Kiến Thợ và giấc mơ “bantaydacam.com”
Trần Hoàng Anh, cô gái trẻ măng có biệt danh “Mèo điên” là người phụ trách khâu thiết kế sản phẩm thêu của nhóm và cũng là “linh hồn” của Kiến Thợ dẫn tôi đến làng SOS Hữu Nghị, nơi mà nhóm đang tổ chức lớp đào tạo tay nghề thêu và cũng kiêm luôn “đầu ra” cho những sản phẩm mà các em làm ra. Hoàng Anh cho biết, đây là dự án do nhóm Kiến Thợ thực hiện với mục đích hỗ trợ những em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam.
“Dự án này không chỉ đào tạo các em có được kỹ năng thêu hoàn hảo mà còn cung cấp mẫu thêu để các em có thể trực tiếp làm ra sản phẩm để tiêu thụ trên thị trường. Và qua đó, cũng tạo điều kiện để các em tái hòa nhập với cộng đồng”, Hoàng Anh hồ hởi kể.
Tại khu vực thêu tại làng Hữu Nghị, gần hai chục em đang chăm chú vào từng đường kim, mũi chỉ trên bàn thêu. Dưới những bàn tay run run vì ảnh hưởng của chất độc, những bức tranh sống động vẫn hiện ra mang đủ nét tinh tế của người thợ thêu chính hiệu.
Các em trong tổ thêu này đến từ khắp nơi trên đất nước. Lầu Thị Hà, cô bé người Lào Cai có mặt ở làng Hữu Nghị đã hơn 2 năm nay thoăn thoắt cùng bạn hoàn thành nốt bức tranh Chùa Một Cột, Hà bẽn lẽn nói về mong ước của mình: “Em muốn có tay nghề thêu thật tốt để có nhiều sản phẩm thật đẹp”.
Nói về sự ra đời của nhóm Kiến Thợ, Hoàng Anh tâm sự: Ý tưởng này bắt đầu từ sự giúp đỡ của cộng đồng tình nguyện tại làng Hữu Nghị mùa hè 2005. Kiến Thợ ngày hôm nay là sự nỗ lực của cộng đồng tình nguyện trên địa bàn Hà Nội, nó chứng minh cho sự hiệu quả của hoạt động tình nguyện và khao khát đóng góp của tuổi trẻ.
Sau một thời gian thực hiện dự án, ngày 25/8 vừa qua, nhóm đã tổ chức triển lãm các sản phẩm thêu của các em nhiễm chất độc da cam và ra mắt trang web www.bantaydacam.com.
Tại triển lãm, hơn 100 sản phẩm như vỏ gối, khăn mùi xoa, ví, túi xách… với những đường thêu khá tinh tế được thực hiện bởi những bàn tay bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam đã được “trình làng”. Hầu hết những người tham quan triển lãm đều khâm phục nghị lực của các em. Để hoàn thành những sản phẩm thêu như thế, các em phải nỗ lực rất lớn và thời gian để hoàn thành một sản phẩm thêu đơn giản cũng kéo dài hơn rất nhiều so với những người bình thường.
Chia sẻ về những khó khăn, trưởng nhóm Lê Hùng, thành viên nam duy nhất của nhóm bộc bạch: “Bọn em cũng phấn khởi về bước đầu dự án “Bàn tay da cam” đã có kết quả tốt. Tuy nhiên, cái khó nhất chúng em gặp phải là nguồn tài chính để quay vòng vốn nhằm duy trì và phát triển việc sản xuất cho các em ở đây. Từ việc tìm kiếm nguyên liệu, thiết kễ mẫu đến việc gia công sản phẩm, hầu hết các thành viên của nhóm Kiến Thợ vẫn đang đảm nhiệm hoặc từ các cơ sở bên ngoài nên chưa có tính ổn định cao.
Ước mong lớn nhất của bọn em bây giờ là tìm được một nguồn hỗ trợ tài chính trong thời gian đầu để dự án “Bàn tay da cam” có thể hoạt động thực sự hiệu quả và lâu dài”.
Ngoài gian trưng bày sản phẩm của các em tại làng Hữu Nghị, hiện nay, Kiến Thợ cũng đã liên hệ được một cơ sở để trưng bày và bán các sản phẩm của các em tại 42 Hàng Giầy và bán hàng qua chính trang web www.bantaydacam.com.
Với mục đích mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho những con người kém may mắn, Kiến Thợ đang cố hết sức mình để giúp các em biến ước mơ thành hiện thực, giúp các em vươn lên chiến thắng số phận. “Kiến Thợ mong nhận được sự ủng hộ của mọi người. Chỉ cần một tấm lòng, một chút quyết tâm và chút ít thời gian rảnh rỗi là chúng ta có thể giúp các em biến ước mơ thành hiện thực.
Trong tương lai, Kiến Thợ hướng tới thành lập một cơ sở sản xuất chính thức với tư cách pháp nhân rõ ràng để có thể chính thức tuyển dụng các em, tạo công ăn việc làm ổn định để các em hoàn toàn có thể tự nuôi sống bản thân mình”, đó là mong muốn và hướng phấn đấu tiếp theo của những bạn trẻ – những chú Kiến Thợ.
Đức Hòa