Hoàng Bách: Khán giả cần phải khó tính hơn
Chào Hoàng Bách, sau một thời gian im ắng, anh đã tung ra single mới. Ý tưởng từ đâu anh viết nên bài hát này?
Đây là bài hát tôi viết qua những lần trải nghiệm, những lần đi xa, những lần xa những người thân yêu của mình để đi làm một công việc, một nhiệm vụ gì đó. Tôi nghĩ là rất nhiều người sẽ đồng cảm với hoàn cảnh này. Nghe bài hát thì bạn sẽ thấy, tôi không muốn cuộc chia ly sẽ nhiều nước mắt, nhiều buồn nản mà mỗi cuộc chia ly sẽ là một lời hứa về tương lai. Bài hát này về giai điệu hay lời lẽ thì đều có một chút xíu man mác buồn nhưng cuộc chia ly là tích cực để hướng về tương lai.
Trong clip bài hát, Hoàng Bách xuất hiện với bộ đồ lính hải quân, chuẩn bị lên đường… hẳn anh có đã có một vài thông điệp muốn chia sẻ?
Thật ra xuất phát điểm về bộ đồ hải quân đó là từ bé, khi đó bố tôi cũng là một người lính, đã mang về tặng cho con trai. Tôi rất thích hình ảnh một anh lính trẻ trung, nghịch ngợm, rất yêu đời và… chinh phục các cô gái. Khi viết bài hát này thì tôi chưa hề nghĩ đến việc mặc trang phục này trong clip của mình. Nhưng gần đây trước tình hình biển đảo của Tổ Quốc có nhiều biến động như vậy thì vô tình các dữ liệu, thông tin lại kết dính lại với nhau trong đầu nên tôi đã kết nối lại hình ảnh đây sẽ là một chàng lính trẻ và sẽ là một chàng lính biển. Trong thời gian về thăm nhà đã chớm nở một tình yêu, sau đó tạm chia tay tình yêu đó để lên đường tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Nhưng cũng như tôi đã chia sẻ, đây là cuộc chia tay để mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, như trong bài cũng có câu là “mình tạm xa nhau để mãi được gần nhau”.
Thật ra không phải tới bây giờ mà từ lâu nay nghệ sĩ vẫn luôn hướng về Trường Sa, hướng về tổ quốc và có những hành động thiết thực như: ra đảo hát cho chiến sĩ nghe, cùng chung tay góp đá gửi Trường Sa?
Đúng vậy. Tôi nghĩ là với vận mệnh của đất nước thì dù ở thời đại nào, hoàn cảnh nào thì nhất là thanh niên không thể ngồi im được. Tôi nghĩ những phản ứng của giới trẻ, đặc biệt là giới nghệ sĩ vẫn là chưa đủ với tình hình mình đang có hiện nay. Tất nhiên là MV này không hoàn toàn xuất phát điểm từ đó, nhưng dù có cố ý hay không tôi nghĩ là mỗi người nên góp một phần vào tiếng nói của dân tộc, bởi mỗi tiếng nói sẽ là một sự cộng hưởng rất lớn và nếu đã là chủ quyền của quốc gia, đất đai của tổ tiên thì bằng mọi giá phải giữ.
Cách mà anh lựa chọn để thể hiện là…
Tôi rất thích hát với những người lính bởi vì về cơ bản thì những người lính là những người thanh niên trẻ. Tôi luôn thấy mình phù hợp với những người trẻ như vậy và đặc biệt thì đó là những người đang rất thiếu thốn về nhu cầu giải trí, nhu cầu giao lưu. Chắc chắn nếu có một lời mời, chỉ cần là hé mở thôi thì tôi cũng sẽ là người đầu tiên ứng cử vào việc ra đảo xa và hát cho những người lính nghe.
Hoặc viết một ca khúc về những người lính? Anh vốn là một nhạc sĩ có khá nhiều ca khúc hay mà?
Tôi rất muốn chứ, nhưng tôi nghĩ là cuộc sống của người lính với những tâm tư mà họ gửi đến thì mình phải thực sự hiểu mới có thể viết được. Ví dụ viết về mẹ hay cho con trai mình, đã bao nhiêu lần tôi muốn viết nhưng những điều đó quá lớn lao để có thể viết nhanh chóng. Tôi đang trong giai đoạn tìm hiểu để viết. Gợi ý của bạn là một điều rất tuyệt vời, và tôi tin là nếu mình có một thời gian thực tế, được ăn, ở, ngủ cùng với những người lính dù chỉ trong một thời gian ngắn thôi thì mình sẽ có được những bài hát dù hiện đại nhưng vẫn mang hơi thở của người lính.
Nhân nói về sáng tác, tôi thấy ngày càng xuất hiện nhiều “nhạc sĩ” hơn, nhiều bài hát hơn, nhưng đáng tiếc có nhiều bài đơn giản chỉ là những ngôn từ đẹp đẹp, dễ nghe “ghép lại” thành bài hát mà thực sự rất nghèo nàn về ý tưởng, về ngôn từ? Người viết thiếu đi những trải nghiệm và thiếu đi văn hoá đọc, họ nên đọc sách nhiều hơn nữa?
Tôi nghĩ nhận xét đó hoàn toàn đúng. Ngay bản thân tôi cũng nhận thấy mình đọc chưa đủ sách. Như tôi lúc nãy cũng chia sẻ, với những điều hơi lớn lao một chút mình bắt đầu bế tắc về ngôn từ. Với bản thân, tôi vẫn còn may vì mình biết dừng lại những vấn đề mình không chia sẻ được, chỉ khi nào cảm giác đủ mình mới thể hiện thành bài hát.
Việc các bạn ở lứa sau của tôi càng ngày càng giản tiện hơn về ngôn từ là một điều đương nhiên khi văn hóa đọc càng ngày càng bị xuống cấp. Người ta bây giờ tiếp nhận văn hóa một cách thụ động hơn là chủ động, dù thế giới mọi người giao tiếp với nhau dễ hơn rất nhiều rồi nhưng cảm giác con người ta càng ngày càng cô đơn hơn, càng ngày càng chui vào một cái vỏ bọc dễ dãi của bản thân mình hơn là ngày xưa. Ngày xưa người ta buồn người ta có thể làm bạn với sách, với kho tàng tri thức của con người, nhưng ngày nay người ta buồn người ta càng mở rộng mình ra hơn, chỉ hoàn toàn là mở rộng chứ không đào sâu nền tảng về tri thức, chính vì thế khả năng về ngôn từ ngày càng sáo mòn đi. Tôi nghĩ lời khuyên đó hoàn toàn đúng, nó đánh thức ngay cả bản thân tôi.
Và khán giả thì cần phải khó tính hơn?
Cái đấy lại là một vấn đề khác nữa, nó là nền tảng của cả một xã hội. Tôi nghĩ tính định hướng rất cần thiết để người ta khó tính hơn trong việc thưởng thức nghệ thuật. Khó tính hơn thì có nghĩa là tác phẩm ra cũng sẽ tốt hơn, người sản xuất khó tính sẽ cho ra sản phẩm tốt, khán giả khó tính sẽ được đón nhận những sản phẩm tốt, chuyện đó là đương nhiên rồi.
Anh sắp làm cha lần thứ hai, cảm giác của anh thế nào?
Qua mỗi lần đều khác. Lần đầu vừa mừng vừa lo vừa hồi hộp, nhưng cái lo ít hơn tất cả, bây giờ vẫn từng đó cảm giác nhưng cái lo nhiều hơn khi mình đã trải qua thực tế, nhưng cũng có những cái rất lạ. Vì từ trước đến giờ trong đầu Bách chỉ nghĩ mình sẽ có con trai thôi. Có lẽ do từ bé lớn lên đã sống trong gia đình toàn con trai.
Vợ anh nói gì khi cô ấy sắp hết vị thế “xinh gái nhất nhà?”
(Cười) Điều đó không quan trọng, đối với gia đình Bách thì chuyện cha mẹ hân hoan chào đón đứa con và dành hết mọi suy nghĩ trong đầu mình dành cho con là đương nhiên và rất tự nhiên từ trước đến giờ rồi. Chỉ sợ con không đẹp thôi, chứ nếu con đẹp hơn mẹ thì càng tốt chứ.
Phan Anh