Loa phường và những màn “tra tấn” âm thanh
Đây là một trong số hàng nghìn độc giả đã bức xúc chia sẻ khi nói về nỗi khổ của những gia đình thành phố có chiếc loa phường ở cạnh nhà.Cận cảnh những chiếc loa ngay cạnh nhà dân ở thôn Thượng (Thanh Liệt,
Thanh Trì, Hà Nội).
Ong đầu vì tin mất chó, lạc mèo…
“Mẹ tôi năm nay đã 83 tuổi, bà mới phải đi mổ ở viện về, thế mà cứ 6h sáng, tiếng loa đầu ngõ lại oang oảng khiến cụ ong hết cả tai. Trong khi đó, bản tin phường lại không có gì mới, bổ ích, chủ yếu là những tin họp hành, quán triệt của phường… dài lê thê, tin lễ tang, tin mất chó, lạc mèo nghe mà phát ngán. Thời chiến tranh, cái loa là để báo động máy bay địch, nhắc nhở người dân tránh bom đạn và thông báo tin tức ở chiến trường. Vậy ngày nay, sinh ra cái loa phường để làm gì trong khi chúng tôi có đầy đủ tivi, Internet hiện đại”, chị Ánh Tuyết, một người dân ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết.
Bức xúc không kém, một độc giả ở Phường Quán Thánh (Q. Ba Đình) chia sẻ, câu chuyện về cái loa phường đúng là vừa điên, vừa khôi hài: “Ở khu tôi có hai phường sát nhau. Trong khi loa phường Quán Thánh đang tuyên truyền, hát về ngày lễ kỷ niệm quan trọng thì bên phường Nguyễn Trung Trực lại thông báo tiêm chó mèo. Hai loa cứ thế đối âm với nhau, quá khôi hài”. Anh Đức Hiển (Phường Yên Hòa, Q. Cầu Giấy) cho hay: “Tin tức của loa phường cực chán, khi không tìm được tin thì mở cải lương, tuồng chèo ỉ ôi. Nhai đi nhai lại đoạn ca khúc: “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công”… Có đợt mưa dầm dề, khi đi qua ngã ba Hoàng Quốc Việt – Phạm Văn Đồng, đang bực mình vì bị ô tô té cho ướt tung tóe thì loa phát: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa” làm người đi đường cười ồ lên. Tôi nhìn cái áo trắng lấm lem bùn nước mà tức phát điên, chỉ muốn phi đôi dép vào cái loa đang phát ra những tiếng vô duyên”.
Tang ma, hiếu hỷ đều lên loa
Sáng 15/9, PV đã có mặt tại thôn Thượng (xã Thanh Liệt, Thanh Trì) để mục sở thị về những chiếc loa rất nhiều người dân kêu ca. Ngay con ngõ đầu tiên chật hẹp, trên một chiếc cột điện chằng chịt dây rợ và 3 cái loa quay ra 3 hướng. Đến cuối ngõ, lại có 3 chiếc loa tỏa đi các hướng, chỉ cách những ngôi nhà cao tầng gần đó khoảng 40cm.
Bà Nguyễn Thị Giáp, Trưởng thôn Thượng cho biết, hiện mỗi ngõ ở đây có một cột loa. Cả thôn có 6 cụm loa với 18 chiếc. Trong đó, có hai chiếc của hệ thống truyền thanh xã và một chiếc của thôn. Tầm 6h sáng, đài truyền thanh sẽ tiếp âm đài thành phố, đến đài huyện và sau cùng là đài xã đến 7h. Nếu thôn có việc gì thì phát tiếp ngay sau các chương trình ấy. “Ở đây có nhiều người kêu ca về việc ô nhiễm tiếng ồn từ loa phát thanh không?”, chúng tôi hỏi. “Thi thoảng, có một số người ở cạnh cột loa, có con cháu nhỏ hoặc người già ốm đau thì kêu ca vì ồn ào. Có người còn lén bứt dây loa để không phải nghe nữa nhưng chúng tôi phát hiện ra, lại phải thuê người nối lại”, bà Giáp tâm sự. “Người ta sợ quá, đến mức không thể nghe, sao còn phát tiếp làm gì?”, tôi thắc mắc. “Một số người ở gần kêu thôi, những người xa xa một chút họ rất thích nghe vì có nhiều thông tin của địa phương. Ở thời đại này, giữa Thủ đô mà không có cái loa, hóa ra Mù Căng Chải à?”, bà Giáp bày tỏ. Cũng theo bà Giáp, giờ trong thôn có tục lệ không gửi giấy mời đến từng nhà. Vì thế, khi có tang ma hoặc thông tin của thôn đều được phát trên hệ thống truyền thanh. “Nhiều người nghe không rõ, còn phải đến nhà chúng tôi hỏi lại cụ thể cơ đấy”, bà Giáp tỏ vẻ tự hào.
“Khu vực chúng tôi, nhiều người rất thích nghe, nhất là bản tin an ninh trật tự vào 9h tối thứ Sáu hàng tuần. Nhiều người làm đồng, làm sao vào được mạng, được Internet nên với họ, nghe loa vẫn là thói quen. Đặc biệt, chúng tôi nghĩ, phát tin gì cho hay, để lôi kéo thính giả là điều quan trọng nhất chứ không phải bỏ loa hay không bỏ loa”.
(Ông Bùi Tiến Quảng, Trưởng đài Truyền thanh xã Thanh Liệt)
Ông Bùi Tiến Quảng, Trưởng đài Truyền thanh xã Thanh Liệt- người từng có 20 năm làm công tác phát thanh ở đây cho biết, hiện toàn xã có 94 loa. Năm 2012, toàn bộ hệ thống loa ở toàn huyện được đầu tư thay thế bằng hệ thống loa không dây với tổng đầu tư trên 600 triệu đồng. Cũng có một số người ở gần loa quá nên kêu ca. Vì thế, “nhà đài” chỉnh volum cho âm thanh vừa vặn hơn. “Làm việc này giống như có con mọn, cũng lấy tin, viết bài với thời lượng 3 tin bài/2 ngày. Có khi phải đi làm cả thứ Bảy, Chủ nhật nếu có việc “nóng”. Thế nhưng, tôi có đọc rất nhiều bài viết kêu ca về hệ thống loa phường trên mạng mà buồn quá. Với vị trí Trưởng đài như mình, lương tôi chỉ được 1.568.000 đồng/tháng. Còn nhân viên, tiền lương mỗi tháng được 1.050.000 đồng/tháng. Ngoài ra, không có chế độ gì thêm. Cứ 3 tháng phải kí hợp đồng một lần nên những người làm phát thanh phường/xã như chúng tôi không có bảo hiểm. May gia đình tôi còn làm thêm, có điều kiện kinh tế nên chúng tôi làm vì tâm huyết với nghề chứ không phải tư lợi cá nhân”, ông Quảng chia sẻ.
Trước đó, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, cơ quan này đã nắm được những bức xúc của một bộ phận người dân về hệ thống loa phường. Tuy nhiên, loa ở các phường xã thuộc hệ thống thông tin cơ sở đã được duy trì từ rất lâu. Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có hướng dẫn về quản lý hệ thống loa này như thế nào, nên rất khó. Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình thì cho rằng, một số thành phố đã có wifi miễn phí. Vậy nên đã tới lúc nghĩ tới chuyện xây dựng kênh thông tin trên mạng internet để phổ biến thông tin ở cấp phường hiệu quả hơn thay vì duy trì thông tin qua hệ thống loa truyền thanh.
Đài truyền thanh từ nông thôn đến đô thị đã xuất hiện khi người dân không có nhiều phương tiện để tiếp nhận thông tin. Hệ thống loa phường, đài truyền thanh xã có vai trò vừa chuyển tải những chương trình chính của đài phát thanh, vừa để phổ biến những chủ trương chính sách, công việc hàng ngày. Thời chiến tranh, hệ thống truyền thanh còn có thêm tác dụng của việc cảnh báo mỗi khi máy bay định đến, báo động trong tình huống khẩn cấp.
Theo Gia đình & Xã hội