Miền trung- Những ngày thắp lửa

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 18/11/2016Lần cập nhập cuối: 19/04/2021

Miền trung- Những ngày thắp lửa

Quảng Minh – rộn vang tiếng cười Con trẻ

Đến Quảng Bình thì trời đã nhá nhem tối trong khi sáng hôm sau là hành trình 35km vào trường mầm non Quảng Minh – xã Quảng Minh – thị xã Ba Đồn nên các thành viên trong đoàn chỉ được ngủ vỏn vẹn 5 tiếng đồng hồ. Trước khi khởi hành, cô hiệu trưởng trường mầm non Quảng Minh đã gọi điện từ rất sớm sẽ đón đoàn tại điểm cầu Quang Hải để dẫn đường vào xã. Cuộc hành trình đến với vùng lũ của chúng tôi bắt đầu từ đây…

Buổi sáng đầu tiên ở Quảng Bình, đoàn xe chúng tôi di chuyển đến trường mầm non Quảng Minh – xã Quảng Minh – Thị xã Ba Đồn. Ngôi trường nhỏ nằm nép mình dưới trận mưa lớn, chỉ còn lại mấy chiếc ghế gỗ nhỏ, cũ rích, xiêu vẹo nằm im nơi góc tường. Khi chúng tôi đến, dù lũ đã không còn nhưng mực nước dâng cao khiến những em nhỏ ở bên kia sông không thể tới lớp, các em vẫn hàng ngày chờ nước rút xuống để được cùng bè bạn đến trường.

Những ánh mắt ngây thơ hồn nhiên của con trẻ luôn là động lực lớn lao để chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình
Những ánh mắt ngây thơ hồn nhiên của con trẻ luôn là động lực lớn lao để chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình

Mang theo hơn 400 suất quà tặng và 200 chiếc ghế nhựa mới tinh, đoàn chúng tôi quyết chí khoác trên mình một màu áo mới trên ngôi trường thân thương này. Sau 2 tiếng đồng hồ, những chiếc ghế xanh đỏ được xếp ngay ngắn đã được thay thế cho những chiếc ghế gỗ hỏng các em vẫn thường ngồi. Bầu trời Quảng Minh sáng và xanh hơn. Niềm hân hoan rạng ngời trên khuôn mặt các em khi nhận được quà lúc ấy…thật khó quên. Nhìn những nụ cười hớn hở của con trẻ, chúng tôi dường như quên đi hết mệt nhọc và được tiếp thêm năng lượng để tiếp tục cuộc hành trình. Đâu đó tiếng đọc bài “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Tạm biệt nhé Quảng Minh yêu dấu. Nơi đó bình minh sẽ ngập tràn tiếng cười Con trẻ…

Sách mới về với bản nghèo

Cách Quảng Minh 60km, đi qua những con đường hiểm trở bởi những cơn lũ đã cuốn trôi cả đường kè bên sông, chỉ cần lệch tay lái một chút thôi chúng tôi đã có thể hoà mình cùng dòng sông chảy siết bên dưới rồi. Chúng tôi dừng chân tại Trường Tiểu học Cao Quảng – một điểm trường chịu ảnh hưởng rất lớn từ trận lũ vừa qua thuộc huyện Tuyên Hóa.

Theo chân các em nhỏ từ trường về nhà chúng tôi mới thấu hiểu nỗi gian khó của học sinh nghèo nơi đây. Hằng ngày các em phải đi bộ hàng chục cây số, băng qua những cánh rừng thông, lội qua những con suối để tới lớp. Mỗi một trận lũ đi qua, nước sông lại thêm đầy, toàn bộ khu vực bị cô lập nên việc di chuyển đến trường là điều không thể.

Thế nhưng, nước lũ không ngăn nổi niềm mơ ước đến trường của các em. Trên gương mặt những học trò nghèo rạng ngời, lấp lánh một tình yêu con chữ. Chúng tôi trao tận tay những Bộ sách giáo khoa, những cuốn tập vở, những chiếc bút máy và lọ mực mới với lời nhắn nhủ “Học để mai này xây dựng quê hương thoát nghèo em nhé!”

Và rồi, trên mái trường ấy sẽ thắp sáng biết bao bông hoa điểm mười, sẽ thắp sáng biết bao những tấm gương nghèo vượt khó. Những cây cầu nhỏ vẫn ngày ngày chở ước mơ xa. Chúng tôi hát chung với các em ca khúc “Bốn phương trời” trong tiếng vỗ tay không dứt…Đâu đó là nụ cười hạnh phúc của các em, của thầy cô và chúng tôi hoà làm một…

Tạm biệt Cao Quảng, tạm biệt thầy cô và mái trường Cao Quảng…Hẹn gặp lại!

Niềm hân của của các em học sinh trường tiểu học Cao Quảng khi được đoàn tổ chức chơi trò chơi
Niềm hân của của các em học sinh trường tiểu học Cao Quảng khi được đoàn tổ chức chơi trò chơi

Lâm Trạch những ngôi nhà lại ấm lửa

Trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều em nhỏ đi khai giảng năm học mới về. Gương mặt nào cũng rạng rỡ và phấn khởi khi được gặp lại bạn bè, thầy cô sau kỳ nghỉ lũ. Nhìn những nụ cười hớn hở của con trẻ, chúng tôi dường như cũng hạnh phúc theo. Có lẽ khó có thể tìm từ nào diễn tả được bầu không khí trong lành đầy yên bình và những nụ cười hạnh phúc của người dân của xứ Quảng.

Về với Lâm Trạch, những ngôi nhà lại ấm lửa. Lâm Trạch có những căn bếp liêu xiêu, những căn nhà nhỏ lụp xụp. Gia đình có điều kiện hơn thì có thêm rừng tiêu xanh mướt chạy thẳng nối hàng cây. Ở đó có người Mế 18 năm chờ Con biệt tích, có người O cả đời sống đơn thân với chứng bệnh động kinh, có cụ già chịu kham khổ đến phút gần đất xa trời chỉ mong gác mái nhà một chiếc quan tài đắp đất…

Lâm Trạch có rừng sâu, có con đường trắc trở, có 2 anh em nghèo mồ côi tự thân mình kiếm sống, có người quả phụ một thân nuôi 3 đứa trẻ, có người Mế mất con, có người vợ mất chồng, có những đứa trẻ cả đời không có cha, suốt một tuổi thơ chân trần không manh áo rét. Ở đó có một người lính già giữ tinh thần thép từ chiến trường qua thời bình để gồng mình qua từng cơn lũ. Giọng ông hào sảng nhắc nhở chúng tôi về một Lâm Trạch nghèo đói mà rắn rỏi. Mảnh đất cằn cỗi nuôi dưỡng những tâm hồn lạc quan và mạnh mẽ…

Và rồi, những ngày khi đã rời xa nơi ấy chúng tôi vẫn không thôi đau đáu về một mảnh đất cằn cỗi nuôi lớn những đứa trẻ hồn nhiên, những gia đình không trọn vẹn. Ở đó có những cái ôm thật chặt, bàn tay rất ấm. Nơi đó trong căn bếp nhỏ lại bập bùng những ngọn lửa. Đoàn chúng tôi đi, khi Quảng Bình trời đã về đêm…

Niềm vui pha lẫn nghẹn ngào của người nông dân mắc bệnh hiểm nghèo khi nhận quà
Niềm vui pha lẫn nghẹn ngào của người nông dân mắc bệnh hiểm nghèo khi nhận quà

Chúng tôi sẽ đem câu chuyện này kể cho những người bạn, người đồng nghiệp trong ngôi nhà chung K&G Việt Nam – Những người đã cùng chúng tôi chung tay quyên góp cho chuyến đi yêu thương này. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, thay toàn thể CBNV công ty CPĐT K&G Việt Nam mang đến những điều ý nghĩa. Và chắc chắn, trong những hành trình sắp tới chúng tôi vẫn còn thắp lên những ngọn lửa hồng trên dải đất chữ S thân thương này.

Xem thêm các hoạt động thiện nguyện khác tại http://ngoinhachung.vn/

K&G Việt Nam!