Những câu chuyện “gap year” nổi tiếng của Việt Nam (Kỳ 1)

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 09/09/2014Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

Khái niệm “Gap year” (hay “năm ngắt quãng”) được tạm hiểu là việc người trẻ vừa tốt nghiệp trung học hoặc đại học, dành một khoảng thời gian trống để tích lũy kinh nghiệm sống và định hình cuộc sống sau này.

 

Tìm kiếm và thay đổi chính mình

 

Trần Hùng John (sinh năm 1989) – người Mỹ gốc Việt thời điểm 20 tuổi, đã từ bỏ công việc dẫn chương trình truyền hình bắt đầu có tiếng tăm để đi bộ 80 ngày, với mong muốn “khám phá đất nước này và tìm cho ra phần “Hùng” trong con người John Hùng của tôi”. Mặc dù bị người thân, bạn bè phản đối gay gắt nhưng Hùng vẫn không thay đổi quyết định.

 
Trần Hùng John...
Trần Hùng John…
 

Còn Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip, SN 1990), đang làm một công việc khá tốt nhưng dường như chưa phải là lựa chọn đúng đắn nhất đối với cô: “20 tuổi, khi đang làm việc ở Malaysia, công việc, đồng nghiệp, môi trường làm việc, tất cả đều rất tốt, nhưng tôi nhận thấy cuộc sống của mình như đang đi vào đường không lối ra.

 

Nếu cứ làm và chờ đợi được tăng lương, thăng chức thì rồi cũng sẽ đến lúc con người ta già và chết. Tôi muốn đi để biết được thực sự mình muốn gì cho cuộc sống này”. Bắt đầu bằng số tiền khoảng 700 USD, Huyền lên đường tới Brunei và sau đó là vòng quanh thế giới.

 

Không phải là một hành trình “gap year” nổi tiếng nhưng trải nghiệm của Diễm Trang (cựu SV trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) cũng rất ý nghĩa.

 

Có công việc ổn định nhưng Trang gặp vấn đề từ chính bản thân: “Tốt nghiệp xong tôi hoang mang không biết mình muốn cái gì. Tôi muốn được xê dịch. Tôi muốn học thêm gì đó mới nhưng cứ đắn đo, chần chừ. Rồi tôi gặp stress, từ gia đình, các mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, công việc…”. Trang đã đi thực tập ở Trung Quốc trong dự án bảo vệ môi trường “Green Power Now”.

 
Và Huyền Chip, những gương mặt Việt nổi tiếng với trải nghiệm gap year.
Và Huyền Chip, những gương mặt Việt nổi tiếng với trải nghiệm “gap year”.
 

Hơn cả những điều mong mỏi tìm kiếm

 

Vì đã sống ở Việt Nam 2 năm, Hùng khá linh động trên đường và không lập ra một kế hoạch chi tiết. Đi theo quốc lộ 1A, cứ đến mảnh đất nào, Hùng lại dành 2 – 4 ngày làm việc và sinh hoạt cùng người dân.

 

Anh có cơ hội trải qua cuộc sống nông thôn lam lũ, vất vả khi thu hoạch lúa ở Thái Bình, làm cói ở Nga Sơn (Thanh Hóa). “Người dân Việt Nam, hàng chục triệu người đang sống ở các vùng quê là những người tốt và hiếu khách nhất mà tôi từng gặp”.

 

Hùng cũng được biết thêm phong tục của những vùng miền khác nhau như ở nhà sàn, bữa cơm dân tộc, đi chợ nổi… Anh còn làm thiện nguyện trên đường đi như phát quà ở Thanh Hóa cho làng trẻ mồ côi, cho một số trẻ em nghèo ở Nghệ An.

 

Tuy nhiên, hành trình của Hùng gặp không ít tai nạn, sự cố và mối hiểm nguy. Đó là lần bị thủy triều chặn mọi đường đi trên bãi biển (đảo Lý Sơn), hay bị cô gái cho uống “bùa ngải” khiến anh bị đau đớn, sức khỏe suy kiệt đến mức cảm nhận cái chết gần kề.

 

Và sau mỗi đoạn đường, trước những sự kiện và con người đã trải qua, gặp gỡ, anh hiểu rõ chính mình. “Tôi không thể chỉ là người Mĩ, cũng không thể chỉ là người Việt Nam. Thay vì cố gắng chọn làm John, hay làm Hùng, tôi phải biết cách biến cả hai thành một. Đây là con người của tôi, một người Mĩ gốc Việt mà tôi phải học cách chấp nhận nó”.
 
Trần Hùng John với trải nghiệm quý giá về cuộc sống dân dã nơi anh qua.
Trần Hùng John với trải nghiệm quý giá về cuộc sống dân dã nơi anh qua.

 

Huyền đã đi qua khoảng 25 quốc gia: Ấn Độ, Nepal, Israel, các nước châu Phi… Để duy trì chuyến đi của mình, Huyền đã làm nhiều công việc: nhân viên trong sòng bài ở Tanzania, tổ chức sự kiện ở Nepal, viết bài cho một trang web công nghệ tại Israel…

 

Chuyến đi châu Phi đối với Huyền rất đặc biệt, có nhiều cảm xúc khác nhau. Đó là những giây phút sợ hãi khi gặp phải khá nhiều tai nạn: “Chưa bao giờ tôi thấy yếu đuối như ở châu Phi: cô đơn đến cùng cực, thể chất suy sụp, bị đói, bị bỏ rơi, ám ảnh với căn bệnh thế kỷ. Chưa bao giờ tôi thấy đơn độc như khi bị sáu thanh niên cầm dao dí vào cổ cướp hết đồ đạc mà xung quanh mọi người chỉ giương mắt nhìn”.

 

Và càng cảm thấy bất bình, tức giận khi chứng kiến những hủ tục trọng nam khinh nữ vẫn đầy rẫy khắp nơi, khăng khăng bị người ta nhận định là người Trung Quốc, bị đám đàn ông hỏi giá cô bao nhiêu để cưới về làm vợ.

 
Trần Hùng John với trải nghiệm quý giá về cuộc sống dân dã nơi anh qua.
Trần Hùng John với trải nghiệm quý giá về cuộc sống dân dã nơi anh qua.

Và Huyền Chip có những kinh nghiệm, kỷ niệm của cuộc sống đa sắc tộc mà không giáo trình, sách vở, trường lớp nào dạy được hết.

 

Bên cạnh đó, châu lục ấy cũng mang lại cho Huyền những điều ý nghĩa, thiêng liêng: “Nhưng cũng chưa bao giờ trái tim tôi rung động mạnh như khi những anh chàng mặc áo rách nửa lưng rón rén xin được chạm vào tóc tôi vì lần đầu tiên được thấy tóc dài; những cô bé không nói được tiếng Anh, ú ớ chỉ vào đôi dép rách tôi đang đi, không ngần ngại ngồi bệt xuống đất giúp tôi khâu lại; những người dân làng gầy gò, ăn chẳng đủ no nhưng khi thấy tôi đói phải ăn lạc sống đã hốt hoảng chạy về nhà tìm xem có gì ăn được để mang hết ra cho tôi”.

 

Sau chuyến đi ấy, Huyền cũng hiểu hơn về bản thân: “Khi bắt đầu đi thì mong muốn đơn giản của tôi là được nhìn và hiểu thế giới. Nhưng rồi sau đó khi đi rồi, tôi nhận ra rằng càng đi càng hiểu về chính bản thân mình hơn”.
 
Những câu chuyện “gap year” nổi tiếng của Việt Nam (Kỳ 1)
 
Trần Hùng John với trải nghiệm quý giá về cuộc sống dân dã nơi anh qua.

 

Đồng hành cùng Trang là 7 thực tập sinh đến từ nhiều nước khác nhau. Đến giờ cô vẫn nhớ những lúc bạn bè cho mượn và tặng đồ giữ ấm, chăm sóc tận tình khi ốm đau. Hay những buổi tối nấu cơm cho nhau ăn, cùng soạn giáo án, cùng ôm nhau khóc khi xem clip cảm nhận về thực tập sinh trong buổi tiệc chia tay hai người bạn Ấn Độ.

 

Sau hai tháng, Trang trở lại Việt Nam, tiếp tục cuộc sống bình thường, đi học thêm, chạy một số dự án, làm công việc mình thích. “Những thứ bấp bênh không phải không có, nhưng tôi thấy mình thoải mái, tràn đầy động lực và niềm tin vào những dự định mới”.

 

Hoàng Dung