Ngàn lẻ một chuyện xóm trọ – Kỳ 3: Sinh viên đối mặt với “trộm vặt”
Kẻ gian không chỉ lợi dụng tình huống “nhà vắng chủ” để lén lút thực hiện hành vi trộm cắp mà chúng còn rất manh động khi dám đột nhập vào các phòng trọ có người ở để “hành nghề” ngay khi chớp được cơ hội.
Lê Trang (sinh viên ĐH Thương mại) kể lại, ngày 7/9, cô để chiếc xe Lead ở ngoài sân xóm trọ tại ngách 14/49, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhưng quên không khoá cổ xe. Ngay sau đó cô phát hiện xe bị mất. Mọi người kiểm tra lại camera ghi lại, một nam thanh niên lượn lờ vài vòng tại xóm trọ trong trang phục lịch sự, chỉnh trang với áo phông, quần bò. Thấy chiếc xe để hớ hênh, thanh niên này đã ra tay ngay.
Chủ nhân của chiếc xe Lead cho biết: “Đây là chiếc xe mà em mua lại, giá 23 triệu đồng. Em đã đi làm thêm, tự tiết kiệm và mua xe nên xót vô cùng. Nhờ có camera ghi lại, em đã gửi hình ảnh cùng clip đến công an phường Mễ Trì giải quyết. Giờ chỉ mong công an cùng mọi người sẽ giúp tìm lại chiếc xe đã mất”.
Cả xóm trọ của Trang khá ngỡ ngàng khi xem camera ghi lại cảnh thanh niên ăn trộm chiếc xe máy. “Trông ăn mặc sáng sủa, sạch sẽ thế kia mà lại đi ăn trộm. Đúng là không biết đằng nào mà lần. Có gặp chắc cũng chỉ nghĩ là người nào đó đứng đợi bạn bè chứ không thể hình dung là đi ăn trộm”, một người bạn cùng xóm trọ với Trang kể lại.
Các bạn sinh viên cũng cho biết, chuyện sơ hở bị mất trộm diễn ra tại xóm trọ nhiều như… cơm bữa. Bởi xóm trọ luôn luôn có nhiều người ra vào, giờ giấc chênh lệch nên dễ xảy ra tình trạng mất đồ. Nhất là vào những thời điểm mọi người lên giảng đường, hoặc vào ban đêm khi tất cả đã ngủ say, cửa chốt không an toàn. Đôi khi, dù có nhìn thấy bọn trộm, các em cũng không dám phản kháng lại, chỉ nằm im vì sợ bọn chúng liều lĩnh.
Trong khi đó, nếu có người tìm đến thuê nhà, hỏi về vấn đề an ninh thì chủ nhà nào cũng khẳng định là đảm bảo. Thực tế vì lợi nhuận, họ chỉ biết xây lên những dãy trọ rồi thu tiền, ít khi để ý đến vấn đề an ninh trật tự. Nhiều xóm trọ bị mất đồ chính vì những tên trộm là người thuê trọ ở đó.
Một số thành viên thuê nhà phức tạp, các đối tượng thất nghiệp không công ăn việc làm ở trọ “lẫn” cùng sinh viên, người đi làm… Họ tranh thủ chủ nhân đi vắng ngang nhiên cậy cửa sổ, cửa chính đột nhập vào phòng lấy đồ. Ngoài ra, bọn trộm thường trà trộn, đóng giả bạn của sinh viên trong xóm tới chơi hoặc do chính người trong xóm lợi dụng lúc sơ hở của chủ để lấy cắp, nên chủ nhà cũng khó kiểm soát.
Tuy bị mất trộm do an ninh lỏng lẻo nhưng khi báo với chủ nhà trọ thì họ mặc nhiên phủi trách nhiệm theo kiểu “mất thì phải tự chịu trách nhiệm lần sau phải cẩn thận hơn” hoặc “lên công an phường mà báo”, cứ thế người thuê trọ đành im lặng chấp nhận phần thiệt về mình. Tự phải đối phó với các “siêu trộm”, các bạn sinh viên đành phải lên các phương án chống trộm như mua thêm xích khoá xe, sửa chữa lại các cửa phòng trọ, đóng cửa sổ kín mít cả ngày….
Em Văn Dương, sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Laptop, điện thoại di động, xe máy – những vật dụng có giá trị nhất của sinh viên rất dễ bị các đối tượng “tăm tia”. Ngoài ra, những đồ dùng nhỏ nhặt như nồi, xoong, chảo, quần áo cũng… hở ra là mất.
Có lần em ngủ trưa, dù đã đóng cửa chính nhưng lại quên không khoá cửa sổ. Tỉnh dậy mới phát hiện, chiếc điện thoại để trên bàn đã mất do kẻ trộm thò tay vào cửa sổ “khều” ra. Thậm chí, hai chiếc quần jeans phơi ngoài sân còn ướt cũng bị mất. Từ hôm đó, em thường xuyên đóng cửa sổ, dù biết phòng trọ bé lại tối, không gian bí bách, khá nóng”.
(còn nữa)
Theo Phương Thu
Tuổi trẻ thủ đô