Muốn thành quán quân “Bước nhảy hoàn vũ” phải biết…
Không khó để nhận ra trong cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ mùa thứ 6 vừa qua, ngoài phần nhảy thì phần diễn cũng luôn được giám khảo ưu ái nhận xét và nó chiếm điểm số không nhỏ.
Nếu như trong các mùa giải BNHV của những năm trước, tới “Đêm điện ảnh” các thí sinh mới thể hiện khả năng diễn xuất thì tới mùa thứ 6, phần diễn xuất gần như xuyên suốt từ đầu đến cuối, nó chiếm điểm số ngang ngửa khả năng vũ đạo của thí sinh. Các giám khảo thậm chí chú ý tới biểu cảm, khả năng diễn xuất của thí sinh hơn cả khả năng khiêu vũ.
Những thí sinh có kỹ thuật và khả năng khiêu vũ tốt như Sử Duy Vương, Dumbo sớm bị loại vì chỉ nhảy thôi không biết diễn. Các bài nhảy của cả Sử Duy Vương, Dumbo, Diệp Lâm Anh đều nặng về khiêu vũ, ít dàn dựng và ít diễn nên nhận được ít điểm trong khi xét về khiêu vũ thì họ cũng chẳng kém các thí sinh lọt tới chung kết là mấy.
Lan Ngọc trong đêm chung kết
Phải biết múa
Không phải ngẫu nhiên mà người ta phân biệt rạch ròi giữa múa và khiêu vũ vì nó là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau nhưng trong BNHV thì lại khác, nó dường như là một nên đôi khi khán giả khó có thể nhận ra lúc nào là múa lúc nào là khiêu vũ trong các bài nhảy.
Trong các đêm chủ đề “freestyle” rất nhiều bài múa đương đại được vận dụng, từ Hương Giang, Ninh Dương Lan Ngọc, Chi Pu, Angela Phương Trinh, Diệp Lâm Anh hầu như ai cũng ít nhất một lần thể hiện bài nhảy kiểu này. Ở các mùa trước Ngô Thanh Vân cũng có bài múa Ấn Độ, Yến Trang cũng ấn tượng với múa ba lê, Ngân Khánh thì múa đương đại, và nay Ninh Dương Lan Ngọc có màn múa lụa … và tất cả đều giúp họ lên ngôi.
Mới đây ca sĩ Diệp Lâm Anh cũng lên tiếng bức xúc rằng, trong khiêu vũ nhảy với giày rất quan trọng, và đó là điều bắt buộc với những vũ công. Nếu như xem thi đấu quốc tế về khiêu vũ, đôi giày nhảy cũng chiếm một phần rất quan trọng cho các bài nhảy. Quả đúng nếu đi khiêu vũ không đi giày mà thay vào đó là đôi chân trần thì liệu rằng có hợp lý với bạn nhảy, và liệu rằng bài nhảy có đẹp khi không có giày. Nhưng ở BNHV thì khác múa với diễn mới là trọng tâm của điểm số, bởi thế mà trong đêm chung kết cả quán quân lẫn á quân chẳng ai mang giày khiêu vũ, vì bài thi của họ là “múa” trên đôi chân trần.
“Chi mạnh tay”
Nếu chỉ xem các màn khiêu vũ đẹp hay xấu mà đánh giá trình độ thí sinh thì có vẻ chưa được chuẩn xác. Chỉ cần quan sát phần dàn dựng biên đạo sẽ thấy được mức độ “đầu tư” của những người trong cuộc. Trong mỗi bài nhảy, ý tưởng biên đạo đôi khi đến từ nhà sản xuất hoặc đến từ chính các thí sinh. Việc đầu tư kinh phí cho các tiết mục đều được nhà sản xuất cung cấp với một mức nhất định nào đó nhưng nếu muốn có độ hoành tráng trong các bài nhảy thì rất nhiều người có tiềm lực kinh tế bỏ tiền thuê thêm sự hỗ trợ từ các ê kíp bên ngoài từ phục trang, biên đạo múa, dàn dựng bài diễn và cả nhóm nhảy hỗ trợ.
Ở cuộc đua BNHV năng lực, kỹ năng dẫu có tốt mà mức độ đầu tư tiền bạc kém, đơn giản chỉ có khiêu vũ không có hay mấy thì thất bại là điều đương nhiên. Đây là cuộc đua của những chiêu trò, những sự dàn dựng công phu để chiều lòng mãn nhãn khán giả, bên cạnh nhảy thì phải biết múa, biết diễn và nhiều cái cái biết mà nhiều người nghĩ những rất ít người nói ra…
Hữu Đông