Sinh viên “bán – mua” tại chợ đêm làng đại học

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 22/04/2015Lần cập nhập cuối: 14/01/2021

Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây thì không gian chợ đêm được quy hoạch lại có nề nếp hơn, quy củ hơn với sự quản lý của tổ dân phòng Tân Lập, nhằm tạo điều kiện “ làm ăn” cho các sinh viên đang trong thời gian học tập hay những sinh viên vừa ra trường nhưng chưa có việc làm ổn định và muốn có ý tưởng kinh doanh nhỏ lẻ kiếm thêm thu nhập, bổ sung cuộc sống.

Cảnh chợ đêm nhộn nhịp sinh viên đi lại, mua bán 

Cảnh chợ đêm nhộn nhịp sinh viên đi lại, mua bán 

Khác hẳn với sự sang trọng, ồn ào bụi bặm của xe cộ trong khu vực nội thành thì chợ đêm tại làng đại học Thủ Đức cũng rộn ràng theo cách riêng đậm chất sinh viên. Những gian hàng bắt đầu được bung dù treo hàng từ 16 giờ chiều, từ ăn uống đến quần áo, và cả những gian hàng trái cây được bày bán đa dạng.

Khu vực bán trái cây ở chợ đêm 

Khu vực bán trái cây ở chợ đêm 

Sinh viên bán…

Bắt nhịp được cuộc sống sinh viên, hiểu tính cách giới trẻ, các bạn sinh viên có “ máu” kinh doanh đã không bỏ qua cơ hội tăng thu nhập cho cuộc sống xa nhà bằng những gian hàng nhỏ như móc khóa, sáo trúc, gấu bông, kẹp tóc… hay có điều kiện để cọ xát với thực tế cho những bạn nào muốn theo nghiệp kinh tế “ buôn bán lãi lời” với các mặt hàng quần áo, đồng hồ đeo tay, mắt kính, túi xách, giầy dép…

Không quá đắt đỏ, vừa với túi tiền sinh viên, nên tại đây luôn rộn ràng “bạn bán tôi mua” không đêm nào vắng bóng.

Bạn Trâm từng học trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng hiện đang kinh doanh giày dép chia sẻ: “Em vào Sài Gòn được 2 năm rồi. Lúc đầu vào đây lập nghiệp với đồng lương ít ỏi nên mới bàn với người yêu xin vốn của bố mẹ buôn bán để kiếm thêm.
 
Thời gian đầu bán ở lề đường, nhưng sau đó tổ dân phòng cấm, Đại học quốc gia tạm thời quy hoạch bến xe buýt cũ này làm chợ đêm, rồi cho thuê các sạp hàng nên em cũng đến thuê và bán được 1 năm rồi”.

Một của hàng giày dép thu hút đông các bạn sinh viên

Một của hàng giày dép thu hút đông các bạn sinh viên

 
Có nhiều sinh viên bắt đầu có ý tưởng kinh doanh buôn bán từ lúc đang ngồi ở ghế giảng đường đại học, sau khi ra trường họ chưa vội kiếm cho mình một công việc theo ngành học theo đuổi. Thay vào đó, họ tiếp tục công việc buôn bán này để tạm trang trải cuộc sống.
 
Gặp chị Thúy, trước đây là sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ: “Chị là sinh viên khoa Triết, bây giờ ra trường được 2 năm, nhưng chưa xin được việc làm, ngày xưa đang đi học vì cuộc sống “cơm áo gạo tiền” (cười), chị mở hàng gấu bông bán ở lề đường sau chuyển sang bán đầm, váy áo dần dần thấy cũng đỡ, giờ chị đã có gia đình, hai vợ chồng cùng nhau buôn bán thôi. Chắc đến giờ chị vẫn nói rằng yêu cầu của cuộc sống thôi em, cơm áo mà”.

Tuy những ý tưởng kinh doanh ấy bắt đầu từ sự khó khăn của sinh viên xa nhà, nhưng cũng có những bạn đam mê với váy áo, thích thú với công việc tìm ra những kiểu mẫu áo quần mới trên thị trường và bắt đầu với công việc mở hàng nhỏ nhằm thõa chí tuổi trẻ.

Bên cạnh những sinh viên tự mình bỏ vốn bán hàng, thì có những sinh viên lại chọn cho mình một cách khác đó là bán hàng thuê cho các chủ cửa hàng là người dân nơi đây. “Ban ngày đến trường, ban đêm tranh thủ thời gian từ 16 giờ đến 11 giờ đi bán theo ca kiếm thêm thu nhập”, bạn Hạnh, sinh viên trường Kinh tế Luật cho biết.

Gian hàng dầu dừa tự làm của bạn Lê Nguyễn Hoàng Sơn (sinh viên KHXH&NV TPHCM)

Gian hàng dầu dừa tự làm của bạn Lê Nguyễn Hoàng Sơn (sinh viên KHXH&NV TPHCM)

Có cung ắt sẽ có cầu, với số lượng sinh viên của hơn 7 trường đại học, cao đẳng và nhiều sinh viên từ các trường đến, tạo nên không khí sinh viên bán thì có sinh viên mua.

Sinh viên mua…

Sau một ngày học tập căng thẳng thì chợ đêm được xem như là “thiên đường” mua sắm, ăn uống, giải trí, gặp gỡ của các bạn sinh viên.

Không đêm nào vắng bóng các cô các cậu mua bán trả giá. Không chỉ là sinh viên của đại học quốc gia, có những bạn ở quận 4, quận 1, quận 12 cũng tìm về chợ đêm để mua sắm… Chắc hẳn bởi nơi đây giá cả vừa với túi tiền có hạn của sinh viên, hợp với gu ăn mặc của giới trẻ, hay chỉ đơn giản cùng là sinh viên với nhau.

Những sạp hàng với mức giá rẻ định sẵn cùng tấm biển đơn giản nhưng thu hút người mua

Những sạp hàng với mức giá rẻ định sẵn cùng tấm biển đơn giản nhưng thu hút người mua

Bạn Phạm Huyền, sinh viên trường Luật cho biết: “Tớ ở tận quận 4 lận, tớ biết được chợ đêm qua người bạn học dưới này, thỉnh thoảng lại xuống đây, gần như là mỗi tuần 1 lần để xem và mua quần áo. Tại vì chỗ này bán vừa giá với khả năng của sinh viên từ 10.000-20.000 ngàn… trở lên, chứ trên kia thấy giống vậy mà giá thì lại cao hơn nên không mua được. Mà người bán ở dưới này đa số là sinh viên nên cũng vui vẻ, mình bỏ tiền ra mua mà người bán vui vẻ mình cũng thích nữa ( cười)”

Một bạn sinh viên khác của trường KHXHNV chia sẻ : “Mình thích mua sắm ở đây, không chỉ là mua đồ rẻ mà khi đến đây bạn luôn cảm thấy một không khí đầy hơi thở sinh viên.
 
Ở giảng đường là học tập, còn nơi đây bạn sẽ thấy họ rất đời thường, tình cảm, không khép nép, hay ăn mặc đồng phục đâu mà bạn sẽ thấy rất nhiều phong cách khác nhau, họ tươi cười nói chuyện… chung quy lại rất sinh viên”.

Gian hàng giày dép của một nữ sinh viên

Gian hàng giày dép của một nữ sinh viên

Bên cạnh sinh viên, một số chủ sạp còn là những người dân sinh sống tại đây. Tất cả cùng tạo nên một không gian mua bán nhộn nhịp, nhằm phục vụ cho nhu cầu của đông đảo sinh viên tại làng đại học lớn nhất TPHCM.

Bài, Ảnh: Tuyết Hà