Học sinh “diễn phim tình cảm” ở trường học
Trường học thành “nơi diễn tình cảm”
Giờ ra chơi tại Trường THPT N.H.T, TPHCM, bên cạnh các em HS đang chơi thể thao, ăn uống, tụ tập nói chuyện thì… đập vào mắt là hình ảnh một vài cặp đôi đang thể hiện tình cảm như chốn không người.
Ở ghế đá ngay ở góc sân trường mặc cho bạn bè cách đó chỉ vài bước chân, một đôi nam nữ thản nhiên ngồi tâm sự với những hành động như cầm tay, ngả vai, hôn môi và càng về sau càng bạo dạn, cậu học trò không ngại đưa tay vào áo bạn gái…
Ở trong một số lớp học, cũng không thiếu những các cặp đôi tranh thủ giờ ra chơi “tâm sự” bằng hành động. Và lúc này, lớp học chẳng khác nào là thế giới của riêng các em.
Cách thể hiện tình cảm có thể làm người khác phải “đỏ mặt” đó thật khó tin diễn ra ngay sân trường. Các em HS khác, dường như đã quá quen với điều này nên cũng chẳng mấy ai tò mò hay xì xào.
Tại một trường THPT ở Q.3, TPHCM, ngay bước vào bãi gửi xe đã có thể thấy ngay cảnh HS tình tự để “tạm biệt” trước lúc vào lớp hoặc trước giờ ra về. Và cảnh tượng diễn ra ngay trước ánh mắt của rất nhiều học trò khác.
Một phụ huynh có con học tại Trường THCS – THPT Ngôi Sao, quận Bình Tân kể, mới đây, gia đình nhận được thông tin phản ánh của nhà trường về việc cô con gái lớp 8 hôn bạn trai ở trường học. Họ bàng hoàng nhưng cũng chẳng biết phải nói với con thế nào, nhắc nhở thì cháu sẽ phản ứng rất gay gắt.
Cảnh học sinh cấp 2, cấp 3 ngang nhiên “phô” tình yêu bằng cách đứng ôm hôn, âu yếm ngay trước cổng trường trước mặt nhiều người làm nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại. “Đứng trưởng cổng trường đón con tôi thấy rất nhiều các em thể hiện tình cảm mà mình ngại phải quay mặt đi”, một phụ huynh bày tỏ.
“Nhạy cảm” nhà vệ sinh trường học
Thể hiện tình cảm giữa đông ở ngay trong trường học, lớp học, một số em HS đã không ngại biến môi trường giáo dục thành chốn riêng tư. Tuy nhiên, những điều kể trên chỉ mới là bề nổi, rất nhiều câu chuyện “kinh thiên động địa” xuất phát từ tình cảm học trò diễn ra ngay trong môi trường học đường.
Hiệu trưởng một trường THCS – TPHCM ở TPHCM cho hay, việc nhà trưởng phải nhắc nhở đối với các em có hành vi “quá mức” như âu yếm, ôm hôn ở trường học thì kể không xuể.
Trường hợp “nhạy cảm” nhất trường từng gặp là bắt quả tang một nữ sinh lớp 7 đưa bạn trai bên ngoài vào trường và cả hai kéo nhau vào nhà vệ sinh làm “chuyện người lớn”. Tình huống này buộc nhà trường phải làm việc với gia đình và cả cơ quan công an để cùng giải quyết.
Tại một chương trình tư vấn tâm lý tuổi mới lớn, một GV dạy học ở TPHCM kể về cô học trò HS rất ngoan, được kèm cặp kỹ cho đến một ngày gia đình choáng váng khi phát hiện con gái có bầu, họ không hiểu mình “hở” con ra vào lúc nào. Hỏi mãi, cô con gái mới đành thú nhận… làm “chuyện đó” với bạn trai ở ngay trong nhà vệ sinh trường học.
Cũng vì HS bất chấp “yêu liều”, nhiều trường học đã phải lên phương án đề phòng mọi ngóc ngách trong trường, đặc biệt là khu vực nhà vệ sinh. Như trường THCS C ở Q.3, TPHCM phải đề xuất phụ huynh đóng thêm chi phí để thuê thêm lao công không chỉ để tăng cường dọn dẹp còn chủ ý giám sát không cho các em “làm bậy”. Theo hiệu trưởng “đã từng xảy ra những chuyện chẳng hay ho xảy ra trong nhà vệ sinh”.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) bày tỏ, đến các trường học hiện nay, cảnh các bạn nam nữ gẫn gũi quá mức diễn ra nhiều, từ những va chạm hồn nhiên cho đến cố ý nhưng có thể thấy các em đã không còn coi trọng quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”.
“Giá trị thay đổi, chỉ cần thích nhau với những cử chỉ âu yếm, các em tiến tới “cho nhau” gần lắm. Thế nên nhiều em mới quen nhau, mới biết nhau sơ sơ đã xem đi nhà nghỉ và xem đó là chuyện bình thường”, bà Hương bày tỏ lo ngại.
HS bạo dạn bày tỏ tình cảm ngay cả trong môi trường học đường có thể các em ảnh hưởng từ phim ảnh tiếp xúc hàng ngày, ở độ tuổi thích thể hiện, chứng minh… Nhưng đằng sau đó các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh vẫn là bài toán giáo dục giới tính còn quá nhiều lỗ hổng.
Trong đó những bài học về giá trị về tình cảm, tình yêu tuổi học trò từ gia đình, nhà trường đối với các em đang “đổ gãy”, chưa giúp các em có sức đề kháng trước những tác động tiêu cực bên ngoài.
Lê Đăng Đạt