25 tuổi vẫn chưa thành người lớn
Trong một cuộc khảo sát trên mạng mới đây với 392 sinh viên và 590 bậc phụ huynh của họ, với câu hỏi: Ở tuổi nào bạn trở thành người lớn và bằng cách nào bạn biết điều đó?
Chỉ có 16% các bà mẹ và 19% các ông bố thừa nhận con của họ ở tuổi này đã trưởng thành. Và bọn trẻ cũng không phủ nhận điều đó: chỉ 16% coi mình đã thực sự lớn.
Nghiên cứu – sẽ công bố trên tạp chí Family Psychology số tháng 12 này – tìm hiểu các sinh viên ở 5 trường đại học khác nhau.
Hầu hết các bạn trẻ đồng ý với cha mẹ rằng người nào chịu trách nhiệm cho hành động của mình và có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt thì được xem là người lớn. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ thì nhấn mạnh hơn về việc làm người lớn không nhất thiết là phải say rượu và lái xe an toàn.
“Có thể, đó là dư âm rơi rớt lại của thời niên thiếu”, nhà nghiên cứu cuộc sống gia đình Larry Nelson, từ Đại học Brigham Young, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định. Nhiều đứa vẫn uống rượu hay lái xe một cách vô trách nhiệm như khi còn học trung học, ông nói.
Việc tuổi thọ được kéo dài đã tạo ra nhịp độ trưởng thành thong thả hơn, Maryse Richards, một chuyên gia về tâm lý thanh thiếu niên tại Đại học Loyola ở Chicago, cho biết. “Nhóm này không phải là thanh thiếu niên, nhưng vẫn chưa là người lớn”.
Thuật ngữ “người đang lớn” được nhà tâm lý học Jeffrey Arnett ở Đại học Clark đưa ra khoảng 10 năm trước khi ông bắt đầu nghiên cứu vấn đề này. Arnett cho biết ông đã đưa cho các bạn trẻ chọn 1 trong 3 cách trả lời giữa: “người lớn”, “không phải là người lớn” và “lúc có, lúc không”.
Hai phần ba số người đã chọn phương án cuối cùng. Ngoài ra, hầu hết giới trẻ cùng tuổi nhưng không học đại học cũng cảm thấy mình chưa thực sự lớn.
“Chúng ta đang có một giai đoạn sống mới chưa hề có ở vài thập kỷ trước”, Arnett nói.
Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Canada cũng phát hiện thấy trẻ em ngày nay dậy thì sớm hơn, song trưởng thành muộn hơn so với cách đây vài thập kỷ.
Theo T. An Vnexpress/USA Today