạn Phạm Thị Huyền (CĐ Múa Việt Nam) khi sống cùng em trai và người yêu của em. Do đi làm thêm tại nhà hàng, nên hầu hết Huyền không ăn tối ở nhà. Cô chỉ về nhà ngủ, còn hầu hết thời gian đôi bạn trẻ được riêng tư.

 

Tuy vậy, Huyền vẫn quan sát cuộc sống của em mình. Câu nói “Đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp” của cha ông ta không hề sai. Sống thử hay sống thật thì cũng đều là sống như vợ chồng. Giữ tiền sinh hoạt cả tháng, mọi việc nội trợ đều do bàn tay bạn gái đảm nhận.

 

Họ đi chợ sắm đồ dùng cho cả hai. Từ những thứ vụn vặt như bàn chải, kem đánh răng… cho đến quần sooc, quần nhỏ của người yêu. Ăn gì cũng do người con gái lựa chọn, nấu ngon hay không cũng do người con gái nấu. Nếu nói các bạn gái khi sống thử như những “ô sin cao cấp” cũng không có gì là quá đáng.

 

Huyền kể lại: “Có những hôm “em dâu” đi học về muộn hoặc đi làm thêm về khuya; em trai vẫn ung dung ngồi chơi, nghe nhạc chờ người yêu mua đồ về nấu ăn. Nếu không kịp đi chợ thì đành mua đồ ăn sẵn. Vì thế không ít lần 9, 10 giờ mới ăn cơm tối. Tất cả cứ lặp đi lặp lại như một bản giao hưởng định mệnh.

 

Huyền nhớ như in một lần chỉ vì thức cả đêm để ôn thi, lại đi thi cả ngày nên chiều về “em dâu” lăn ra ngủ không để ý đến việc cơm nước, cũng không buồn ăn uống mà cả hai đã “chiến tranh lạnh” cả tuần.

 

Huyền còn thuật lại những lời mắng nhiếc, thiếu tâm lý của em trai mình: “Nếu không muốn ăn cũng phải nấu hoặc mua đồ ăn cho người khác ăn chứ, chỉ ích kỉ nghĩ cho mình…”.

 

Mặc dù rất yêu quý em, nhưng Huyền rất phản đối lối sống đó và cô lo sợ, không ít đàn ông Việt Nam có kiểu gia trưởng đó, khiến người vợ thật sự khổ sở, không khác gì osin cao cấp.

 

Cũng không tránh khỏi những bất cập

 

Nói là “bớt ngại để tồn tại” nhưng trong mọi hành động cả hai đều phải giữ kẽ, ý tứ khi có mặt người quen ở đó. Huy cho hay: “Chị tuy thoải mái nhưng không thể hớ hênh, không thể cứ hứng lên là tình cảm với nhau trước mặt chị được. Nhiều khi cũng thấy hơi bất tiện cho cả hai. Đó là chưa kể đến những xích mích giữa chị và bạn gái. Người ở giữa là mình luôn rất khó xử”.

 

Với cặp đôi kia thì sự va chạm giữa Lan và chị gái Phú lại nhiều hơn, mặc dù chưa bao giờ to tiếng với nhau. Những gì không ưng về chị, Lan chỉ nói thông qua Phú. Lan tâm sự: “Ở với chị gái người yêu nên cũng phải học cách nhẫn nhịn.

 

Việc thức đêm buôn chuyện điện thoại của chị, nói lại to luôn làm mình thấy khó chịu. Ngày nào cũng như ngày nào. Vì tôn trọng nên đưa chị giữ tiền ăn và trả tiền phòng nhưng luôn rơi vào tình trạng chưa hết tháng đã hết sạch tiền phải vay mượn…”.

 

Còn với người thứ ba, dù là chị đi chăng nữa cũng luôn có cái khó nhất định. Người thứ ba thường được ví như người thừa, kì đà cản mũi… hay sự vô duyên giữa những người yêu nhau.

 

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

 

Theo Mỹ Hạnh

VTC