Nữ sinh săn tình
H. bảo rằng: “Chỉ những người đàn bà đoan trang đức hạnh kiểu cổ lỗ thì mới thích bước vào trái tim đàn ông theo lối cổng chính, còn lại người ta ưa đột nhập vương quốc yêu đương theo những lối mòn. Càng chênh vênh, mạo hiểm, càng dạn dầy bản lĩnh”.
Chẳng hiểu vì vẻ đạo mạo, mực thước của một ông thầy dạy Triết học hay đơn giản vì vợ thầy còn đang mải mê nghiên cứu khoa học mãi tận trời Âu mà trái tim bạo liệt của H. động lòng trắc ẩn. Chỉ biết rằng trong con mắt bạn bè, H. nhập vai hoàn hảo, đích thực cô là con gái nuôi của người đàn ông xa vợ.
Sớm tối qua lại đỡ đần, lối xưng hô ba con tự nhiên, nhuần nhị đến nỗi chẳng những miệng lưỡi thế gian không hề đàm tiếu mà ngay cả người trong cuộc là người thầy đáng kính kia cũng chẳng mảy may cảnh giác, đề phòng.
Cứ thế người cha nuôi tận tuỵ “đỡ đầu” H. qua mọi cửa ải học hành, thi cử cho đến khi người vợ của của ông ở bên kia biết chuyện thì cũng là lúc H. ngạo nghễ tuyên bố với bạn bè rằng: trái tim khổ hạnh của anh ấy đã trúng mũi tên thần tình yêu.
Mặc cho gia đình xỉ vả, H. câm lặng. Bạn bè khuyên can, cô chỉ cười cợt: “Chốn địa đàng chứ có phải đình chùa, miếu mạo nhà ai mà phải phép tắc! Với lại cũng phải cho trái tim già nua, cằn cỗi của anh ấy hiểu cuộc sống đâu chỉ được thiết lập bởi những dấu bằng (=) định mệnh. Đôi khi người ta còn mềm hoá nó bằng những dấu tương đương nữa chứ”.
Phải chừng hơn một năm trời sau đó người đàn ông kia mới bứt ra khỏi cõi mê cuồng. Nhìn gia đình của thầy nỗ lực hàn gắn sau cơn chao đảo, H. vẫn cười tinh quái: “Thôi thì, ta sẵn lòng nới vòng tay nhân ái”.
Những cô gái như H., đã xinh đẹp lại thêm tài hùng biện thì một chút ê chề vì ngã ngựa trên đường tình duyên cũng chẳng đáng gì. Đằng này sau chuyện phiêu lưu ấy, cô đã giành được tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, chỉ cần chờ người ta tuyển dụng vào một cơ quan nhà nước nào đấy, sang trọng có kém ai.
Tuy nhiên, trong đám bạn bè vẫn có người chê H. là dại. Chí ít ra cũng phải xong cái hợp đồng ngầm: công ăn việc làm đâu vào đấy mới làm thủ tục “bye anh già” chứ. Như cái T. ấy, yên vị ở lại làm giảng viên rồi mới sụt sùi đến cám ơn, rằng em trân trọng tình cảm của thầy lắm nhưng còn cô và các em của thầy, em không thể.
Hay như cái N. cũng vậy, xoay sở thế nào mà từ cô sinh viên trả nợ hai năm mới được ra trường, giờ nghễu nghện thành bà chủ cai quản cả mấy đại lý Nokia. Thỉnh thoảng gặp thầy cũ qua điện thoại, giọng oanh vàng của N. vẫn thỏ thẻ rưng rưng: “Ơn thầy biết bao giờ em mới trả được, cũng là cái số em nó chẳng ra gì, xin thầy đừng nghĩ ngợi”.
H. thừa nhận, so với những “chiêu hạ cánh” như thế cũng chẳng còn mấy mới mẻ, thú vị, bởi H. vốn chúa ghét sự lặp lại. Đã không phát kiến thì thôi, dẫm lên vết chân cũ, thà tự chôn vùi còn đỡ hổ thẹn. Cô rỉ tai với đám bạn bè: Đợi đấy, đường tình còn khối nẻo cho các “nhà thám hiểm”!
Theo Chi AnhNgôi Sao