Dị nhân kiếm tiền tỷ từ nghề ”bắt chim hót theo tiếng người”
Trong 36 thứ nghề được liệt vào loại nghề “độc”, có lẽ vẫn thiếu một nghề “độc” nữa đó là nghề… dạy chim hót. Cái nghề mới nghe cứ như hoang tưởng, nhưng lại hoàn toàn có thực và đặc biệt nó đang giúp cho người hành nghề kiếm ra tiền tỷ mỗi năm. Người đó chính là anh Nguyễn Văn Phúc, 27 tuổi ở thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng (Sóc Sơn, Hà Nội).
Ngã rồi đứng dậy mà đi
Phúc bảo, trước đây anh đã từng du học 4 năm ở Nga về chuyên ngành lập trình công nghệ thông tin. Năm 2009 về nước, cầm trong tay tấm bằng kỹ sư công nghệ thông tin loại ưu, anh dễ dàng có được một công việc ổn định, với mức lương cao gấp đôi so với những ngành khác. Nhưng như vậy với Phúc vẫn là chưa đủ. “Làm được một năm tôi quyết định bỏ nghề về nuôi chim với bố vì tôi mê nghề nuôi chim quá!”, anh Phúc chia sẻ.
Ngày Phúc xách va ly về quê, hàng xóm thì lời ra tiếng vào mà rằng: “Thằng này hết khôn dồn dại rồi. Ai đời lại bỏ một công việc ai cũng mơ ước để về làm cái việc của nông dân…”. Rồi bao nhiêu tiền của đầu tư ăn học nữa, nên gia đình ra sức khuyên ngăn, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.
Lúc đầu chưa có vốn, Phúc vay mượn gia đình, anh em mua được 200 đôi bồ câu Pháp. Nuôi được 3 tháng, đàn chim bỗng thi nhau lăn ra chết, thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Rút kinh nghiệm từ cú vấp ngã này, anh học hỏi thêm kinh nghiệm từ bố. Rồi đọc thêm sách, báo và đi thăm quan mô hình ở khắp nơi. Hễ nghe tin ở đâu có người nuôi chim bồ câu nhiều là anh tới học hỏi. Có lần anh còn vào tận Đồng Nai để lĩnh hội thêm kiến thức. Có kiến thức, kỹ thuật trong tay anh lần lượt vào đàn và tăng đàn, từ 200 đôi lên 500 đôi và bây giờ anh có hơn 5.000 đôi bồ câu, chim cu gáy các loại.
Lớp “thẩm âm” có một không hai
Anh Phúc cho biết, hiện trung bình mỗi tháng anh cung cấp cho thị trường khoảng 1.200 đôi bồ câu thịt và giống; 200 đôi cu gáy và khoảng 150 đôi bồ câu Mỹ, thu về từ 150 – 220 triệu đồng/tháng. Nuôi bồ câu là thế, nhưng Phúc lại được người ta biết đến với biệt tài nuôi chim cu gáy, đặc biệt là luyện chim hót, rồi bán với giá cao gấp hàng chục lần so với chim thường.
Theo anh Phúc, với những thành công từ việc nuôi chim bồ câu, anh nhận thấy hiện nhu cầu chơi chim cảnh, đặc biệt là chim cu gáy rất lớn. “Năm 2011, tôi bắt đầu nuôi chim cu gáy, lúc đầu sưu tầm mua được 20 đôi rồi về gây dựng dần lên. Nuôi cu gáy khó hơn bồ câu, vì loài chim này nhát, hề có người đi lại nhiều là bỏ tổ, đặc biệt là người lạ đụng tay vào tổ là chúng tự mổ trứng hút ngay”.
Hiểu được tập tính của cu gáy, anh Phúc dành hẳn một tầng thượng chuyên để nuôi cu gáy. Gần đây, anh có nuôi thêm cu gáy Nhật, Mỹ và nhận thấy cu gáy Nhật, Mỹ tuy giá thành không đắt bằng cu gáy ta, nhưng lại rất thuần và đặc biệt ấp rất khéo.
“Thế là tôi thử đưa trứng sang cho cu gáy Nhật, Mỹ ấp và đạt tỷ lệ nở rất cao, nhờ đó mà hiện tôi có khoảng 250 đôi cu gáy ta”, anh Phúc cho biết thêm.
Nuôi cu gáy đã công phu, dạy cho cu gáy hót còn công phu gấp bội. Theo anh Phúc, một con cu gáy có giá, phải đảm bảo các tiêu chí như: Mã ngỗng (to con, ngực nở, chân to, cánh rộng); vành hạt cườm ở cổ nhỏ, đều (Cườm vừng thì giọng thổ, cườm nổ thì giọng kim hay kim – nổ – thổ – vừng); khi gù phải gù được 4 – 5 lèo và sự thuần thục chỉ cần vẫy tay là gù. Song không phải con cu gáy nào cũng có đầy đủ các yếu tố trên. Nên để tuyển chọn chim hay, anh Phúc phải chọn những con có mã đẹp, còn giọng gù “hót” thì có thể luyện được.
“Tôi huấn luyện rất nhiều con rồi, nhưng ấn tượng và thành công nhất là con cu gáy “3 lèo 6 bổ” (tức gù được 3 lèo và bổ liên tục 6 cái). Tôi tiếc lắm, nhưng một ông khách gạ mãi, nể khách cuối cùng tôi bán với giá 19 triệu đồng. Nếu là cu gáy “bạch tạng” (trắng toàn thân) còn đắt hơn nhiều. Còn những con giá 5 – 10 triệu đồng thì nhiều lắm”.
Anh Phúc tiết lộ, doanh thu năm ngoái anh đạt hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 1 tỷ đồng.
Theo Việt Tùng
Dòng đời/Dân Việt