Hãy đặt niềm tin vào chúng tôi!

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 02/11/2005Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Bạn bè bảo là điên khi biết thời gian rảnh chúng tôi vẫn thường “đóng đô” ở Trung tâm chăm sóc trẻ em bị nhiễm HIV (Tam Bình, Thủ Đức) hay trường Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM) tập ca hát, kể chuyện cùng các em.

Có bạn còn nói thẳng với chúng tôi: “Mấy bà rảnh quá thì ngủ đi cho khỏe. Ưa làm chuyện ngược đời, hay muốn chơi nổi”.

Ngay người yêu của Mai Thảo – một người trong nhóm – nhất quyết phản đối khi Thảo đến chơi với các em ở Trung tâm Tam Bình: “Em đừng có điên như vậy nữa được không, thiếu gì việc để làm sao lại cứ phải đến chăm sóc bọn trẻ nhiễm HIV thế, lỡ chẳng may một vết xước dính máu vào thì làm sao? Tưởng tượng ra cảnh em chơi đùa với bọn nhỏ mà anh rùng rợn cả người”.

Chúng tôi có làm chuyện ngược đời? Có điên không nhỉ? Nhưng chúng tôi thật sự vui và hạnh phúc khi thấy mình thật sự sống có ích, ít ra cũng là với những đứa trẻ này. Những ánh mắt ngây thơ, những gương mặt thiên thần với nụ cười trong trẻo, những bàn tay ấm áp nhỏ xíu xinh xinh, những lời bập bẹ chưa thành câu, những đôi tay lần tìm để rồi khi các em lấy đôi tay mình nắm chặt lấy bàn tay chúng tôi tin cậy. Chúng có tội tình gì? Sao lại không thể yêu thương?

Ra trường với bộn bề lo toan của cuộc sống, với chúng tôi những phút giây  được nghỉ ngơi thật là quý báu. Chẳng còn nữa những sáng Chủ nhật cả nhóm chạy xe từ Phú Nhuận xuống Thủ Đức ẵm bồng, vui đùa cùng các em, cũng chẳng còn những buổi chiều cuối tuần cùng các em trường Nguyễn Đình Chiểu cười nắc nẻ, té lăn quay khi cùng chơi một trận bóng đá. Nhưng ngọn lửa ấy trong tim chúng tôi chưa bao giờ tắt.

Một mình Tú Anh yên vị với công việc ở một công ty liên doanh, còn Mai Thảo nghỉ làm giám đốc phụ trách nhãn hiệu của một công ty nước ngoài “đầu quân” về một tổ chức phi chính phủ với những dự án phát triển xã hội. “Về đây Thảo có cơ hội được cống hiến nhiều hơn”.

Còn tôi từ bỏ TPHCM về Đăk Nông – một tỉnh miền núi mới tách ra còn rất nhiều khó khăn với bao ước mơ, khát vọng. Thêm một lần nữa chúng tôi lại mang danh là những “người điên”. Nhưng ai có nói gì thì nói, tôi cũng đã quyết định lên đường.

Tôi còn trẻ. Hơn 20 tuổi. Mang trong mình trái tim phần nhiều lãng mạn kèm theo tâm hồn bay bổng. Bạn bè tôi đã rất nhiều người ngăn cản: “Mai Thảo đã điên, mày lại càng điên hơn, trong khi thành phố này lại chẳng thiếu việc làm lại sướng cái thân. Chưa nói đến chuyện tới đó thì chẳng ai xứng với mình riết rồi ở giá mất”.

Tôi phì cười. Tận sâu thẳm trong trái tim mình, tôi thấy quyết định chọn Đăk Nông làm nơi dừng chân của mình là đúng đắn.

Đến Đăk Nông tôi mới thấy đâu chỉ riêng nhóm chúng tôi mang trong mình  khát vọng được cống hiến mà còn rất nhiều bạn trẻ có cùng chung suy nghĩ như nhóm bạn Tiến, Danh và Hải đang làm việc yên ổn ở TPHCM “giở chứng” đồng loạt xin nghỉ việc kéo nhau lên Đăk Nông, mỗi người một ngành nghề, công việc khác nhau nhưng cả ba bạn đều cùng chung một quan điểm khi xin về Đăk Nông công tác

“Tuổi trẻ bọn mình vốn rất nhiều tham vọng. Mà tham vọng lớn nhất của tụi mình là muốn nơi đây trở thành một đô thị thật sự năng động và phát triển. Tụi mình nói điều này dựa trên những cơ sở thực tế chứ không phải là những mơ ước viển vông đâu. Tụi mình có tuổi trẻ, có tri thức, có ý chí, ước mơ hoài bão thì việc gì mà không làm được”.

Không phải là lý tưởng nhưng những bạn trẻ tôi gặp ở Đăk Nông đều cùng chung suy nghĩ là được làm việc, đóng góp và cống hiến sức và trí lực mình để xây dựng vùng đất mới. Không ai nói ra nhưng trong tất cả mọi người đều có chút tự hào mình  là những người đi tiên phong trên vùng đất mới này.

Câu khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” với thanh niên Đăk Nông không chỉ là câu khẩu hiệu suông mà còn là một “tôn chỉ để thực hiện và hành động”. Các dự án  đang được triển khai và hoàn chỉnh như dự án xây dựng “Làng thanh niên lập nghiệp bảo vệ biên giới” ở xã Thuận Hạnh – Đăk Song; Dự án “Đưa công nghệ thông tin đến với đồng bào miền núi”… đều do các bạn trẻ thanh niên khởi xướng.

Tuổi trẻ có thể sẽ có vấp váp, sai lầm nhưng hãy đặt niềm tin vào chúng tôi – những người trẻ “dám nghĩ dám làm”, đừng nhìn chúng tụi bằng con mắt “mới ra trường thì biết cái gì”. Hãy tạo cơ hội cho chúng tôi được chứng minh sức trẻ của mình bằng những thành công hiện hữu.

Những người trẻ vẫn còn cần lắm một ánh nhìn thông cảm. Một bàn tay giơ ra. Một lời thách thức đúng lúc có thể thổi vào đấy một luồng sinh khí mới để chúng tôi biết rằng mình được yêu thương để mà cống hiến. 

Theo Trần Ly Tài (Đăk Nông)Tiền Phong