Một mình sơn nữ chống lại lâm tặc
“Khắc tinh” của lâm tặc
Vùng “tam giác voi” Nà Thao, Nà Cau thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam chính là nơi Vi đang thu thập bằng chứng về những vụ tàn phá rừng. Đứng cạnh bãi đá Mài thuộc tiểu khu 554, 555, Hoài Vi chỉ tay về phía hàng trăm phách gỗ chò đường kính trên 50 cm, được lâm tặc tập kết chuẩn bị đưa ra khỏi rừng nằm ngổn ngang chắn cả lối đi. “Đây mới chỉ một phần nhỏ của các bãi gỗ nằm sâu trong rừng Nà Thao với hàng nghìn mét khối bị chặt hạ một cách công khai…”, cô nói.
Bám theo vệt bánh xe trâu, vượt qua con dốc dựng đứng thêm 2 giờ lội bộ, cả một khu vực rừng rộng lớn, cách đây chừng 10 năm còn là “thủ phủ” của đàn voi sinh sống, giờ đây như một công trường khai thác gỗ. Những thân chò đường kính hơn 1,2m bị chặt hạ nằm ngổn ngang. Tiếng cười nói, tiếng cưa xẻ gỗ làm náo loạn cả một góc rừng hoang vắng. Từng nhóm người ung dung cưa xẻ gỗ. Hoài Vi bảo nhỏ: “Không được chụp ảnh, nếu ai hỏi đi đâu, anh để tôi trả lời là đi tìm trâu lạc…”.
Không thể ở lại lâu trong rừng vì sợ nguy hiểm, Hoài Vi cắt rừng về khu vực Nà Cau. Đúng như dự đoán, suốt trên quãng đường hơn 2 giờ đi bộ xuyên rừng đều có người bám theo. Ra khỏi cửa rừng mới hiểu thế nào là sự hiểm nguy với Hoài Vi từ những kẻ phá rừng.
Nhìn cảnh bất bình diễn ra giữa miền sơn cước, cô sơn nữ này quyết định một mình âm thầm mượn máy ảnh, thuê máy quay phim… để vào rừng. Hoài Vi trăn trở: “Người ta vận chuyển gỗ cả ngày lẫn đêm bằng các loại xe cơ giới về xuôi, chính quyền biết, kiểm lâm biết, dân biết nhưng chẳng ai dám ngăn cản…”.
Hành trình đi kiện giữ rừng
Sinh ra và sống giữa rừng cùng ba mẹ trong lán trại nhỏ ở vùng rừng Nà Cau, Hoài Vi luôn tâm niệm: “Rừng đối với tôi là nguồn sống, là hơi thở. Vì vậy tôi quyết tâm bảo vệ rừng…”. Cô kể, chiều 10/12 năm ngoái, khi phát hiện một xe chở gỗ lậu ngang qua nhà về xuôi, lập tức cô điện báo cho Công an huyện Tiên Phước kiểm tra. Sau khi bắt giữ, công an kết luận đây là gỗ khai thác trái phép, quyết định giữ tang vật và chuyển cho Hạt Kiểm lâm Tiên Phước xử lý theo thẩm quyền. Khi tiếp nhận vụ việc, Hạt Kiểm lâm chỉ xử phạt hành chính và tịch thu 1,5 m3 gỗ xẻ thành phẩm rồi cho xe đi.
Không chấp nhận với cách xử lý của Hạt Kiểm lâm Tiên Phước, Hoài Vi tiếp tục điện báo cho Hạt Phúc kiểm lâm sản Nam Quảng Nam đóng tại Tam Kỳ. Chiếc xe chở gỗ lậu bị bắt và bị tịch thu hơn 14m3 gỗ xẻ thành phẩm còn lại. Trở về nhà Vi bàn với ba là phải làm điều gì đó để giữ rừng. Như hiểu được ý con gái, ông Lâm Quang Minh âm thầm ủng hộ việc làm của con. Hoài Vi xin tiền ba khăn gói lên tỉnh báo cáo với các cơ quan chức năng.
Trở về sau chuyến đi tỉnh đầu tiên vào tháng 1 để báo cáo với các cơ quan chức năng, Hoài Vi mượn máy ảnh của bạn rồi âm thầm cải trang một mình vào rừng chụp ảnh các bãi gỗ, các khu rừng đang bị chặt phá: “Nếu không chụp ảnh để làm bằng chứng thì nói ai nghe…”, cô gái này tâm sự.
Sợ hình ảnh không đủ thuyết phục, Hoài Vi bàn với ba là phải quay phim toàn bộ cảnh phá rừng, khai thác gỗ. Được ba ủng hộ và sự giúp sức của người bạn thân tại Tam Kỳ, cuối cùng Hoài Vi cũng thuê được chiếc máy quay phim du lịch trong ba ngày với giá 150.000 đồng. Thuê được máy, cô liền chuẩn bị cho chuyến vào rừng để quay lại toàn bộ cảnh phá rừng tại Nà Thao.
Chứng cứ bằng hình ảnh và băng hình cảnh rừng tan nát được gửi cho các cơ quan chức năng ở tỉnh và huyện. Cuối cùng Công an huyện đã vào cuộc và mời Hoài Vi xuống cùng hợp tác để điều tra. Phó chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Đốc cho biết, đơn thư tố cáo của cô Lâm Hoài Vi là đúng sự thật. Huyện xem đây là vụ án trọng điểm của năm 2007 và đích thân chủ tịch huyện chỉ đạo, giám sát quá trình điều tra. Huyện đang lập hồ sơ để khen thưởng cô gái dũng cảm Lâm Hoài Vi.
“Tôi chỉ ước mong các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh kịp thời can thiệp, đừng để rừng tiếp tục bị tàn phá, để không còn cảnh đàn voi dữ mỗi năm về tàn phá xóm làng…”, Hoài Vi tâm sự.
Theo Tuổi Trẻ