Sinh viên vào vụ… kiếm tiền

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 08/01/2008Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Kiếm tiền Tết

Năm nào cũng thế, dịp cuối năm là Nguyễn Thu Minh, ngành Maketting, ĐH Thương Mại lại kiếm việc làm thêm trước khi về quê ăn tết. Từ cuối tháng 12, Minh đã lò dò đến các trung tâm giới thiệu việc làm để kiếm việc. Năm nay, Minh không đi phát tờ rơi mà xin được một “chân” bán hàng cho siêu thị trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội).

“Mình đi làm được hai ngày rồi, 70.000 đồng cho nửa ngày. Từ giờ đến 29 Tết mình sẽ có khoảng hai triệu mang về nhà tiêu Tết” – Minh hồ hởi nhẩm tính.

Nhiều nhóm bạn sinh viên còn đi tìm việc làm theo nhóm. Thuý Hà, ĐH Sư phạm Hà Nội và hai cô bạn cùng lớp cả tuần trước cũng đi đến các trung tâm giới thiệu việc làm. Cả ba người cùng xin được việc phát mẫu dùng thử trước các trung tâm thương mại cho một hãng mỹ phẩm.

“Bọn mình làm theo ca, mỗi ca chỉ hai tiếng nhưng cũng được được 50 – 70.000 đồng/ca. Công việc cũng không vất vả, lại khá thú vị nên ai cũng vui. Về nghỉ tết, có thêm khoản tiền để chi tiêu, còn gì thích bằng” – Thúy Hà bộc bạch.

Với Ngọc, một trong hai cô bạn của Hà, thì đợt kiếm tiền cận Tết có ý nghĩa rất lớn, chứ không đơn thuần chỉ để mình có thêm tiền tiêu.

Mẹ Ngọc bị tai biến mạch máu não, nằm liệt một chỗ mấy năm nay. Một mình bố Ngọc chạy xem ôm phải lo cho cả gia đình. Dưới Ngọc còn có hai em đang đi học nên năm nào Ngọc cũng làm thêm để gia đình có thêm khoản tiền sắm Tết. Ngọc quyết tâm: “Mình sẽ góp tiền để Tết này mua cho bố và hai em mỗi người một bộ quần áo mới. Còn mẹ, từ lâu mẹ đã thích một chiếc áo nhung, chắc chắn năm nay, mình sẽ mua tặng mẹ”.

Làm thêm chuyên nghiệp

Nguyễn Văn Tuân, sinh viên lớp K2 Công nghệ Thông tin, CĐ Kỹ thuật Công nghệ Lê Quý Đôn nhận việc phát tờ rơi cho chương trình mới của mạng điện thoại di động Viettel. Thù lao không cao nhưng Tuân vẫn nhận vì cậu thấy mình có thể học hỏi được nhiều điều.

Trước khi bắt tay vào việc, Tuân đã được đào tạo nhanh cách phát tờ rơi cho khách như cần phải nói với khách thế nào để họ chú ý, cũng như không phải “bẽ mặt” khi đưa tờ rơi, người ta lại thả ngay xuống đất.

Tuân chia sẻ: “Phát tờ rơi cho một công ty viễn thông lớn không đơn giản chỉ “rắc” cho hết ở chỗ đông người, mà mỗi tờ rơi được phát đi phải là một lần mình “tiếp xúc” với khách hàng”.

Với thế mạnh về ngoại hình và khả năng giao tiếp, Minh Sương, cô sinh viên trường Luật chọn việc tổ chức và thực hiện chương trình quảng cáo cuối năm cho một hãng thời trang. Công việc này ngoài thu nhập cao còn giúp Sương tự hoàn thiện mình từ cách đi đứng, ăn mặc và đặt biệt là các ứng phó trước nhiều tình huống.

Đứng làm mẫu cho sản phẩm tại các trung tâm thương mại lớn nên Sương còn phải giới thiệu sản phẩm bằng tiếng Anh cho người nước ngoài. Cô xem đây là dịp để thực hành ngoại ngữ luôn. “Mấy hôm đầu, mình ngượng lắm. Thế mà chỉ hơn một tuần, mình nói tiếng Anh trôi chảy hơn” – Sương nói.

Dù thế nào nhưng tính chuyên nghiệp trong việc làm thêm của sinh viên là khi họ không để việc làm thêm ảnh hưởng đến việc học của mình.

Thanh Sơn, ĐH Kinh tế Quốc dân, bán hàng cho một cửa hàng điện tử đã thống nhất với chủ là cậu sẽ nghỉ làm việc trước ngày thi, không được trừ lương mà Sơn sẽ làm bù vào một buổi khác. Sơn nhất mạnh: “Sinh viên làm thêm để kiếm tiền một cách chuyên nghiệp trước hết là phải đảm bảo được việc học của mình. Kiếm được nhiều tiền, làm việc tốt nhưng bỏ bê việc học hành thi cử xem như cũng… hỏng”.   

Hoài Nam