Những bà mẹ sinh viên

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 10/08/2006Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Vì không thể đứt gánh dùi mài kinh sử nửa chừng nên trong số họ vẫn có những ông bố bà mẹ tiếp tục đến trường mang theo cả gánh nặng gia đình con cái.

Những kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

Đang học năm thứ ba nhưng M đã khiến cho nhiều bạn bè lẫn các đối tượng si mê ngã ngửa khi tuyên bố sẽ cưới chồng sau khi kết thúc học kỳ.

Bạn bè M không thể nghĩ rằng cô bạn lúc nào cũng nhí nhảnh như trẻ con của mình lại có thể bỏ cuộc chơi trong quãng tuổi đẹp nhất của đời con gái. Nguyên nhân chính là do khi bắt đầu lên thành phố học, M đã được một anh cùng làng làm công nhân ở Hà Nội bao bọc.

Để trả cho những món tiền học phí, tiêu vặt cũng như ăn uống mà anh ta đã bỏ ra, M đã sống cùng nhà trọ và chấp nhận tình yêu xuất phát từ dựa dẫm nhiều hơn là tình cảm của mình.

Đến năm thứ ba thì anh chàng người yêu muốn được cưới sớm cho chắc ăn, vì M ngày càng đẹp gái và có nhiều chàng trai thành phố giàu có để ý.

Ban đầu, M cũng không đồng ý vì còn dang dở việc học hành, nhưng anh chàng người yêu một mặt không muốn “phòng ngừa” trong những lần tình cảm với nhau, mặt khác hứa lên hứa xuống rằng cưới xong M vẫn được tiếp tục đến trường để hoàn thành việc học của mình. Bị dồn ép và nhất là khi phát hiện mình đã có thai M đành chấp nhận cưới vô điều kiện.

Những trường hợp như M không còn hiếm đối với các sinh viên hiện nay. Đặc biệt khi xã hội có vẻ ít đả kích gay gắt cảnh sống thử, trào lưu góp gạo thổi cơm chung của giới sinh viên thì hiện tượng cácbà mẹ trẻ là sinh viên có chiều hướng gia tăng.

Nhiều sinh viên khi đến với nhau đều quan niệm rằng đã yêu thì không có giới hạn, là thuộc về nhau tất cả. Do đó, việc sống thử hay góp gạo thổi cơm chung chỉ là hình thức giúp đỡ nhau khỏi vất vả vì cuối cùng họ cũng sẽ cưới nhau.

Khi sống trong tình yêu, họ không hề nghĩ đến những cản trở cũng như vất vả sau khi rời khỏi trường đại học đang chờ đón. Bên cạnh những sinh viên bị dồn ép cưới như M còn có những sinh viên tự nguyện cưới, chấp nhận vừa làm mẹ vừa đến trường.

Đa số sinh viên này đều là người tỉnh lẻ có giấc mộng sẽ ở lại thành phố sau khi ra trường. Muốn thực hiện được ước nguyện đó chỉ còn cách là yêu các anh chàng có hộ khẩu thành phố và nhanh chóng đưa họ vào cạm bay của tình yêu sau đó chấp nhận những đám cưới khi ngồi trên ghế nhà trường.

Nhưng dù đứng ở góc cạnh nào thì việc vừa làm vợ vừa làm mẹ song song với việc tiếp tục học là một thử thách lớn đối với các nữ sinh viên đã lỡ theo chồng.

Gian nan những bà mẹ trẻ đến trường

Cuối năm thứ ba cưới thì giữa năm thứ tư của khóa học, M đã làm mẹ. Việc bụng mang dạ chửa đến trường đã khiến M gặp không ít khó khăn và điều này càng trở nên khủng khiếp hơn khi cô có con nhỏ.

Những buổi đến trường qua quít, những buổi thi lòng như lửa đốt vì con ốm đã trở nên như cơm bữa đối với M. Chồng là công nhân có thể kiếm tiền xông xênh cho hai người trẻ nhưng khi đã thành một gia đình thì không phải là dư dật.

Việc học để có được cái nghề sau này còn kiếm việc làm phụ chồng nuôi con đã trở nên cần thiết với M hơn bao giờ hết khi cô phải giải bài toán chi tiêu cho gia đình.

Vả lại cũng gần ra trường chẳng lẽ lại bỏ đi thì quá phí đang đại học lại bỏ ngang làm công nhân như chồng cũng không thể nên duy nhất chỉ còn việc tiếp tục theo học. Vì cả hai vợ chồng đều người tỉnh lẻ nên khi cưới nhau vẫn phải thuê nhà để ở.

Căn nhà trọ quá nhỏ không thế đủ chỗ cho mẹ chồng hay mẹ vợ lên sống cùng trông con giúp để M tiện việc học. Cách xoay xở duy nhất là buổi nào M đến trường thì chồng phải nghỉ làm ở nhà trông con hoặc gửi thuê bà hàng xóm những lúc cần thiết.

Từ một cô sinh viên nhí nhảnh chỉ trong vòng một năm M đã trở thành một bà mẹ trẻ tiều tuỵ, lao đao giữa việc học lẫn việc nhà vì chưa có kinh nghiệm.

Tương tự, K cũng trở thành mẹ trẻ bất đắc dĩ khi đang học năm thứ ba. Nguyên nhân là một lần mẹ K lên chơi đã chứng kiến cảnh con gái mình sống như vợ chồng với một nam sinh viên khác.

Còn mang nặng tư tưởng trinh tiết nên mẹ K nhất định bắt con gái phải cưới nếu muốn tiếp tục yêu nhau. Khổ nỗi, cả hai cũng yêu nhau thật lòng nên K không còn cách nào khác là đành thuyết phục người yêu về năn nỉ bố mẹ cho cưới.

Đám cưới được diễn ra làm yên lòng các bậc cha mẹ nhưng lại là thử thách lớn đối với cả hai. Ban đầu hai người cũng định có kế hoạch sau khi học xong kiếm được việc làm mới có con.

Nhưng K vẫn có thai ngoài ý muốn, khổ nỗi lúc còn yêu cả hai đă lỡ đi giải quyết mấy lần nên lần này không dám vì sợ để lại hậu quả xấu sau này. K đành chấp nhận làm mẹ giữa chừng của khóa học.

Cũng may, nhà trường thông cảm cho nên cô cũng qua được các kỳ thi học kỳ nhưng đến cuối năm phải thực tập, làm báo cáo tốt nghiệp thì khó khăn chồng chất đến với hai người. Mặc dù được cha mẹ hai bên giúp đỡ bằng cách trông con hộ cho nhưng phần kinh tế thì hai người phải tự lo.

Làm thế nào để vừa có tiền đi học vừa trang trải được chi tiêu của gia đình, K và chồng dường như không có ngày nghỉ ngoài thời gian buộc phải đến lớp. Khó khăn chồng chất, hạnh phúc của họ ngày càng xuất hiện những cuộc cãi vã thầy cho sự lãng mạn của tình yêu trước đây.

Với H dù đã lường trước được những khó khăn mà mình sẽ phải chấp nhận khi phải làm mẹ giữa chừng của, khóa học nhưng cô vẫn không thể ngờ được thực tế lại khác đến thế. Vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó và không muốn quay trở về quê sau khi ra trường.

H đã chấp nhận có thai với anh chàng người yêu thành phố và chấp nhận cưới. Ngoài sự khó khăn khi tiếp tục thực hiện việc học của mình, H còn gặp phải trở ngại khác đó là sự coi khinh từ phía nhà chồng.

Chồng H là con trai một được chiều chuộng từ nhỏ nên việc thuyết phục bố mẹ cưới không khó khăn nhưng gia đình chồng cô thì lại không hề mong muốn  một cô con dâu bụng vượt mặt trước khi về nhà chồng.

Với họ, việc chấp nhận H là vì đứa trẻ hơn vì cô do vậy trong con mắt người thân của chồng M luôn gặp phải những dè bỉu lẫn ánh mắt coi thường. Những lần nhờ vả mẹ chồng trông hộ con để đi học là mỗi lần cô phải nghe những lời như xát muối vào mặt.

Rõ ràng chuyện làm mẹ khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường là một thách thức vô cùng lớn đối với các nữ sinh viên. Nhưng điều đáng nói, nhiều nữ sinh viên vẫn xem đây là một hiện tuợng xã hội bình thường vì luật pháp cũng như nhà trường không hề cấm họ kết hôn và có con khi đi học.

Cộng với lối sống buông thả thậm chí thác loạn của họ đã dẫn đến việc có con ngoài ý muốn, để rồi phải tay xách nách mang chuyện con cái, học hành vô cùng khó khăn, dẫn đến hạnh phúc gia đình gặp nhiều sóng gió không kém.

Theo Phụ Nữ