Bánh Tết xứ Quảng
Theo quan niệm dân gian xứ Quảng, 4 loại bánh nói trên còn chứa đựng nhiều ý nghĩa, điềm tốt, điềm may trong những ngày đầu năm mới.
Bánh tét
Cùng với bánh chưng phổ biến khắp mọi miền trong cả nước, bánh tét là món ưa dùng trong ngày Tết của người dân Quảng Nam xưa nay. Nguyên liệu chính làm bánh tét tương tự như bánh chưng gồm có nếp, đậu xanh, thịt mỡ; chỉ khách bánh tét có hình dáng đòn tròn dài và tỷ lệ nhân so với nếp ít hơn bánh chưng. Để có đòn bánh tét ngon phải chọn nếp thật kỹ, ngâm nước vừa tới sao cho khi bánh nấu xong vớt ra, tét (cắt ngang) từng khoanh tròn mịn không lợn cợn như bị lẫn gạo trong nếp, vỏ nếp xanh ôm nhân đậu xanh thịt mỡ vàng ươm ở giữa.
Ăn bánh tét nhất định phải có dưa món củ kiệu mới “đúng điệu”. Gắp một khoanh bắt tét, thêm một ít dưa món (gồm có dưa hành, củ kiệu, sợi đu đủ, cà rốt, ớt đỏ) nghe thấm tháp hương vị Tết quê nhà. Bánh tét thường để được lâu, có nhà ăn hết tháng Giêng vẫn còn bánh tét nên có một cách chế biến bánh tét nguội rất hao… dưa món nữa là bánh tét chiên vàng giòn rụm dậy mùi nếp thơm lừng.
Theo các vị cao niên, nhà nào năm đó nấu bánh tét, bánh vớt ra lớp vỏ nếp bị vàng là không tốt, còn như bánh trắng đẹp là năm mới sẽ có nhiều may mắn.
Bánh tổ
Theo nhiều ghi chép, bánh tổ xứ Quảng có từ thời vua Lê Thánh Tôn, khi mà những người từ miền Bắc di cư vào vùng đất mới ở Quảng Nam nhớ quê cha đất tổ mới làm ra món bánh này. Bánh tổ trong mâm cơm cúng ngày Tết của người xứ Quảng cũng mang hàm ý như tên của món bánh này là tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên, tạ ơn trên cho một năm yên ổn làm ăn.
Nguyên liệu chính làm bánh tổ gồm có nếp hương và đường đen (còn gọi là đường bát). Đường đen thắng lỏng lọc hết tạp chất, nếp đem vo sạch, xay mịn rồi trộn vào nhau, thêm một ít nước gừng bỏ vào ổ (một giỏ đan tre nhỏ lót lá chuối) rồi cho vào nồi hấp, canh lửa sao cho bề mặt bánh không bị rổ. Trên mặt bánh tổ thường rắc thêm mè (vừng) cho chiếc bánh thêm thơm rồi đem phơi ở nơi thoáng mát.
Bánh nổ
Đêm giao thừa, cúng ông bà tổ tiên xong, người nhà dân Quảng thường ngồi lại với nhau ăn một ít bánh nổ, để cho năm mới được giòn như tên bánh. Nguyên liệu chính của bánh nổ vẫn là gạo nếp. Gạo nếp được rang lên cho nổ đều, hạt nở to, bung ra khỏi vỏ, bỏ những hạt nổ này vào cối giã cho mịn vừa phải. Thắng lỏng đường bát cho thêm ít gừng nữa rồi trộn với bột nổ cho vào khuôn ép thành bánh. Chiếc bánh nổ có hình khối chữ nhật, chia ra từng miếng nhỏ nhâm nhi nghe thơm hương nếp, vị gừng, vị ngọt thanh của đường bát. Ăn miếng bánh nổ, uống một chén trà là đúng “bài”, đúng vị.
Bánh in
Mong một năm mới vừa vặn như in là ý nghĩa dân gian gửi gắm trong món bánh này. Chiếc bánh in trông đơn sơ nhưng làm ra chiếc bánh in cũng tốn công không ít. Bánh được làm từ những nguyên liệu gần giống với bánh nổ là có nếp thơm, đường bát, nhưng cách làm bánh kỳ công hơn. Nếp sau khi vo sạch để ráo nước cho vào chảo rang cho đến khi nếp ngã màu vàng mật đem phơi sương để bột bánh có độ ẩm cần thiết. Đường bát đem bào mịn ra trộn đều vào bột nếp vừa phơi sương xong nhào cho thật đều tay, thường phải dùng chày giã cỗi cán qua cán lại cho bột tật mịn rồi mới cho vào khuôn in. Bánh in xong đổ ra nong đem phơi thêm một nắng hoặc đem nướng trên lửa than để bánh cứng lại. Cũng với cách làm tương tự như làm bánh in, người Hội An ở Quảng Nam thêm bột đậu xanh để làm nên món bánh đậu xanh khô – món đặc sản mà du khách đến Hội An thường chọn làm quà.
Khánh Hiền