Một chuyện tình cờ nghe được

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 20/04/2006Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Tôi sinh ra ở một gia đình nông thôn, không nghèo nhưng cũng không giàu. Ba tôi mất sớm. Mẹ tôi là một giáo viên cấp I dạy ở trường xã. Và tôi luôn tự hào về cái gia đình ấy. Tôi học giỏi. Nhất là những môn xã hội. Năm lớp chín tôi đạt giải khuyến khích văn quốc gia. Mà tôi lại thi khối D. Đỗ những ba trường liền. Cả xã có một mình tôi, cả huyện thì có đúng hai người. Mẹ và dòng tộc nội ngoại của tôi vui mừng lắm.

 

Khi nhập học, tôi được xếp ở trong ký túc xá. Hà Nội, cái gì cũng làm tôi bỡ ngỡ. Tuy không được học bổng song điểm số khá cao. Nhưng đời sinh viên của tôi không hề yên bình như thế. Nó bắt đầu từ khi tôi đem lòng thích một bạn gái học cùng lớp người Hà Nội. Bạn ấy học rất giỏi.

 

Nhưng cũng vì cái tình cảm đó mà tôi mới nhận ra tôi và một số bạn trong kí túc xá có những điểm không giống những bạn người Hà Nội hoặc những bạn ở các thành phố lớn. Đó là sự khác biệt từ những bộ quần áo chúng tôi mặc. Tôi chỉ mặc những chiếc áo mỏng, sợi vải cứng và luôn bị xù lông lên sau những lần giặt. Còn các bạn khác thì mặc những chiếc áo sờ vào thấy mát lạnh, sợi vải đều nhau và không bao giờ bị xù lên cả. Tôi biết rằng tôi phải bỏ ra một số tiền gấp năm lần thế nữa mới có những chiếc áo như vậy.

 

Rồi tôi thấy để được đi lên hồ Tây hoặc ra hồ Gươm thì chúng tôi phải chạy đôn đáo để mượn được những chiếc xe đạp Trung Quốc cũ kĩ, trong khi, một số bạn cùng lớp tôi không những đi học bằng xe máy, mà thậm chí có bạn còn mang điện thoại di động đến lớp. Tôi còn biết thêm rằng, một bông hồng để tặng bạn gái mà tôi thích cũng đáng giá một ngày ăn của chúng tôi, chứ chưa nói có thể có tiền mời bạn ấy một ly cafe ở một cái quán nào đó, thậm chí là ở một cái quán  rất nhỏ.

 

Từ năm thứ hai trở đi tôi liên tục bị thiếu tiền. Mỗi lần gửi tiền cho tôi, mẹ tôi phải bán, khi thì một chuồng gà, khi thì hai con lợn. Ở nông thôn, đấy là cả một cơ nghiệp. Tôi càng ngày càng thấy thiếu. Và một lần, tôi để ý ở cổng trường người ta thường lúi húi túm năm tụm ba mỗi khi có kết quả xổ số. Khi ấy tôi biết rằng chỉ cần bỏ ra hơn chục ngàn để mua một nửa điểm lô thì tối sẽ có cơ hội sở hữu cả mấy chục ngàn bạc. Tôi đã thử. Thật trớ trêu thay, cờ bạc đãi tay mới, ngay lần đầu tiên ấy, tôi đã trúng lô. Được mấy chục ngàn bạc, tôi kéo cả phòng đi ăn ốc và uống rượu. Từ ấy tiền mẹ gửi cho, tôi nướng hết vào những con số.

 

Và cũng từ ấy, tôi bắt đầu nếm trải thế nào là cấm thi, là thi lại, là học lại. Phòng tôi ở trong kí túc xá, cũng có những đứa như tôi. Thậm chí, trong phòng bắt đầu có người bị  mất cắp đồ đạc, vật dụng. Phòng bên cạnh còn có đứa bị trường đuổi học vì tội ăn trộm xe trong bãi gửi. Ơn trời, tôi không hề ăn cắp của ai khi ấy, mặc dù có những lần hết tiền buổi trưa phải đắp chăn nhịn đói để buổi tối ăn gói mì tôm.

 

Nhưng tôi cũng phải đi đến hiệu cầm đồ để cầm những thứ mà mẹ mua cho tôi, xe đạp, đồng hồ. Tất nhiên, tôi đã tìm mọi cách xin thêm tiền gửi từ nhà. Đó là những khoản tiền bịa ra cho việc học thêm, làm bài luận, thậm chí, tiền mua sách giáo khoa cũng bị khai thêm. Không biết có ai hiểu được tôi cảm thấy day dứt như thế nào mỗi khi về quê xin tiền. Nhìn mẹ càng ngày càng già đi thì lòng quặn lại. Tôi không dám về nhà nữa. Tôi sợ khi phải đối diện với mẹ. Vậy là tôi chỉ viết thư về nhà xin tiền mỗi khi hết tháng.

 

Điều tồi tệ đã xảy ra, cô bạn gái tôi thích chẳng hề thích tôi. Vậy là buồn, là chán, tôi lại kết thân với những đứa bạn có hoàn cảnh như tôi. Trong đó có một thằng quê ở Thanh Hoá. Chính nó là người đã rủ tôi đến một sai lầm đầu đời.

 

Tôi với nó mỗi thằng quyên vào hơn tám mươi ngàn, sang Cầu Giấy thuê một chiếc xe máy tàu, nhãn Loncin gì đó, phóng bạt mạng lên đường Giải Phóng. Khá dễ dàng, chúng tôi thấy lố nhố ở đường tàu một toán các cô gái đứng đường. Không cần nhiều câu qua lại, tôi và nó chọn ngay hai cô cao ráo nhất hội. Họ chỉ cho chúng tôi vào một nhà nghỉ ngay cách đấy khoảng nửa cây số. Hôm ấy say rượu, mặc dù vẫn biết là phải dùng bao cao su, nhưng tôi không nhớ nổi là có dùng đúng cách không. Sau lần ấy tôi ân hận ghê gớm về chuyện này.

 

Tôi quyết định phải kiếm thêm tiền. Vì tôi lờ mờ hiểu rằng mình cần phải dừng lại ngay mọi chuyện. Ban đầu tôi đi dạy gia sư và đi phát tờ rơi quảng cáo nữa. Tiền không được nhiều, chỉ thấy sức học ngày càng kém đi do mất nhiều thời gian quá. Đi làm thêm, đó cũng là lí do tôi ra ngoài trọ học.

 

Ngay khi đó thì internet bắt đầu tràn vào Hà Nội. Những cụm từ như “Trang web”, “Nick name” thu hút tôi ghê gớm lắm. Vậy là có hôm bỏ cả học đi chat. Chat thâu đêm. Tôi thì không ham bóng đá hay trò chơi điện tử nhưng lại ham chat. Tôi viện cớ là tôi lên mạng tìm kiếm thông tin. Kì thực, chỉ toàn những chuyện tán gẫu lung tung. Tôi không còn đủ sức đi làm thêm nữa. Tôi lại quay vào đánh lô và nhịn đói như trước đó mấy tháng.

 

Từ những lần chat đêm, tôi quen một cô nàng. Nàng cũng là sinh viên. Chúng tôi qua lại với nhau. Nhà trọ, bạn biết đấy, đó là nơi bạn có thể làm bất cứ thứ gì bạn muốn. Và chúng tôi đã dọn hẳn về ở cùng với nhau. Hai con ốc, và vô số mảnh rêu. Chẳng thể biết chúng tôi gắn bó với nhau vì cái gì. Đó là những tháng ngày sống trong căng thẳng. Phần lo học hành cho năm cuối, phần sợ bị gia đình phát hiện chúng tôi sống chui lủi ở một khu trọ gần Mai Dịch.

 

Thế mà tôi cũng tìm được lý do để xin mẹ tôi một cái xe máy, dù chỉ là cái xe máy Trung Quốc. Tôi nói rằng tôi cần phải có phương tiện đi lại thì tôi sẽ xin được làm cho một công ty TNHH.

 

Nàng có thai, tôi mới cuống cuồng. Tôi lúc ấy vừa hoảng sợ, vừa tuyệt vọng, tôi đành cầu cứu gia đình. Mẹ tôi ngất lên ngất xuống khi nghe con như thế. Tôi thú nhận tất cả. Mẹ tôi phải xuống Hà Nội. Và một giải pháp được đưa ra, phải bỏ đi cái thai ấy. Nàng đồng ý, vì chúng tôi sắp thi tốt nghiệp. Sau đó, được vài tháng, khi chúng tôi sắp ra trường thì nàng cũng nói chia tay tôi. Lý do thật đơn giản, tôi không phải là người nàng cần.

 

Cũng may, tôi vẫn ra được trường, mặc dù bị treo bằng vì còn nợ môn mất bốn tháng. Mẹ tôi phải ăn chực nằm chờ để lôi tôi về nhà.

 

Rồi cũng lại mẹ đi lo cho tôi được vào một cơ quan, đúng chuyên ngành của tôi. Bà  phải cầm cố cả căn nhà chúng tôi ở để có tiền chạy việc cho tôi. Cũng may, nơi tôi làm việc lương không cao nhưng tầm ảnh hưởng của vị trí việc làm của tôi lớn. Tôi kiếm được khá nhiều tiền, những đồng tiền không phải đến từ bảng lương của một cử nhân như tôi.

 

Không phải tôi không có người để tôi trân trọng, đó là một cô gái, mà tôi đã định cưới làm vợ. Một cô gái nết na, biết sẻ chia và tha thứ. Nhưng vốn là một con người không có nghị lực, tôi lại lừa dối cố ấy, lao vào những cuộc ăn chơi mới. Tôi luôn sống bằng hai con người, một bên là một con người biết hối cải với quá khứ, ngoan ngoãn trong vòng tay của mẹ tôi và cô ấy. Một con người thi thoảng lại lừa dối tất cả bằng những cuộc đi công tác dài ngày nhưng thực chất đang tay trong tay với một người đàn bà trẻ. Cho đến khi tôi tự nhiên bị sút cân. Đó là vào khoảng thời gian hơn năm năm từ khi tôi rời trường đại học.

 

Rồi như tôi nói ban đầu, tôi biết tin tôi bị AIDS đúng vào ngày cưới. Chính xác hơn là ngày hôm trước của lễ thành hôn. Tôi phải trả giá cho nỗi đau ấy bằng cái chết của mẹ tôi. Mẹ bị nhồi máu cơ tim vì sốc. Lúc ấy, tôi vừa xây xong một ngôi nhà cho mẹ tôi, tôi treo ở đó  bức “phướn” về những lời răn to tướng: “Bi ai lớn nhất của đời người là không vượt qua được chính mình”.

 

Ngày mai thôi, vâng, từ giờ cho tới khi tôi chết, tôi sẽ mỗi ngày mua một bức răn để treo trong ngôi nhà tôi xây cho mẹ tôi đó. Như thế, biết đâu mẹ tôi bớt đau hơn.

 

Các bạn ạ, tôi không biết viết thành chuyện như thế nào những điều mà tôi vừa nghe trên đây. Tôi chỉ biết ghi lại nguyên văn những gì người thanh niên đó đã kể. Tôi gặp anh trong một lần tới câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” của thành phố, nơi anh là chủ nhiệm câu lạc bộ.

 

Tôi cũng đã thắp một nén hương trong ngôi nhà anh ấy vừa xây cho mẹ. Những vòng nhang cứ cuộn lấy tấm di ảnh của một người đàn bà có khuôn mặt phúc hậu nhưng nhiều nếp nhăn so với cái tuổi năm chín của bà. Biết đâu ở dưới ấy, bà đang dần vơi đi nỗi đau khi mỗi một ngày bà được nhìn thấy những gì mà con trai bà đang làm một cách cố gắng và vội vã trước lúc sắp rời xa cuộc đời.

 

Theo Hạnh LêSinh Viên Việt Nam