Cổ tích “cơm 5.000 đồng” thời bão giá
Hai bố con Giàng Pằng Nùng (người đàn ông mặc áo xanh) chỉ mong ngày nào nhóm cũng đến bán cơm.
Đây là tuần thứ 18, chàng thanh niên 26 tuổi gốc Quảng Ninh cùng nhóm bạn của mình cùng nhau chuẩn bị những suất cơm 5.000đ (gọi tắt là 5k) mang đến cho bệnh nhân BV Nhi TW.
Cùng tham gia vào “ca đầu” của nhóm, chúng tôi mới “thấm” niềm vui và lý giải vì sao, dù có phải “bù lỗ”, Trung vẫn miệt mài cùng với những người bạn của mình mang cơm đến chia sẻ khó khăn cho người nghèo.
Tấm lòng thảo thơm của những người trẻ
5 giờ 30 phút sáng thứ 7, con phố Xã Đàn đông đúc thường ngày hãy còn thưa người qua lại. Biết chúng tôi đang “lơ ngơ” chưa tìm được nhà, Trung – người gày gò, kính cận, quần short áo may ô – dù đang sửa soạn dở chừng cũng phi ra đầu ngõ đón. Hóa ra, nơi “tập kết” nấu nướng của nhóm là tầng thượng của căn nhà nhỏ ở ngõ Xã Đàn 2 (Đống Đa, Hà Nội).
Trời còn sớm nhưng lác đác vài thành viên đã đến để chuẩn bị cho “ca đầu”. Ngay khi đến, chúng tôi đã thấy la liệt những cá, thịt xay, rau cỏ… được “thủ kho” Như Lê chuẩn bị.
“Mình đi chợ ở nhà (Cổ Nhuế) từ hôm trước, về cất giữ cẩn thận, rồi vận chuyển lên đây”, Như Lê vừa đưa tay lau mồ hôi nhễ nhại vừa nói. Là thành viên mới, chúng tôi cùng ùa vào nhặt rau, làm cá…Vừa làm, chúng tôi cũng “tranh thủ” tìm hiểu.
Hóa ra ý tưởng của việc nấu những suất cơm 5.000đ này xuất phát từ việc Trung – thủ lĩnh nhóm – đọc được bài viết về suất cơm 2.000đ, 5.000đ ở Trung và Nam bộ. Vốn đã từng theo chân một số đoàn Phật tử làm cơm từ thiện cho trẻ em mồ côi, chàng thanh niên trẻ tuổi ấy có thể cảm nhận được sâu sắc niềm vui và ý nghĩa của hoạt động từ thiện ấy.
“Ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần phải bước vào bệnh viện. Ở đó, không khó để chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương. Bệnh tật, nghèo khổ, nheo nhóc…, nhiều người phải nhịn ăn, nhịn mặc để có tiền chữa trị cho người nhà. Bữa cơm 5.000đ của chúng tôi không thể giúp đỡ họ thoát khỏi khó khăn nhưng phần nào đó là sự động viên, chia sẻ”, Trung vừa khéo léo làm cá, vừa tâm sự với chúng tôi.
Để đưa ý tưởng đi vào hoạt động, Trung tự bỏ tiền túi để thuê 2 tầng nhà ở ngõ Xã Đàn 2 làm nơi tập trung nấu nướng và kêu gọi bạn bè tham gia. Ban đầu, nhóm chỉ gồm 5 thành viên mà Thành Trung, Bùi Thùy Nguyên (SV Mỹ Thuật) và Hoàng Như Lê (Kế toán viên) là chủ chốt.
Nhớ lại buổi đầu tiên, Thùy Nguyên vẫn không giấu nổi ánh mắt xúc động: “Khi bọn mình vào viện phát phiếu ăn cho bệnh nhân, nhiều người ngỡ tưởng đây là một chiêu lừa, quảng cáo cho một quán cơm nào đó. Thậm chí còn chưa hiểu “5k” là gì.
Nhưng sau khi được tận mắt chứng kiến, cầm hộp cơm “đầy đặn” trên tay, có người còn hồ nghi: Chả biết có phải cổ tích hay không nữa? Bữa đó tụi mình bán được 67 suất cơm. Tính ra thì lỗ, nhưng niềm vui làm việc có ích thì chẳng gì mua nổi”.
“Nhiều hoàn cảnh thương lắm. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc không biết hoặc bập bõm tiếng chúng mình nói, nghe câu được câu mất, nên khi hiểu ra, chạy xuống cổng sau bệnh viện Nhi (nơi bán cơm) thì đã muộn, cứ tần ngần ứa nước mắt. Lần đó, một vài bạn đã không quản nắng nôi chạy về nhà, mang chính những suất cơm của mình trao tận tay miễn phí cho họ…”, Lê Nguyên vừa gọt su su vừa kể lại.
Rưng rưng nước mắt
7 giờ sáng, số người tham gia đã đông hơn, không chỉ “người cũ” mà còn thêm nhiều thành viên mới. Một người biết, đăng ký tham gia (qua mạng xã hội hoặc diễn đàn), rồi như “vết dầu loang”, đến nay, sau 18 tuần đi vào hoạt động, nhóm đã có được hơn 60 thành viên “thực” (tức là tham gia trực tiếp nấu nướng, đóng góp). Trên mạng xã hội Facebook, tại địa chỉ http: //www. facebook. com/ groups /com 5nghin/, nhóm đã thu hút hơn 1.600 người tham gia.
Ngó qua thực đơn gồm mọc sốt cà chua, su su luộc, rau bí xào, canh rau ngót nấu thịt, cá kho, trứng rán, đậu chiên tẩm hành, tôi băn khoăn: “Đầy đặn thế sao chỉ có 5k? Không sợ khách hàng “nghi ngờ chất lượng à”? – “Thường với mỗi suất cơm như thế, giá trung bình ở ngoài phải từ 20.000đ-25.000đ đấy! Nhưng mình nấu với tấm lòng thiện nguyện nên không tính toán quá nhiều. Nhóm cũng thu hút được một số nhà hảo tâm, hỗ trợ cho nhiều nguyên vật liệu.
Khi tôi tò mò hỏi có thể cho biết tên những nhà hảo tâm không, cả Trung, Việt Anh và những thành viên chủ chốt đều đồng thanh: “Bí mật, thiện nguyện mà!”…
Trong số những người tham gia “ca đầu” hôm nay, người nhiều tuổi nhất đã quá “băm”, người trẻ nhất sinh năm 1997. Do chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời “thực” nên khi gặp, ai cũng gọi nhau bằng tên đăng ký trên diễn đàn, bất kể có là tên thật hay không!
Anh Tùng (SN 1975, công tác tại Hội Nông dân Việt Nam), hiện là tình nguyện viên lớn tuổi nhất khẳng định ngay lý do khiến anh tham gia với chúng tôi rằng: “Vừa sức và nghiêm túc”. Anh phân tích: Mình tham gia nhiều đoàn từ thiện rồi nhưng vẫn bị “Cơm 5 nghìn” lôi cuốn.
Chương trình này ai cũng có thể tham gia, đóng góp công sức hoặc bất cứ đồ dùng, thức ăn gì. Các chi phí, ủng hộ của các thành viên đều công khai trên Facebook. Thứ 4 hàng tuần, các thành viên sẽ đăng ký tham gia hoạt động, căn cứ vào số lượng, phụ trách nhân lực trong Ban quản trị sẽ có lịch phân công rõ ràng cho từng người”.
Anh Phương, người vừa được anh Tùng “lôi kéo” vào nhóm, đều tay vớt đậu, bảo: “Ở nhà cơm nước dù cũng thích nấu đấy, nhưng có vợ rồi nên phải hôm nào rỗi rãi mình mới xung phong vào bếp. Nay đến đây, được tự tay nấu nướng, chuẩn bị, thế mới thấy, đàn ông cũng vào bếp như ai nhé!”.
Đúng 9 giờ, khi công việc gần xong xuôi, Thanh Nhàn (SN 1989) cùng một số thành viên chạy xe tới Bệnh viện Nhi TW để phát phiếu cho các bệnh nhân. Do số lượng hạn chế nên việc phát phiếu, nhóm đều nhờ hộ lý, y tá tại Bệnh viện giới thiệu những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
“Ban đầu thì mình chỉ biết tin vào con mắt của mình, nhìn bệnh nhân rồi đoán hoàn cảnh, giờ được các anh chị hỗ trợ nhiều lắm!”, Thanh Nhàn chia sẻ. Phát phiếu xong cũng là lúc những chiếc xe máy chở đồ ăn trong thùng xốp tập kết tại cổng sau BV Nhi Trung ương (Phố Chùa Láng). Hàng dài người xếp chen cứng cổng sau, ai nấy cũng hồ hởi, mong đợi, có người còn cầm cả tập phiếu dày với lý do “mua hộ cả phòng do họ phải ở lại trông con”…
Giàng Pằng Nùng (dân tộc Mông), quê Yên Bái rưng rưng khi cầm hai suất cơm trên tay. Nhà Nùng vốn nghèo, thu nhập chỉ trông vào mảnh nương rẫy đã cằn cỗi. Ba ngày trước, Nùng phải bán cả đàn gà, vay mượn hàng xóm để đưa cô con gái 7 tuổi xuống Hà Nội khám bệnh do chảy máu cam bất thường.
Hàng ngày, chắt bóp lắm anh phải mất 20.000đ/suất cơm bụi lèo tèo mấy miếng thịt mỡ và rau xanh. Thế nên, khi nhận được suất cơm 5.000đ, Nùng nghẹn ngào mãi: “Lâu lắm em và con mới ăn một bữa ngon như thế này. Chả biết con điều trị đến bao giờ, giá mà ngày nào cũng có các anh chị đến bán”.
Tôi liếc nhìn đồng hồ, lúc ấy đã gần 12 giờ trưa. Cơm, canh, thức ăn đã “vét” sạch, kế toán Như Lê thông báo: “Hôm nay đã bán được 180 suất cơm, vượt chỉ tiêu và kỷ lục tuần trước nhé”!
Vui là thế, nhưng nhóm trưởng Thành Trung vẫn trăn trở: Hoạt động của nhóm tuy nhận được sự ủng hộ nhiệt tình song các thành viên chỉ có thể tranh thủ được ngày Thứ 7. Do đó, thay vì tăng buổi, Trung bật mí: “Số lượng tình nguyện viên của nhóm tăng lên rất nhanh.
Vì thế, trong thời gian tới, nhóm sẽ cố xoay xở kinh phí để có thể mở rộng quy mô hoạt động. Hiện nay, mỗi ngày thứ 7, nhóm đã cung cấp được hơn 180 suất ăn, hy vọng con số này sẽ tiếp tục được phá kỷ lục. Cùng với BV Nhi TW, nhóm cũng mong muốn mở thêm một điểm bán cơm 5.000đ tại Bệnh viện K Hà Nội, nơi có rất nhiều hoàn cảnh éo le”.
Theo Quỳnh An
Gia đình & Xã hội