Kỳ lạ đất nước “đàn ông cũng mặc váy như phụ nữ” ngay gần Việt Nam
Myanmar là đất nước có diện tích lớn thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia với 676.577 km2. Vài năm trở lại đây, quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách đặc biệt là các tín đồ Phật giáo. Ngoài khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, những ngôi chùa tháp tráng lệ, nguy nga, Myanmar còn có rất nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng biết.
Đàn ông cũng mặc váy giống phụ nữ
Trang phục truyền thống của người dân Myanmar là longyi (một loại trang phục gần như váy quấn của người Thái). Nam giới khi mặc váy sẽ thắt nút ở phía trước còn phụ nữ buộc bên hông. Họ mặc váy trong các hoạt động hàng ngày từ đi làm, chùa chiền, buôn bán… thậm chí đàn ông còn mặc trang phục này khi đi xe máy hoặc quấn lên chơi các môn thể thao.
Du khách quốc tế thích thú chụp ảnh với trang phục truyền thống của người Myanmar
Thông thường, đàn ông Myanmar thường mặc đồ lót bên trong, trong khi ở một số vùng nông thôn họ còn… không mặc gì bên trong. Theo người dân bản địa, đây là cách để họ đối phó với thời tiết khắc nghiệt vào mùa khô khi nhiệt độ có thể lên mức 40 độ C.
Đàn ông Myanmar mặc trang phục truyền thống kể cả khi lao động, đi làm hay chơi các môn thể thao
Thói quen ăn trầu không
Người dân Myanmar có thói quen ăn trầu nhiều hơn người Việt Nam. Miếng trầu ở đây chỉ bao gồm lá trầu không phết với vôi loãng, thêm chút thuốc lào, một miếng hột cây bản địa chứ không dùng chung cau với trầu.
Không chỉ có người già, phụ nữ mà ngay cả những thanh niên, đàn ông cũng thích ăn trầu. Họ ăn trầu bất kể khi nào, kể cả khi lái xe, bán hàng, đi bộ hoặc khi đi mua sắm.
Người dân Myanmar có thói quen ăn trầu nhiều hơn người Việt Nam. Ảnh: BBC
Nhiều người khi ăn trầu thường mang bên cạnh mình chiếc ca nhỏ để nhổ nước và bã trầu nhưng cũng có khi họ nhổ ngay trên đường phố. Vì thế, nếu đến đây du lịch bạn đừng bất ngờ và ngạc nhiên khi thỉnh thoảng lại trông thấy những bãi nước đỏ ngòm bên ngoài khách sạn, trên đường hoặc trong các khu chợ mua sắm.
Đất nước của những ngôi chùa tháp tráng lệ
Trải dọc khắp đất nước Myanmar có tới hàng nghìn ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau, với kiến trúc vô cùng độc đáo, tráng lệ
Nếu Thái Lan được mệnh danh là đất nước Chùa tháp thì Myanmar được ví là đất nước của những ngôi chùa. Hơn 90% dân số ở đây theo đạo Phật vì thế trải dọc khắp đất nước có tới hàng nghìn ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau. Sự hoành tráng, độc đáo trong kiến trúc của những ngôi chùa tháp sẽ khiến bất cứ du khách nào đặt chân đến đều phải choáng ngợp.
Nổi tiếng nhất trong số đó là ngôi chùa Shwedagon được dát khoảng 90 tấn vàng
Nếu cố đô Bagan là nơi có nhiều ngôi chùa cổ kính bậc nhất Myanmar thì Yango lại là thành phố nổi tiếng bởi những ngôi chùa dát vàng độc nhất vô nhị trên thế giới.
Nổi tiếng nhất trong số đó là ngôi chùa Shwedagon. Ngôi chùa được cất giữ 4 báu vật tôn giáo quan trọng nhất đối với người dân ở đây gồm: cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, mảnh áo của Phật Ca Diếp và sợi tóc của Phật Thích Ca Mầu Ni. Điều đặc biệt là chùa được dát bằng 90 tấn vàng, đỉnh tháp được gắn hàng nghìn viên kim cương màu sắc, bích ngọc, lục lạc vàng.
Ngôi chùa trên đỉnh hòn đá chênh vênh nơi sườn núi nổi tiếng khắp thế giới ở Myanmar
Ở tất cả các ngôi chùa của Myanmar du khách đều phải để dép ở ngoài và đi chân trần lễ Phật. Người dân ở đây chỉ cúng dường Phật bằng hoa tươi, lễ chay tuyệt đối không có đồ lễ mặn và rất ít thắp hương trong chùa.
Giao thông với nhiều loại xe cũ
Myanmar ban hành lệnh cấm xe máy vào thành phố lớn nhất cả nước là Yangon từ năm 2003. Đây là nỗ lực của chính quyền thành phố nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, ô nhiễm và thu hút du lịch. Ô tô ở Myanmar chủ yếu là loại xe cũ, được nhập khẩu ở Nhật Bản. Các loại xe ô tô được thiết kế cả hai loại tay lái thuận và nghịch.
Myanmar cấm xe máy vào Yangon từ năm 2003
Đường phố Yangon khá thông thoáng và sạch sẽ. Dù không có nhiều trạm cảnh sát giao thông nhưng người dân đều chấp hành và tuân thủ luật một cách nghiêm túc. Ở Yangon gần như rất ít khi bị tắc đường, lái xe cũng hạn chế bấm còi trong thành phố.
Các loại phương tiện công cộng khá phát triển ở đây tuy nhiên chủ yếu là các loại xe tải, xe khách cũ
Do cấm xe máy, nên các loại phương tiện công cộng khá phát triển ở đây tuy nhiên chủ yếu là các loại xe tải, xe khách cũ, được người dân tự chế thêm các hàng ghế để chở khách phía sau. Các tài xế luôn chở quá số người quy định, thậm chí hành khách chấp nhận việc đu bám, leo lên nóc xe để di chuyển bất chấp việc có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Một điều đặc biệt nữa ở Yangon là hầu hết taxi đều không có bảng tính tiền tự động, khách muốn đi phải tự trả giá theo thỏa thuận.
Thanaka- kem dưỡng da đặc biệt của người Myanmar
Thanaka là thứ bột được bào chế từ loại cây cùng tên ở Myanmar. Đây được xem là kem dưỡng da, chống nắng hiệu quả rất được ưa chuộng của người dân nơi đây. Bất kể ai từ trẻ em, phụ nữ, thanh niên, người già đều sử dụng bột Thanaka để bôi lên mặt.
Bất kể ai từ trẻ em, phụ nữ, thanh niên, người già đều sử dụng bột Thanaka để bôi lên mặt.
Tùy theo tay vẽ của từng người tạo nên những hình thù khác nhau, có người chỉ đơn giản là tô hình tròn, người hình chữ nhật, có người lại tạo hình trái tim, chiếc lá hay bông hoa.
Người dân Myanmar bôi bột Thanaka nổi bật trên hai má và trán, giữ nguyên chúng ngay cả khi đi đến trường học, lao động, làm việc, đi chơi… Với họ, đây là thứ bột dưỡng da “thần thánh” không chỉ giúp làm ẩm, giúp da mịn màng mà còn bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời.
“Đặc sản” chung cư cũ
Yangon là thành phố phát triển nhất Myanmar, tuy nhiên tại đây không có nhiều chung cư, cao ốc hiện đại. Người dân Myanmar chủ yếu sống trong các chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1960 của thế kỷ trước, đa phần đều cũ kỹ, xuống cấp.
Các tòa nhà này không có thang máy mà chỉ có cầu thang bộ. Điều thú vị là phía trước các trục nhà đều được người dân lắp thêm các sợi dây thừng. Mỗi khi cần mua hàng hóa, đồ gia dụng mà không muốn leo bộ, họ sẽ nhờ người bán hàng buộc vào sợi dây, sau đó kéo lên nhà.
Hà Trang