Người nghèo miền Tây khấm khá lên nhờ lục bình
Vợ thì cặm cụi cắt từng bụi lục bình, còn người chồng thì hăng hái ôm từng bó lục bình lên bờ kênh Vĩnh Tế ở P.Núi Sam, TP.Châu Đốc, An Giang. Chưa hết mệt, thấy chúng tôi chụp hình nên anh Nguyễn Văn Tấn tươi cười nói: “Gia đình tôi sống được là nhờ cây này nè! Gắn bó với nó gần 10 năm nay rồi đó. Nhờ nó mà con tôi không nghỉ học đó anh!”.
Vừa nói xong anh cho biết, nhà thuộc diện nghèo khó không đất đai hay buôn bán gì hết. Quanh năm suốt tháng chỉ cắt lục bình đem bán. Trước đây anh làm thuê theo mùa vụ, ai kêu gì làm đó nhưng thu nhập bấp bênh. “Lúc đó nhờ mấy thằng bạn ở Vĩnh Long kêu về quê mày cắt lục bình kiếm chỗ bán đi. Nó vừa nhẹ vừa khỏe, thu nhập ổn định và phụ thuộc vào sức mày nữa. Nghe xong vợ chồng tôi làm liền thấy cũng được nên gắn bó đến giờ đó!” – anh Tấn kể.
Hiện nay vợ chồng anh đi khắp nơi theo các kênh, rạch ở An Giang để cắt lục bình được khoảng 400 – 600kg/ngày, tương ứng với số tiền 100.000 – 200.000 đồng. “Lúc trước vì nghèo đã cho đứa con gái lớn nghỉ học giờ tiếc quá! Nhờ lục bình này mà có đồng vô đồng ra nên con gái út đã học được lớp 8 rồi!” – anh Tấn chia sẻ.
Còn ông Phạm Tấn Hữu, chủ vựa thu mua lục bình ở khu vực P.Núi Sam cho biết đã làm nghề này gần 16 năm nay. Trước kia anh ở thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, An Giang có người em mở cơ sở đan lục bình liên kết xuất khẩu làm ăn rất tốt nhưng được một thời gian người em của anh đã nghỉ làm. Thấy vậy, từ khi về đây đến giờ anh đã đi khắp nơi trong tỉnh thu mua cây lục bình tươi và lục bình phơi khô rồi liên kết với các cty ở TP.HCM để cung ứng nguyên liệu cho họ đan thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường các nước EU.
Hàng ngày anh thu mua lục bình của nông dân tùy theo loại. Nếu lục bình tươi có giá 250 đồng/kg và lục bình khô có giá 6.500 đồng/kg. Cách 10 ngày anh chở hàng lên TP.HCM từ 4 – 5 tấn lục bình khô, với giá bán cho các doanh nghiệp 9.000đ/kg. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh thu về lợi nhuận trên 40 triệu đồng/tháng.
“Thấy vậy đó, cây lục bình này nó giúp bà con nghèo miền tây mình nhiều lắm. Hàng ngày tôi đi thu gom thấy đa số bà con nghèo không nghề nghiệp họ chịu khó cắt lục bình này lắm. Thu nhập vài trăm ngàn/ngày là khá lắm rồi. Lúc trước nghèo khó vợ chồng tôi cũng xem lục bình là điểm tựa. Nó mọc khắp nơi vùng này thì bà con muốn cắt đem bán giờ nào không được!” – ông Hữu nói.
Anh Nguyễn Thanh Hải, PCT.UBND P.Núi Sam cho biết, vựa lục bình của ông Hữu giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương nhiều năm qua. “Số người cắt lục bình bán cho ông Hữu không cố định mà ai rảnh thì cắt bán nên chưa thống kê được. Đa phần là hộ nghèo ở địa phương họ xem lục bình là kế sinh nhai khi nhàn rỗi” – ông Hải nói.
Lục bình là một loại thực vật sống trên mặt nước, thường trôi nổi ở sông nước miền Tây. Nó tượng trưng cho cái nghèo, lênh đênh, phiêu bạt… Tuy nhiên, thân cây lục bình được phơi khô, sợi dai, mềm mại tạo ra những sản phẩm vừa có độ bền lại vừa êm ái.
Mấy năm gần đây, một số địa phương ở ĐBSCL đã mở ra những cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ làm từ cây lục bình từ khâu cắt, phơi khô đến thành phẩm. Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang là nơi có nhiều vựa thu gom lục bình để giao cho các sơ sở sản xuất. Lục bình được các thợ thủ công làm thành nhiều sản phẩm như: chiếc giỏ xách, thùng đựng đồ đến những sản phẩm nội thất tinh xảo như thảm treo tường, giá gương, bàn ghế, túi xách…
Minh Thư