Nữ sinh vượt bạo bệnh đi thi Hoa khôi Ngoại thương: “Tôi đẹp nhất khi tôi tự tin, kể cả khi đầu trọc!”
Nữ sinh vượt bạo bệnh đi thi Hoa khôi Ngoại thương:
“Tôi đẹp nhất khi tôi tự tin, kể cả khi đầu trọc!”
9:00 sáng.
Tại phòng 421 Khoa Nội, Bệnh viện K Quán Sứ, Hà Nội.
“Cả phòng này nổi tiếng, suốt ngày lên báo chí, tivi thôi!”.
“Đúng rồi. Bao giờ phát nhớ báo để cả phòng cùng xem nhé các cô chú!”.
Những bệnh nhân tại phòng bệnh 421 vừa thực hiện quá trình truyền hoá chất vừa vui vẻ trêu đùa khi phóng viên đến thăm.
“Trước giờ phòng này toàn các cô bác bệnh nhân trung niên nên buồn lắm. Truyền hoá chất vào là cả phòng im thim thít. Từ khi có cô bé Tiên thấy không khí vui vẻ hơn hẳn! Con bé lúc nào cũng tươi cười rạng rỡ, kể cả lúc truyền hoá chất như bây giờ này. Vừa xinh vừa ngoan nên ai ở đây cũng quý! ” – một bệnh nhân chia sẻ về Thủy Tiên, bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi nhất tại phòng bệnh này.
Đây đã là tháng thứ 4, và là mũi hoá trị lần thứ 11 của Đặng Trần Thủy Tiên – sinh viên ĐH Ngoại Thương Hà Nội. Cô nữ sinh 19 tuổi chào đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ dù trên tay là chằng chịt những chiếc kim truyền hóa chất.
Với Thủy Tiên bây giờ, ung thư không còn đáng sợ nữa! Cô gái 19 tuổi đón nhận ung thư một cách lạc quan đến lạ!
“Chưa bao giờ em nghĩ, mình sẽ nhận”án tử” ở tuổi 19…”
“Ngày bác sĩ thông báo em bị ung thư, cả thế giới với em như sụp đổ.”, Thủy Tiên nhớ lại. “Cuộc sống yên bình vốn có của cả gia đình em biến mất. Trước mắt em chỉ còn là gương mặt thất thần của bố, đôi mắt đẫm nước của mẹ. Còn em… trống rỗng.”
Đó là một ngày đầu tháng 6 – khi chẳng còn bao lâu nữa, Tiên kết thúc năm nhất đại học tại ngôi trường danh giá.
Một hôm, Tiên bất ngờ phát hiện cục hạch nhỏ trên ngực. Lúc đó Tiên vẫn bình tĩnh gọi điện về cho mẹ rồi tự đi khám, đăng kí tiểu phẫu.
“Em nghĩ, chắc cắt u đi là xong thôi. Ngay cả lúc bác sĩ mang khối u đi sinh thiết em vẫn rất bình thản… Vì trong mơ, em cũng chưa bao giờ nghĩ, mình sẽ bị ung thư – một cái “án tử” ở tuổi 19″, Tiên kể lại.
“Hai tuần đầu tiên, em không ăn, không ngủ nổi. Em phẫn uất, ấm ức vì tại sao ông trời lại bất công với em như vậy, vì sao thần chết lại điền tên em vào danh sách dự bị sớm như thế. Em còn quá trẻ, còn quá nhiều ước mơ ở phía trước”, Tiên rưng rưng nước mắt khi nhắc lại.
“Cả gia đình đảo lộn sau thông báo đó. Con bé là niềm tự hào của vợ chồng tôi. Lúc nào Tiên cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Giây phút nghe tin con bị ung thư vú giai đoạn 2B, tôi đã ước, giá mà mình có thể gánh nỗi đau này thay con… Con còn quá trẻ.” – bà Trần Thúy Hà, mẹ Thủy Tiên tâm sự.
“Con bé không khóc, không một lần khóc trước mặt bố mẹ. Dù tôi biết mỗi đêm con đều trằn trọc suy nghĩ nhưng cứ cắn răng chịu đựng, không than thở lời nào. Chứng kiến cảnh tượng ấy, có cha mẹ nào không xót đâu” – bà Hà cắn chặt môi kể về cô con gái.
“Rồi, vợ chồng tôi nghĩ, nhất định phải làm chỗ dựa cho con. Cả nhà động viên, cùng nắm tay con bắt đầu hành trình… chống lại ung thư!” – bà Hà nói tiếp.
Mạnh mẽ tuyên chiến với ung thư
Sau những ngày tự dằn vặt bản thân, Thủy Tiên bình tâm trở lại.
Tiên chủ động bảo lưu kết quả học tập.
Cô gái 19 tuổi tự giác chuyển thời gian biểu của mình từ lịch học, lịch ôn thi, lịch tham gia hoạt động ngoại khóa với bạn bè thành lịch tập thể dục, lịch uống thuốc, lịch ăn ngủ và… lịch truyền hóa chất.
“Những ngày đầu truyền hóa chất thật là kí ức ám ảnh với em. Em cảm nhận được những thay đổi đầu tiên trên cơ thể mình: lông mày, lông mi, tóc cứ thưa thớt dần, da sạm đen, móng chân móng tay thâm tím… Với một cô gái thì đó là điều khiến em tự ti, khiến em sốc tâm lý thêm một lần nữa”, Thủy Tiên chia sẻ.
“Nhưng em biết, chỉ có những hóa chất đó mới có thể tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể em… Vài tuần sau lần hóa trị đầu tiên, em quyết định cạo đầu. Hành động đó như thay lời tuyên chiến với căn bệnh ung thư quái ác này! Ung thư thì ung thư thôi, em sẽ chiến đấu với nó!”, Tiên mạnh mẽ chia sẻ.
“Trước đây em rất lười vận động. Tập thể dục với em là điều xa xỉ. Nhưng nay, để chiến đấu với ung thư, mỗi ngày em đều dậy từ 5h sáng để cùng bố tập thể dục. Em cũng vận động nhẹ nhiều lần trong ngày. Thay vì đồ ăn nhanh, bữa ăn bữa bỏ, em ăn uống đúng giờ và chủ yếu là ăn đồ ăn mẹ nấu, ăn nhiều rau xanh, ít dầu mỡ. Quan trọng nhất, em không còn thức đêm để học, làm bài hay ôm điện thoại nữa.”, Tiên vui vẻ nói về lịch trình của mình. “Em cũng xin bố mẹ cho đi học đàn để thoải mái tinh thần hơn. Khi thì đọc sách, tự học thêm ngoại ngữ.”
“Thỉnh thoảng mọi người trong nhà cứ trêu, người ta ốm thì gầy gò, xanh xao đi còn Tiên thì “ngược đời”, tăng 10kg trong vỏn vẹn 4 tháng qua.”, mẹ Thủy Tiên vừa xoa vết kim truyền trên tay con gái vừa kể.
“10 lần hóa trị thì cả 10 lần Tiên đều nôn thốc nôn tháo, không gượng dậy nổi vì mệt. Thế nhưng con bé vẫn không bỏ bữa hay làm nũng bố mẹ chút nào. Tiên luôn biết phải cố gắng ăn lấy sức để cơ thể có đủ bạch cầu.”
“Em tuyệt đối tuân thủ những căn dặn của bác sĩ và em tin vào khoa học!” – Tiên chia sẻ.
“Em không đơn độc trong cuộc chiến chống lại ung thư!”
Trong cuộc trò chuyện với tôi, Tiên không giấu được những tiếc nuối trong lòng. “Khi còn sức khỏe, vì còn quá trẻ, nhiều khi em ham vui, bận việc học hay làm thêm mà không để ý nhiều đến bố mẹ. Chỉ khi đổ bệnh mới nhận ra rằng, bố mẹ thương yêu em đến nhường nào… Nhiều lúc đau đớn, mệt mỏi, sợ hãi, nhưng nhìn bố mẹ nén nỗi đau, cố gắng vui vẻ để trấn an em, em lại thêm động lực.”, Tiên chia sẻ.
4 tháng qua, cứ đều đặn mỗi tuần, mẹ Tiên đều xin nghỉ làm 1 – 2 ngày để cùng em từ Hải Phòng lên Hà Nội truyền hóa chất. Vì Tiên không ngủ được tại viện, nên bà Hà và con gái thường dậy thật sớm, đi xe khách hoặc tàu hỏa lên Hà Nội.
“Những tháng qua, em cảm giác như bố mẹ đang sống chỉ vì em mà thôi. Em muốn ăn gì, muốn đi đâu, bố mẹ cũng chiều em. Sáng bố cùng em đi thể dục, mẹ dậy nấu đồ ăn. Trưa thì bố mẹ thay nhau về sớm vì sợ em ở nhà một mình buồn, tủi thân. Cuối tuần thì bố dành hết thời gian cho em, đưa hai chị em đi dã ngoại để thay đổi không khí. Em cảm thấy mình thật may mắn khi có bố mẹ ở bên!”, Tiên xúc động chia sẻ.
“Ung thư có gì đáng sợ đâu ạ! Bây giờ, sau 4 tháng điều trị, qua 10 mũi hóa trị em đã thấy quen dần với nó. Quan trọng là tinh thần phải thật tốt, thật lạc quan. Em luôn có gia đình bên cạnh ủng hộ nữa mà!”
Cạo trọc đầu đi thi hoa khôi… và ước nguyện đẹp đẽ phía sau
Những ngày đầu tháng 11, Thủy Tiên trở thành cô nữ sinh gây sốt nhất mạng xã hội khi tự tin nộp hồ sơ dự thi “Duyên dáng Ngoại thương 2019” bằng chính bức ảnh đã cạo trọc tóc trong quá trình điều trị ung thư.
“Em tình cờ đọc được nội dung cuộc thi trên fanpage của nhà trường. Em bị thu hút bởi chủ đề năm này: “She is the difference” (tạm dịch: Cô ấy là điều khác biệt). Em nghĩ bất cứ ai sinh ra trên đời đều là một bản thể riêng biệt, và em cũng vậy. Do đó em không ngần ngại đăng kí tham gia”, Tiên chia sẻ.
“Tiên nhận được tin vượt qua vòng hồ sơ khi đang trong ngày truyền hóa chất. Hôm đó lại truyền đến muộn nên hai mẹ con phải cố ngủ lại viện một đêm. Sáng hôm sau về nhà là chưa kịp nghỉ ngơi gì, hai mẹ con ngồi vào tập đàn, khớp bài hát để chuẩn bị cho vòng sơ khảo sau đó đúng 2 ngày.” – bà Hà kể lại.
“Lúc nghe tin em sẽ tham gia sơ khảo trong 3 ngày, bố lo lắng lắm. Bố kêu: “trời đất ơi, sao con không nghe lời bố hả con, sức khỏe con sao chịu nổi lịch thi đó?”. Nhưng thấy em mong chờ quá, nên cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý và cùng em lên trường tham gia.”, Tiên hạnh phúc chia sẻ. “Hành trang bố mẹ chuẩn bị cho em là biết bao đồ ăn, hoa quả. Bố mẹ sợ em mệt quá không chịu được!”.
Trước khi đổ bệnh, Tiên là cô gái rất điệu đà. Sở hữu chiều cao lý tưởng 1m70, gương mặt xinh đẹp và khả năng ngoại ngữ tốt, Tiên hoàn toàn có khả năng tham gia các cuộc thi sắc đẹp. “Thế nhưng, em chưa bao giờ nghĩ đến, em lại đi thi cuộc thi sắc đẹp với chiếc đầu trọc như bây giờ”, Tiên hài hước nói.
“Trước đây em rất xấu hổ nếu mọi người biết em đội tóc giả. Nhưng kể từ khi cạo trọc, em lại thấy yêu bản thân hơn rất nhiều. Em nhận ra, con gái đẹp nhất là khi tự tin, khi mạnh khỏe chứ không phải vì tóc dài hay tóc ngắn hay đầu trọc!”, Tiên tự tin chia sẻ.
“Khi em tham gia cuộc thi này, em muốn hình ảnh của em, câu chuyện của em sẽ khiến các bạn trẻ quan tâm hơn đến chính bản thân mình. Ung thư có thể đến với bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào, bất cứ thời điểm nào chứ nó không phải thứ xa vời.”
“Nhưng nếu mắc ung thư thì chúng ta cũng đừng từ bỏ, phải lạc quan, giữ vững tinh thần để chiến đấu đến cùng. Với em bây giờ, dù chỉ còn một ngày để sống thì cũng phải sống thật ý nghĩa, không để mỗi ngày trôi qua phí hoài…”
Toàn Vũ