Cảnh báo nguy cơ nhiễm độc tố vì rau trồng vỉa hè

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 14/04/2017Lần cập nhập cuối: 08/01/2021

Những thông tin về rau nhiễm hóa chất độc hai, rau phun thuốc kích thích bày bán tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng. Nhiều hộ dân thay vì mua rau ở chợ đã tận dụng mọi nguồn đất để trồng rau, tự cung tự cấp cho gia đình. Tại Hà Nội, người dân không chỉ trồng rau trên ban công, sân thượng mà ngay cả vỉa hè, bồn hoa, cây cảnh ven đường… cũng được tận dụng triệt để.

Vườn rau được trồng sát ven đường vành đai 2 đoạn qua dốc Bưởi - Hà Nội.
Vườn rau được trồng sát ven đường vành đai 2 đoạn qua dốc Bưởi – Hà Nội.

Tại đoạn đường vành đai 2 (đoạn qua dốc Bưởi – Hà Nội) từ nhiều tháng nay, xuất hiện một vườn rau độc đáo dài khoảng 2km. Mỗi hốc bê tông bên đường được người dân bỏ đất, trồng đủ loại rau. Theo tìm hiểu, vườn rau được trồng cách đây một năm khi đường vành đai 2 hoàn thiện. Ban đầu chỉ có 1 vài người trồng về sau thấy rau mọc tươi tốt nhiều hộ gia đình ở xung quanh cũng học tập theo. Mỗi vườn rau rộng khoảng từ 20 – 60m2 được người dân quây rào cẩn thận.

Bà Thúy (Hoàng Hoa Thám – Hà Nội) hồ hởi cho biết, gia đình bà “nhận” trồng gần 50m2 đất. Do đất khô cằn nên bà Thúy phải mua thêm phân lót và trấu để trộn lẫn. Nhờ có vườn rau này mà cả gia đình bà không phải mua rau ở chợ nên rất yên tâm. “Tôi trồng rau từ trong năm, những nhà dân xung quanh đều tận dụng công trình, cải tạo trồng rau sạch ở hai bên đường. Rau mình trồng vừa ngon, vừa an tâm…”, bà Thúy nói.

Một vườn rau được người dân trồng ngay sát khu vực sông Tô Lịch
Một vườn rau được người dân trồng ngay sát khu vực sông Tô Lịch

Tương tự, tại khu vực sông Tô Lịch, nhiều hộ dân tận dụng những khoảng trống ít ỏi hai bên bờ sông để gieo hạt, trồng rau xanh cung cấp cho bữa ăn gia đình. Nhiều hộ còn sử dụng ngay nguồn nước sông ô nhiễm để tưới cho rau. Khu vực này cũng là nơi tập kết rác thải sinh hoạt nên chuột bọ thường xuyên lui tới rất mất vệ sinh.

Rau trồng vỉa hè có nguy cơ nhiễm độc kim loại vì khói bụi

Trao đổi với PV Dân trí, nhiều chuyên gia khẳng định người dân đang quan niệm sai lầm về khái niệm rau sạch. Những vườn rau được trồng ở vỉa hè, dải phân cách, gần khu vực ô nhiễm… không thể gọi là rau an toàn. PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay, muốn trồng rau sạch thì phải có các điều kiện như: đất sạch, không khí không ô nhiễm, nguồn nước tưới đảm bảo không chứa vi sinh vật, độc tố. Nhiều hộ dân tận dụng đất ở dải phân cách, vỉa hè để trồng rau có nguy cơ mất an toàn cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, người dân đang hiểu sai về khái niệm rau sạch
Nhiều chuyên gia cho rằng, người dân đang hiểu sai về khái niệm rau sạch

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh lý giải, đường nhựa, đường bê tông khi gặp nhiệt độ cao sẽ bốc nóng tạo thành bụi chứa độc tố rất nguy hiểm, hít phải loại bụi này về lâu dài có nguy cơ bị ung thư phổi. Rau trồng trên lề đường, vỉa hè hay dải phân cách ở những con đường nhựa bám rất nhiều loại bụi này. Chúng có khả năng kết dính, lâu ngày tạo thành những lớp mỏng bám chặt vào bề mặt rau, kẽ lá mà khó có thể loại bỏ bằng việc rửa bằng nước sạch nhiều lần.

Thêm vào đó, rau trồng ở vìa hè, dải phân cách còn có nguy cơ nhiễm kim loại độc từ khói xăng xe, bụi lốp cao su phả ra. Về lâu dài, nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe là rất lớn. “Việc nhận biết rau có chứa độc tố hay kim loại hay không bằng mắt thường rất khó phân biệt. Những loại rau bị nhiễm kim loại nặng không thể nào xử lý hết chất độc trên rau cho dù đã được rửa sạch bằng nước rửa rau, kể cả nấu chín cũng không có tác dụng”, PGS. TS Thịnh khẳng định. Chuyên gia này cũng cho hay, nguồn đất ở ven đường cũng không được kiểm soát về chất lượng, đó có thể là đất ở vùng ô nhiễm, đất chứa độc tố hoặc kim loại…được vận chuyển đến. Người dân không nên tận dụng trồng rau để tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

4 yếu tố cần thiết để trồng rau an toàn

Để đảm bảo an toàn, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên người dân nên mua đất hay giá thể có nguồn gốc, bao bì rõ ràng. Có thể tận dụng các thùng xốp, chậu hoặc trồng rau theo phương pháp thủy canh. Ngoài ra, có thể mua rau sạch trong các siêu thị, cửa hàng được giám sát, quản lý rõ ràng về quy trình canh tác để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Rau trồng sát đường giao thông không thể gọi là rau sạch bởi có nguy cơ nhiễm độc tố từ khói bụi xe cộ
Rau trồng sát đường giao thông không thể gọi là rau sạch bởi có nguy cơ nhiễm độc tố từ khói bụi xe cộ

Trong khi đó, TS. Vũ Văn Thoại – Chủ tịch Viện nghiên cứu và phát triển dược liệu cũng cho rằng người dân không nên trồng rau ở vỉa hè, sát mặt đường đi lại vì có nguy cơ nhiễm độc tố cao. “Không khí, nguồn đất ở gần đường giao thông thường nhiễm kim loại nặng từ khí thải của các động cơ, khói bụi… như Co2 (Carbon dioxide). Nếu ăn phải các loại rau nhiễm độc về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”, TS Thoại khẳng định.

Chuyên gia này cũng cho rằng, muốn trồng rau sạch phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn đất, nước tưới, phân bón và dư lượng thuốc trừ sâu. Cụ thể, đất trồng rau sạch không bị nhiễm kim loại nặng, đất không bị ảnh hưởng bởi chất thải công nghiệp, chất thải của khu dân cư tập trung, bệnh viện, nghĩa trang, không nhiễm các hóa chất độc hại. Nguồn nước tưới rau phải lấy từ nguồn không bị ô nhiễm các hóa chất độc hại và vi sinh vật, các loại tảo độc. Không dùng nước thải từ khu công nghiệp, thành phố, bệnh viện, khu ao tù, khu vực gần nghĩa trang, trại giết mổ gia súc… Không dùng các loại phân hữu cơ tươi như phân bắc, phân chuồng … để bón hoặc tưới cho cây. Đặc biệt, không bón phân đạm cho rau trước khi thu hoạch ít nhất 12 ngày.

Ngoài ra, theo TS. Vũ Văn Thoại người dân không lạm dụng việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Chỉ dùng thuốc phòng trừ sâu bệnh khi thật cần thiết. nên dùng các loại thuốc có độc tố thấp và được sự cho phép của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Khuyến khích người dân sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc có độ độc thấp, nhanh phân hủy, ít độc hại cho đất và không lưu lại lâu trong đất.

Hà Trang