Sinh viên ngoại tỉnh năm nhất – Vì sao sớm mất lửa?
Đốt lửa lên và… để tắt
Cầm tờ giấy báo đỗ, các tân sinh viên bước vào giảng đường trong niềm tự hào của cha mẹ, làng xóm. Cùng với những quần áo, sách vở và khoản tiền chắt chiu của gia đình, họ còn mang theo mình rất nhiều những dự định tốt đẹp.
Nguyễn Thanh Ngà (đến từ Thanh Hoá, Học viện Tài chính Kế toán): Trước khi nhập học, tôi đã viết cho mình một kế hoạch chi tiết cho những tháng ngày sinh viên sắp tới. Tôi chuẩn bị tinh thần để xuất hiện trong lớp một cách tự tin, tôi sẽ thể hiện mình là con người hòa đồng như thế nào trong môi trường mới.
Phan Đức Lộc (từ Phú Thọ, ĐH Kiến trúc): Cha mẹ rất tự hào khi tôi trở thành sinh viên Kiến trúc và luôn dặn dò tôi lên thành phố phải cố gắng học tập. Tôi cũng đã tự nhủ mình sẽ học hành thật chăm chỉ để giành được học bổng của trường. Tôi chỉ muốn nhập học thật nhanh để đựơc hoà mình vào không khí của giảng đường, một môi trường cao hơn hẳn những gì tôi đã biết đến ở trường THPT.
Những ngày đầu tiên ngồi học trên giảng đường, bao nhiêu háo hức của họ được chuyển dồn vào những ý tưởng đóng góp cho hoạt động lớp, những tiết học chăm chú nghe và ghi bài, và cả “chính sách ngoại giao” rất cởi mở với những người bạn cùng lớp của mình. Tuy nhiên, sau vài tháng học tập đầu tiên, nhiệt huyết ấy nhanh chóng bị họ cho rơi vào quên lãng. Nhiều sinh viên nhận định rằng trong lớp họ, dần dần những người bạn đến từ tỉnh lẻ hầu như rất ít lên tiếng, và cũng không hào hứng tham gia các hoạt động.
Trần Quốc Đạt (Hà Nội, Học viện Tài chính Kế toán): Không phải ngay từ buổi đầu tiên, nhưng dần dần lớp tôi như chia thành 2 dãy bất di bất dịch: 1 bên là dân Hà Nội, bên kia là những sinh viên ngoại tỉnh.
Những hoạt động văn nghệ “cây nhà lá vườn” của lớp bỗng nhiên không còn thu hút sự quan tâm của họ nữa. Cuộc sống của họ thu hẹp lại. Bên cạnh những người bạn đồng hương cùng hoàn cảnh, những sinh viên ấy vẫn là những con người vui vẻ, thậm chí nghịch ngợm. Nhưng khi bước vào lớp, không ai nhìn thấy những tính chất ấy ở họ nữa. Bản thân những sinh viên này cũng nhận ra rằng nhiệt huyết của họ đối với giảng đường dường như đang dần ngủ quên.
Nguyễn Thu Hiền (Hà Tây, ĐHDL Thăng Long): Mỗi khi lớp tổ chức một hoạt động nào đó và cần đóng góp ý tưởng, tôi không muốn phát biểu, mặc dù trong đầu tôi cũng có những ý tưởng riêng.
Phan Đức Lộc (Phú Thọ, ĐH Kiến trúc): Những ngày đầu tôi còn chăm chỉ ghi chép bài và rất hay phát biểu. Nhưng đến bây giờ tôi thích ngồi yên hơn. Thậm chí tôi đã biết cách trốn tiết như thế nào và cũng chẳng thấy hứng thú gì khi nói đến chuyện lên lớp.
Rõ ràng đã có những thay đổi trong suy nghĩ của những sinh viên ra thành phố học. Tại sao nguồn nhiệt huyết mà họ hằng ấp ủ và được cha mẹ giúp đỡ nuôi dưỡng bao ngày qua lại nhanh chóng bị bỏ quên chỉ sau có vài tháng học trên giảng đường? Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nỗi thất vọng mang tên: giảng đường
Dương Quang Lục (ĐH Ngoại thương): Cảm giác đầu tiên của tôi khi bước vào giảng đường là cảm giác thất vọng. Không như những gì tôi vẫn tưởng tượng về một giảng đường sáng sủa khang trang, rộng thênh thang, có bàn ghế sạch sẽ xếp thành bậc dốc lên… Trường tôi trông không khác gì ngôi trường cấp III. Những phòng học quá cũ kỹ, nước vôi vàng rêu, chật chội, đèn đóm tù mù.
Những sinh viên đang hăm hở đến lớp nhanh chóng nhận ra rằng giảng đường không có tí gì giống những gì họ đã thấy trên phim ảnh, bởi điều kiện vật chất của nhiều trường còn khá khó khăn. Tuy nhiên đó chỉ là cảm giác đầu tiên về hình ảnh. Nó chưa đủ để làm lay chuyển nhiệt huyết của những sinh viên ngoại tỉnh. Điều có tác động lớn nhất đến tinh thần sống và học tập của họ trên giảng đường lại là chính cách sống và học tập của giảng viên và các sinh viên trên giảng đường.
Hoàng Tuyết Nhi (Hà
Những lý do như thế nhận được sự đồng tình của hầu hết các bạn sinh viên mới nhập học. Cá biệt, một số bạn còn cho rằng, nhiệt huyết chẳng để làm gì khi mà chẳng có sự đánh giá công bằng.
Những nỗi thất vọng mang tên giảng đường ấy đã trực tiếp hắt một gáo nước lạnh vào ngọn lửa nhiệt tình mà các bạn sinh viên đã thắp lên cho mình. Và khi lý do xuất phát ngay từ phía giảng đường, thật khó có gì có thể thuyết phục được họ.
Gánh nặng “cơm áo gạo tiền”
Lên thành phố nhập học, những tân sinh viên lần đầu tiên phải tự đối mặt với mọi lo toan cho cuộc sống hàng ngày của mình. Cha mẹ gửi tiền lên, việc tiêu pha chi phí thế nào họ phải tự mình tính toán. Và thế là bài toán sinh hoạt phí lúc nào cũng quanh quẩn trong đầu họ.
Dương Quang Lục (ĐH Ngoại thương): Lần đầu tiên làm thủ quĩ cho chính mình, tôi không biết cách tính toán. Đầu tháng thì rủng rỉnh ăn tiêu, chưa đến cuối tháng đã gần hết tiền, cuống quít không biết lấy tiền đâu ra để sống cho đến khi cha mẹ gửi tiền lên. Thế là ngồi trên lớp mà đầu chỉ lẩm nhẩm xem vay tiền đứa nào hoặc… viết thư xin tiền mẹ thế nào cho khéo!
Sinh hoạt phí là nỗi lo thường trực chiếm phần nhiều suy nghĩ của họ, và cũng không để cho họ có điều kiện tham gia vào những hoạt động của lớp. Những sinh viên như Lục có thể cầm cự trong vài ngày nhờ tiền vay bạn bè để chờ viện trợ từ gia đình. Nhưng cũng có những bạn sinh viên không thể xin thêm tiền cha mẹ và phải kiếm việc làm thêm.
Công việc thì ít, người muốn làm thì nhiều, sinh viên năm đầu đi làm thêm hầu như chịu sự phụ thuộc về thời gian. Nhiều khi đang ngồi trong lớp, bạn cùng phòng lên nhắn chỗ làm đang gọi, lại tất bật chuồn ra khỏi trường. Như thế, quĩ thời gian cho việc học và hoạt động lớp bị thu hẹp lại.
Sự tự ti
Sống và học tập cùng những người bạn thành phố có điều kiện tốt hơn, không ít các bạn sinh viên ngoại tỉnh cảm thấy mất tự tin.
Đặng Ngọc Thuỷ (Thanh Hoá, ĐH KHXH&NV): Chắc chắn là có một chút tự ti. Các bạn ở thành phố có điều kiện sống tốt hơn. Họ cũng biết nhiều thứ hơn. Nhiều khi ngồi nghe họ nói chuyện tôi cũng không hiểu họ đang nói đến cái gì, vì cuộc sống của họ được tiếp xúc với nhiều điều mà tôi chưa biết tới. Vì thế tôi có cảm giác bất cứ điều gì mình nói ra họ cũng đã biết hết rồi.
Nguyễn Thanh Bình (Nghệ An, ĐH KTQD): Họ không phải lo lắng gì cả, họ luôn tươi cười, họ ăn mặc đẹp và hợp mốt. Họ cũng rất hiện đại và tự tin vì trước đó họ có nhiều cơ hội tham gia những hoạt động mới mẻ. Tôi thấy họ luôn nổi bật và xinh đẹp. Nếu tôi tham gia vào các hoạt động của lớp liệu tôi có được chú ý đến không? Hay là tôi sẽ trông rất mờ nhạt bên cạnh họ? Điều đó làm tôi e ngại.
Trong mỗi chúng ta đều có một ngọn lửa của lòng nhiệt tình, của khao khát khẳng định mình và sống tích cực. Với những bạn sinh viên ngoại tỉnh, thậm chí ngọn lửa của họ còn có phần mãnh liệt hơn, bởi đi cùng với họ là ước mơ làm giàu cho quê hương, ước mơ đổi đời cho cha mẹ. Tại sao phải thất vọng? Tại sao phải tự ti? Khi chính những suy nghĩ ấy của các bạn mới là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái gọi là “nỗi thất vọng giảng đường”. Hãy tiếp tục thực hiện những gì bạn đã ấp ủ, đã ước mơ. Phải tiếp tục giữ lửa và làm cháy sáng nó lên!
Theo Đoàn MinhSinh Viên Việt