Những sai lầm trong chế biến thực phẩm dễ “rước bệnh vào người”

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 11/11/2017Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

Dùng hộp nhựa trong lò vi sóng

Bạn nên dùng đồ thủy tinh khi cần làm nóng thức ăn trong lò vi sóng
Bạn nên dùng đồ thủy tinh khi cần làm nóng thức ăn trong lò vi sóng

Nhiều người thường có thói quen sử dụng các bao plastic hoặc hộp nhựa để làm nóng thức ăn trong lò vi sóng mà không biết rằng chúng chứa chất gây ung thư cực nguy hiểm. Đặc biệt, khi bạn quay nóng lên, các độc tố này sẽ theo vào thực phẩm rồi gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Chính vì vậy, bạn hãy dùng đồ thủy tinh, sành, sứ để thay thế hộp nhựa mỗi khi cần làm nóng thức ăn trong lò vi sóng.

Ngâm rau trong nước muối, sai lầm tai hại

Cách rửa rau đúng cách là rửa liên tục dưới vòi nước sạch
Cách rửa rau đúng cách là rửa liên tục dưới vòi nước sạch

Lâu nay, nhiều bà nội trợ vẫn có thói quen ngâm rau, củ quả bằng nước muối trước khi chế biến để khử độc, đảm bảo an toàn cho thực phẩm. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Hồng Côn, Giảng viên Khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN (ĐH QGHN) cho biết, đến nay, chưa một dung dịch nào có thể loại trừ hoàn toàn thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản trên các loại rau, củ và các thực phẩm khác.

Quan niệm ngâm nước muối có thể loại bỏ chất hóa học chỉ là lời đồn thổi không có căn cứ. Cách làm này hoàn toàn sai lầm thậm chí còn khiến các hóa chất hóa học nếu có trong rau khó hòa tan trong nước.

“Chúng ta không nên ngâm rau trong nước muối vì những chất tan trong nước thì dễ tan trong nước ngọt hơn là nước muối. Nước muối nồng độ càng cao thì các hóa chất càng khó tan”, PGS.TS Trần Hồng Côn khẳng định. Chuyên gia này cũng khẳng định, không thể phân biệt được rau nhiễm hóa chất hay an toàn chỉ bằng mắt thường hay các mẹo vặt. Lời khuyên cho các bà nội trợ là nên mua rau rõ nguồn gốc xuất xứ, đây là việc quan trọng để có rau an toàn sử dụng.

Ngoài ra, sau khi mua rau về nhà, người tiêu dùng nên rửa rau dưới vòi nước sạch từ 2 – 3 lần và ngâm trong nước (không cho muối). Chúng ta cũng có thể sử dụng xà phòng dầu dừa để rửa sạch tương đối những loại thuốc bảo vệ thực vật bám trên bề mặt rau.

Vo gạo quá kỹ

Nhiều người thường có thói quen vo 4 – 5 lần nước đến khi nước gạo mất đi màu trắng đục và chỉ còn lại màu trắng trong. Đây chính là thói quen sai lầm làm mất đi chất dinh dưỡng trong gạo. Theo nghiên cứu, lượng sắt, kẽm mất đi trung bình trong quá trình vo gạo, nấu cơm dao động từ 79,9% – 96,5%. Vitamin nhóm B cũng bị mất đi tới 70% – 95% trong quá trình xay xát và vo gạo.

Vo gạo quá kỹ có thể làm mất chất dinh dưỡng có trong gạo
Vo gạo quá kỹ có thể làm mất chất dinh dưỡng có trong gạo

Để giữ được lượng dinh dưỡng quý giá bạn chỉ nên vo 1 – 2 lần nước để loại bỏ hết bụi bẩn đi là được. Các vitamin chủ yếu ở ngoài hạt gạo, nếu bạn vo gạo kỹ quá khi nấu cơm sẽ bị mất đi dưỡng chất.

Theo các chuyên gia bạn nên vo gạo ngay trong nồi cơm, tức là đổ nước và khoắng nhẹ, chắt bụi bẩn và vỏ trấu, không nên chà xát gạo mạnh.

Chần thịt qua nước sôi

Để loại bỏ tạp chất và giảm nguy cơ thịt nhiễm độc, nhiều bà nội trợ có thói quen chần thịt qua nước đun sôi nhiều lần rồi mới đem chế biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây là cách làm sai lầm.

Việc chần thịt qua nước sôi không thể loại bỏ tạp chất trong thịt thậm chí còn khiến các chất độc nếu có trong thịt sẽ thấm ngược trở lại vào bên trong. Nguyên nhân là do, khi cho thịt vào nước đun sôi sẽ làm miếng thịt biến tính co lại làm cho thịt “ngậm” chặt các hóa chất bẩn mà không đào thải ra bên ngoài.

Chần thịt qua nước sôi để loại bỏ tạp chất là cách làm sai lầm
Chần thịt qua nước sôi để loại bỏ tạp chất là cách làm sai lầm

“Nếu cho thịt vào nước đun sôi, nhiệt độ cao khiến các protein bề mặt bên ngoài thịt đóng vón lại, các chất bên trong không thôi ra được, tương tự các chất độc cũng đóng vón lại. Điều này rất không tốt và là cách làm sai lầm mà nhiều người mắc phải”, PGS.TS Thịnh khẳng định.

Chuyên gia này cũng cho biết, cách hữu hiệu để loại bỏ chất bẩn và hóa chất có trong thịt lợn là, khi mua về, bà nội trợ nên rửa thịt bằng nước sạch nhiều lần. Ngoài ra, có thể dùng muối hoặc nước muối pha loãng bóp thịt, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

Rã đông thịt ở nhiệt độ phòng

Rất nhiều bà nội trợ có thói quen cất trữ và bảo quản thực phẩm trong ngăn đá tủ lạnh, sau đó rã đông thịt ở nhiệt độ phòng.

Theo các chuyên gia đây là cách làm sai lầm. Bởi lẽ, khoảng nhiệt độ lý tưởng để vi khuẩn phát triển là từ 4-60 độ C. Khi thực phẩm đông (đặc biệt là thịt) tiếp xúc với nhiệt độ bình thường, sẽ rất dễ bị ôi thiu, vi khuẩn sinh sôi gấp nhiều lần so với trước khi rã đông. Nếu thức ăn không được nấu chín đúng cách sau đó, sẽ gây ra tiêu chảy, ngộ độc.

Ở nhiệt độ thường vi khuẩn dễ phát triển, nếu thức ăn không được chế biến đúng cách có thể gây ra ngộ độc.
Ở nhiệt độ thường vi khuẩn dễ phát triển, nếu thức ăn không được chế biến đúng cách có thể gây ra ngộ độc.

Phương pháp đơn giản nhất là bạn lấy thịt từ ngăn đá và bỏ xuống ngăn lạnh. Thịt sẽ rã đông từ 8-24 giờ, tùy thuộc vào trọng lượng.

Ngoài ra, để rã đông nhanh nhất, bạn nên đặt miếng thịt vào một chiếc bát hoặc nồi nước mát. Thay nước mỗi 30 phút để thịt tiếp tục rã đông. Bạn sẽ mất từ 1-2 tiếng để thịt được rã đông hoàn toàn.

Cho tỏi vào quá sớm

Bạn không nên cho tỏi vào quá sớm sẽ khiến tỏi nhanh bị cháy
Bạn không nên cho tỏi vào quá sớm sẽ khiến tỏi nhanh bị cháy

Tỏi chín rất nhanh, việc cho tỏi vào quá sớm sẽ khiến tỏi nhanh bị cháy. Khi bạn ướp thịt, không nên băm nhỏ tỏi ra. Dù bạn chế biến bất kì thành món ăn nào thì bạn cũng nên cho tỏi vào sau cùng.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý là để tỏi ở ngoài 10 phút trước khi nấu. Bởi vì các đặc tính chữa bệnh của tỏi chỉ có thể phát huy được tác dụng một cách tối đa bằng cách nghiền, cắt hoặc đập dập nó, sau đó để chúng đủ 10 phút ở ngoài trước khi nấu.

Hiệp Nguyễn

Tổng hợp