Công dụng kỳ diệu bất ngờ từ vỏ trái cây ít người biết
Vỏ chanh
Vỏ của quả chanh hơi đắng một chút nhưng nó lại rất có giá trị với sức khỏe. Vỏ chanh hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm đau, cải thiện sự lưu thông máu và tăng cường hệ miễn dịch. Vỏ của các loại quả họ cam quýt rất giàu bio-flavonoit, vì vậy mà chúng có khả năng đào thải độc tố ra ngoài cơ thể.
Trong vỏ của quả chanh cũng có hàm lượng canxi, vitamin cao vì vậy mà chúng giúp xương chắc khỏe. Không chỉ vậy, ăn vỏ chanh hàng ngày còn giúp làn da đẹp hơn.
Vỏ cam
Sau khi ăn cam quýt, bạn nên giữ lại vỏ, phơi hoặc sấy khô để dùng dần. Tinh dầu chiết xuất từ vỏ cam có thể được dùng để làm dịu một số bệnh, dùng để bỏ vào dung dịch tẩy trùng hoặc nước rửa chén vì chúng có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn và giúp cho vết thương không bị nhiễm trùng.
Vỏ cam quýt còn rất hiệu quả trong việc điều trị ho đờm và dạ dày. Ngoài ra, hương thơm tinh dầu của vỏ cam quýt còn giúp giảm hiện tượng chướng bụng, đầy hơi và khắc phục tình trạng thiếu vi khuẩn.
Bên cạnh đó, dùng nước hãm từ vỏ quýt hoặc cam để pha vào bồn tắm, đồng thời vắt thêm tinh dầu từ vỏ còn tươi, trộn chung với muối tán mịn cho vào nước tắm sẽ giúp bạn có giấc ngủ sâu hơn.
Vỏ táo
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, vỏ táo có tác dụng ngăn ngừa ung thư hiệu quả, bởi trong vỏ táo chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có thành phần tương đương thành phần các loại chất có thể chống ung thư vú, ung thư phổi, ung thư ruột kết. Hơn nữa, những chất dinh dưỡng này có tác dụng hỗ trợ các tế bào kháng ung thư sản sinh thuận lợi.
Với sắc đẹp, táo giúp làm sạch mảng bám ở gốc răng một cách tự nhiên, chúng cũng giúp tẩy những đốm vàng trên răng. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo không nên ăn táo và vỏ táo không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh tình trạng ngộ độc do các loại thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng… gây ra.
Vỏ dưa chuột
Vỏ dưa chuột giàu dinh dưỡng, có khả năng giải nhiệt cho cơ thể. Ăn dưa chuột cả vỏ sẽ giúp bạn hấp thụ vitamin C có trong dưa tốt hơn, chất nhựa trong vỏ dưa cũng giúp tăng cường chức năng giải độc cho cơ thể.
Vỏ màu xanh của dưa chuột có chứa axit chlorogenic và acid caffeic, có thể kháng khuẩn, chống viêm và kích thích vai trò của bạch cầu. Những người thường xuyên bị đau họng có thể dùng vỏ dưa chuột làm thuốc rất tốt.
Vỏ chuối
Trong vỏ chuối có chứa các thành phần hoạt chất để ức chế nấm và vi khuẩn, vì thế vỏ chuối có thể điều trị nhiễm nấm do ngứa da. Ngoài ra, vỏ chuối còn có tác dụng thông mạch, nhuận tràng.
Vỏ chuối giã nát cho thêm nước gừng vào có thể chống viêm giảm đau, dùng vỏ chuối xoa lên chân tay có thể phòng bệnh nứt nẻ da mùa lạnh. Ngoài ra, vỏ chuối phơi khô nghiền bột có thể làm mỹ phẩm rất tốt.
Đồng thời vỏ chuối có tác dụng tẩy trắng răng. Bạn có thể đánh răng bằng các loại kem đánh răng thông thường, sau đó dùng mặt trong của vỏ chuối (phải là vỏ của chuối chín) chà nhẹ nhàng vào răng độ 2 phút. Các khoáng chất có trong vỏ chuối chín sẽ thấm vào bề mặt răng và làm sáng răng.
Vỏ dưa hấu
Ít ai nghĩ rằng, thứ vỏ cứng và dày như vỏ dưa hấu cũng có thể có nhiều công dụng đến vậy. Vỏ dưa hấu có thể làm tiêu tan cái nóng, giải khát và thanh nhiệt giải độc. Đông y dùng vỏ dưa hấu và nước ép dưa như một loại thuốc để hạ huyết áp.
Ngoài ra vỏ dưa còn có tác dụng rất tốt đối với các bệnh thiếu máu, họng khô, viêm bàng quang, sơ gan cổ trướng, viêm thận.
Để tận dụng vỏ dưa hấu, các bạn có thể ăn trực tiếp phần cùi hoặc xắt nhỏ vỏ rồi rang khô, sau đó sắc nước uống để trị bệnh viêm, nhiệt, sưng miệng khá hiệu quả. Ngoài ra, vỏ dưa hấu cũng góp vai trò tích cực trong trị mụn trứng cá.
Vỏ lê
Những người hút thuốc nhiều, phổi bị tổn thương nên ăn nhiều loại quả này, và nên nhớ rằng ăn cả vỏ. Bởi vỏ lê chứa nhiều chất kháng khuẩn ở phổi, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ hệ tim mạch khỏe mạnh. Ngoài ra, dân gian ta thường nấu vỏ lê với đường đỏ để trị ho, cảm cúm và giải rượu hiệu quả.
Vỏ lê có tính hàn vị chua, có tác dụng mát tim phổi, trừ hoả tiêu đờm. Vỏ lê nghiền nát cũng có thể điều trị vết loét sưng và vết thương bên ngoài da.
Vỏ bưởi
Vỏ quả bưởi y học cổ truyền gọi là cam phao, có vị đắng, cay, có tác dụng lợi tiểu, tiêu đờm, hòa huyết giảm đau, trị phù thũng. Nếu bỏ phần trắng chỉ lấy lớp vỏ xanh thì lại có tác dụng trừ phong, tiêu đờm, đau dạ dày, đầy bụng, ăn uống không tiêu, ho.
Các hoạt chất (tinh dầu) có trong vỏ bưởi có tác dụng làm giảm mỡ trong máu, làm giảm gan nhiễm mỡ. Người ta còn dùng dịch quả bưởi làm thuốc khai vị và bổ giúp tiêu hóa, chống xuất huyết và làm mát cơ thể, giúp tinh thần thư thái.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp