Gặp chàng trai Lào đầy ấn tượng
Và Bouangern Xayalath là một điển hình của những thanh niên hiện đại của đất nước triệu voi anh em.
Những ngày đầu tháng này, tôi gặp Bouangern Xayalath tại một cuộc tập huấn về quản lý dự án cho các tổ chức xã hội của Lào. Ấn tượng của tôi về anh bạn trẻ này là anh nói tiếng Anh tốt, phát âm khá chuẩn, không giống với những người khác tôi gặp trong lớp tập huấn.
Quyết tâm học lên đại học
Năm nay 26 tuổi, Bouangern sinh ra và lớn lên ở tỉnh Champassak thuộc Nam Lào. Quê anh ở huyện Parkxong, một vùng tươi đẹp và thanh bình, dân số chỉ khoảng 110.000 người. Đa số dân ở đây đều có thu nhập chính từ trồng cà phê, rau trái và một số vụ mùa. Hầu hết dân cư đều là người Lào Theung. Cuộc sống của họ còn khá khó khăn, thanh niên thường bỏ học sớm, rất hiếm người học hết phổ thông trung học.
May mắn cho Bouangern là cha mẹ anh rất ủng hộ và khuyến khích anh thi đại học sau khi học hết phổ thông dù hoàn cảnh gia đình anh cũng không khá giả gì. Gia đình anh có 10 người gồm bà nội, bà ngoại, bố mẹ và sáu anh chị em với nguồn thu nhập chính là vườn cà phê. Chị gái đã lấy chồng và ra ở riêng, Bouangern là con trai cả với trách nhiệm phụ giúp cha mẹ chăm sóc gia đình. Dù được cha mẹ ủng hộ, nhưng lên Vientiane thi đại học quả là một quyết định khó khăn với Bouangern.
Dù rất chăm chỉ học hành, nhưng sức học của một chàng trai tỉnh lẻ khó mà cạnh tranh nổi với các bạn đồng trang lứa ở thủ đô. Bouangern đỗ Đại học Quốc gia Lào nhưng không đủ điểm được học bổng của Chính phủ và điều đó càng làm ước mơ đến cánh cửa trường đại học trở nên xa vời hơn với anh. Cha anh đã quyết định dùng toàn bộ số tiền gia đình dành dụm bấy lâu cho anh theo học, cộng thêm sự giúp sức của một người bác họ ở Vientianne.
Từ bỏ ngành học thủy lợi, Bouangern quyết định chuyển sang học ngành quản trị kinh doanh tại trường Đại học Lào-Mỹ, một trường tư nhân mới mở với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Lo được học phí cho con ăn học ở trường này quả là một cuộc đấu tranh lâu dài với bố anh, khi căn bệnh rối loạn thần kinh và bệnh tim của mẹ anh vẫn ngày càng trầm trọng hơn. Còn với Bouangern, anh quyết tâm phải học thật giỏi, với hy vọng ngành học này sẽ giúp anh thoát khỏi cuộc sống nghèo túng nhanh nhất để đỡ đần cha mẹ lo chuyện học hành cho các em.
Sau hơn ba năm làm việc, những chương trình, dự án đã đưa Bouangern đến thăm Kenya, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam. Công việc thú vị, đóng góp được nhiều cho đất nước và cơ hội được ngắm nhìn những miền đất mới, gặp gỡ và làm việc với những người bạn mới là những phần thưởng với Bouangern. Ngoài ra, thu nhập ổn định vào mức khá cho phép Bouangern không chỉ lo cho bản thân mà còn gửi tiền về giúp cha mẹ lo cho ba em gái và một em trai đang lần lượt bước vào giảng đường đại học. Bouangern cũng mơ ước sẽ thi đỗ một học bổng để có thể học cao học ở một nước nói tiếng Anh trong năm nay.
Khi được hỏi về những vòng chỉ trên cổ tay của mình, Bouangern cho tôi biết vài ngày tới, anh sẽ trở thành một chú tiểu trong một tháng. Đây là điều anh đã muốn làm từ rất lâu và bây giờ là thời điểm thích hợp nhất. Trong đức tin của người Lào, đàn ông cần làm những việc to lớn cho đất nước, và trở thành người lính hay một người tu hành là những cách như vậy. Ngoài ra, nhiều nam thanh niên Lào vào chùa tu hành trong một thời gian ngắn (một tuần cho đến vài tháng) còn để cầu phúc, và học cách sống có lý lẽ, có trước có sau, biết phải trái, biết yêu thương.
Muốn được cắt tóc vào chùa tu hành, dù tu trong thời gian dài hay ngắn, thì phải đáp ứng được hai điều kiện là từ 20 tuổi trở lên, khi đã đủ chín chắn, trưởng thành, và đã từng vào chùa làm tiểu sinh khi còn nhỏ.
Khi tôi viết những dòng này thì Bouangern đang là một chú tiểu trong một ngôi chùa ở quê anh. Tôi cứ cố hình dung ra anh sẽ trông thế nào khi cắt tóc và khoác lên mình trang phục của một người tu hành…