Thủ lĩnh buýt Sài Gòn
Hồi mới vào Sài Gòn thi ĐH, mình nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của các anh chị tình nguyện, của những người Sài Gòn. Thay lời cảm ơn, mình muốn làm cái gì đó thiết thực hơn. Ý tưởng xây dựng một fanpage nhằm tư vấn lộ trình miễn phí cho những bạn trẻ cũng thích đi xe buýt như mình lóe lên”, Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1992) chia sẻ lí do thành lập dự án buýt Sài Gòn.
“Lỡ” yêu Sài Gòn
Thanh Sơn là người con của mảnh đất Bảo Lộc (Lâm Đồng). Sơn kể chuyện suốt những năm tháng sinh viên ở Sài Gòn, anh chàng đều di chuyển bằng xe buýt. Thậm chí, hiện tại đã đi làm, những ngày nghỉ đi chơi cùng bạn bè, Sơn vẫn lựa chọn phương tiện công cộng này.
“Hồi sinh viên, không chỉ đi học, đi làm thêm mà những ngày buồn buồn, mình cũng leo lên xe buýt lang thang khắp nơi. Sài Gòn hơn 100 tuyến xe, như mình đi nhiều cũng chỉ biết được khoảng 80%. Thế nên mình nghĩ, những người mới tới, hoặc không quen, hẳn sẽ gặp khó khăn. Mình mong có thể hỗ trợ được mọi người”, Thanh Sơn nói.
Buýt Sài Gòn ra đời vào ngày 20/5/2013, là một fanpage phi lợi nhuận được lập nên với mục đích ban đầu là để tư vấn lộ trình thích hợp và cập nhật tin tức mới nhất về các tuyến xe buýt tại TP.HCM. Qua 3 năm hình thành và phát triển, bằng sự nỗ lực kiên trì và sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, Thanh Sơn đã biến Buýt Sài Gòn thực sự trở thành “người bạn đồng hành” quen thuộc của sinh viên. Hiện tại, Buýt Sài Gòn thu hút hơn 62.000 lượt người quan tâm, theo dõi.
Thanh Sơn cho biết, những ngày đầu, khi Buýt Sài Gòn mới khởi động, mỗi ngày Sơn chỉ nhận vài ba câu hỏi, ngày nhiều thì vài chục câu. Tuy nhiên, hiện tại, có những ngày, Buýt Sài Gòn nhận hơn 200 câu hỏi. Nhóm 18 tình nguyện viên của dự án liên tục thay phiên nhau trả lời. Điều đặc biệt, rất nhiều bạn trong số 18 tình nguyện viên đã từng nhận được sự trợ giúp của Sơn và Buýt Sài Gòn mà quyết định quay trở lại hỗ trợ.
“Chúng mình đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng khác nhau trên địa bàn TP.HCM. Đa phần chúng mình là người của tỉnh, thành phố khác. Chỉ vì yêu Sài Gòn nên muốn làm một việc gì đó nho nhỏ cho thành phố. Khi nắm chắc thông tin, chúng mình mới trả lời bạn đọc.
Nếu không biết thì gửi “link” vào nhóm riêng để các bạn khác trả lời. Bọn mình có ghi chú liên tục trên trang là nhắc các bạn “post” câu hỏi thẳng lên “tường”, không đăng vào bình luận vì bài sẽ bị “trôi”. Nhưng thực tế, nhiều bạn quên, nên mọi người vẫn nhắc nhau chú ý nội dung bình luận để trả lời các bạn”, một tình nguyện viên cho biết.
Tiếp nhận và phản hồi
Thanh Sơn vừa lập ra trang “fanpage”Tôi là dân Sài Gòn, như một trang chuyên cung cấp những thông tin vắn về đời sống Sài Gòn. Trang này chia sẻ địa điểm ăn, chơi cho các bạn trẻ, chia sẻ hình ảnh đẹp của thành phố.
Không chỉ hướng dẫn lộ trình xe buýt giúp người dân đặc biệt là các bạn trẻ không bị nhầm tuyến, Buýt Sài Gòn còn tiếp nhận phản ánh của các bạn thành viên, thông qua hộp thư “nóng” của trang. Sau khi tiếp nhận, kiểm tra lại thông tin nếu là trường hợp liên quan đến chính sách, quy chế, Sơn và các thành viên sẽ tổng hợp lại và chuyển qua Sở Giao thông Vận tải để những người có thẩm quyền xử lý.
Các trường hợp nhẹ hơn như thái độ, hành vi thiếu chuẩn mực, tình trạng chạy nhanh, vượt ẩu hay bỏ trạm của tài xế, hướng dẫn viên thì Buýt Sài Gòn sẽ chuyển thông tin về Trung tâm quản lý điều hành Vận tải hành khách công cộng TP. HCM chờ phản hồi và đăng tải lên trang cho các thành viên cùng biết, ngay khi nhận được câu trả lời. Nhờ sự đóng góp ý kiến kịp thời của những người thường xuyên di chuyển bằng xe buýt mà chất lượng dịch vụ phương tiện công cộng này đã thay đổi đáng kể .
Sơn cho biết, sự tin cậy mà Buýt Sài Gòn có được hiện tại là công sức của rất nhiều người. Đó là 18 bạn tình nguyện viên không ngại vất vả, luôn túc trực trả lời bạn đọc, là sự ủng hộ theo dõi và liên tục cập nhật chia sẻ của hơn 60.000 bạn đang theo dõi trang.
“Sau bài viết phản ánh về tình trạng xe buýt 55 hay bỏ trạm thì chỉ một thời gian sau, tình trạng này đã cải thiện rõ rệt. Nhiều chuyến xe đã dừng hẳn đón khách để tránh nguy hiểm cho khách hàng. Hay bài viết phản ánh về việc tài xế xe buýt số 11 có thái độ tiêu cực cũng được ghi nhận, có sự chấn chỉnh rõ ràng. Đó là công sức của hơn 60.000 thành viên trong nhóm.
Mình hy vọng, những thông tin như vậy sẽ góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng xe buýt Sài Gòn, để đây sẽ là phương tiện công cộng được nhiều người di chuyển hơn trong thời gian tới”, Thanh Sơn chia sẻ.
Theo Tường Vi
Sinh viên Việt Nam