Thạc sĩ tâm lý Đinh Quỳnh Châu chia sẻ cách giáo dục những bé nóng tính
Thạc sĩ tâm lý học Đinh Quỳnh Châu đã chia sẻ với chương trình “Con Đã Lớn Khôn” về cách xử sự và giáo dục với các bé hay nóng tính.
“Phụ huynh mà thấy con đánh nhau thì không vui. Nhưng thay vì la cháu, hãy phân tích cái việc tại sao cháu bé lại có thể đánh như vậy để biết được lý do. Khi biết được lí do rồi thì mình sẽ có cách giải thích phù hợp với trẻ” – Thạc sĩ Đinh Quỳnh Châu cho biết.
Lấy ví dụ ngay hai bé Cún và Bin trong tập 126 – “Con Đã Lớn Khôn”, ba vị khách mời đã chỉ ra nhiều vấn đề phụ huynh cần để ý trong quá trình giáo dục, hình thành nhân cách cho trẻ.
“Chú” Đào Thành Trung (Cún – 5 tuổi) luôn quát tháo và nóng tính. Cháu Nguyễn Trọng Nghĩa (Bin – 4 tuổi) thì luôn vui vẻ và rất thích hát hò trên suốt hành trình.
Nhà báo Dạ Ly chia sẻ: “Ban đầu, khi mà thấy tính cách Cún nóng như vậy thì chị đoán chắc sẽ có một trận ẩu đả.
Nhưng không ngờ nó xảy ra bất ngờ như vậy. Bởi thông thường, hai cháu trai chơi với nhau thì khi cự cãi nhau kịch liệt mới xảy ra đấm đánh hoặc khi bị ức hiếp thì mới đánh trả, nhưng ở đây lại chú Cún lại bất ngờ đánh cháu như vậy”.
Thạc sĩ Đinh Quỳnh Châu nhận xét: “Ở đây, tôi thấy mọi người rất quan tâm đến việc chú Cún có cái hành động cuối cùng là đánh. Thực ra khi phân tích tại sao Cún lại như vậy thì có thể thấy là do hiểu lầm của những đứa trẻ. Vì nó nghĩ nó là chú, mà chú tức là có quyền uy mà quyền uy thì đôi khi thể hiện bằng cách la hoặc là đánh. Nhận biết điều đó thì mình giải thích cho trẻ khi giận thì bé sẽ làm gì thay cho hành động đánh hay la mắng”.
Nóng lên là đánh, nóng lên là đánh, có thể là cháu bộc phát, có thể là nóng nảy dồn nén, nhưng mà một lần, nhiều lắm là hai. Còn hình ảnh này lặp đi lặp lại, Cún cứ ăn hiếp cháu Bin – một người không thể tự bảo vệ” – nhà báo Dạ Ly bức xúc khi thấy Cún liên tục ăn hiếp Bin.
“Đối với những đứa trẻ như Cún thì chúng ta phải tập cho bé kiềm chế cảm xúc. Phải dạy bé khi nào con nóng quá thì con bỏ đi cỗ khác và đứng yên đấy một lúc; hoặc dạy trẻ đếm từ 1 đến 10; hít thở sâu. Một cách giáo dục rất hiệu quả ở lứa tuổi này là bố mẹ phải thể hiện được cách kềm chế cảm xúc thì đứa trẻ mới học được” – Một kinh nghiệm nữa để dạy trẻ nóng tính được thạc sĩ Châu chia sẻ.