Người trẻ sống cùng thông tin bị “thổi phồng”
Có lẽ hiện nay, mọi chuyện liên quan đến teen bị xem là “lạ” và đôi khi bị “thổi phồng” hết biên độ của nó. Teen đang nghĩ và làm gì với những thông tin như vậy?
Từ những chuyện “xôn xao”
Chuyện xảy ra tại một trường ở Hà Nội. Một vài teen nữ vì quá say mê thực hiện những động tác aerobic trong tiết mục dự thi của lớp mình mà để lộ nội y. Mọi chuyện chỉ xảy ra vài giây nhưng đã kịp “nằm gọn” trong tầm ngắm của những chiếc máy ảnh kỹ thuật số hoặc điện thoại có chức năng quay phim, trở thành 1 đoạn video clip và được tung lên mạng. Và rồi, khi nó được “dán nhãn” bằng hai chữ “xôn xao”, đã trở thành một sự kiện “nóng bỏng” với những lời bình luận không được hay ho.
Bi kịch hơn, đoạn clip này bị post lên blog, các trang web “đen” với những ý đồ xấu xí. Đoạn video clip trở thành một “bằng chứng” thể hiện lối sống không lành mạnh của teen trong mắt một số người lớn, cho dù thực tế nó chỉ là phút hớ hênh.
Mới đây nhất, bài văn “viết chơi” của một teen trường M. C (Hà Nội) cũng bị gắn nhãn “xôn xao” vì viết toàn tiếng lóng và ngôn ngữ @. Nhưng khi đọc bài văn, nhiều teen cho rằng “chuyện chẳng có gì đáng ầm ĩ” khi đó chỉ là một trò đùa. Bản thân tác giả của bài văn này cũng thừa nhận, đó chỉ là một trò đùa (như bao trò đùa của tuổi học trò nghịch ngợm) và bạn đã “quên mất tiêu vì đã bán giấy vụn rồi”. Không ngờ nó được “khai quật” và trở thành đề tài bàn luận của nhiều người (trong đó có những người rất rảnh)…
Ngày nay, với sự bùng nổ thông tin, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều của những “kênh truyền thông” kiểu cá nhân (thật ra chỉ là một địa chỉ blog nhưng được chủ nhân của nó mạnh dạn tuyên bố như vậy) thì những thông tin kiểu này luôn được săn tìm và đưa tin một cách chi tiết. Chưa kể, những thông tin như teen vi phạm pháp luật, teen ăn chơi…đều được miêu tả cực kỳ “hoành tráng”.
Có lẽ hiên nay, mọi chuyện liên quan đến teen bị xem là “lạ” và đôi khi bị “thổi phồng” với hết biên độ của nó. Còn nói như lời bạn T. Nguyên (SV năm nhất ĐH Hoa Sen) thì có vẻ như “thổi phồng” ấy khiến người lớn “bớt tin” giới trẻ hơn.
Sẽ lập dị khi không quan tâm?
Thật ra, những trò “nghịch ngợm” hay “quậy” của teen nhà ta đã có từ… hồi xửa hồi xưa. Nhưng khi ấy, chưa có nhiều phương tiện truyền thông “dòm ngó” nên mức độ “lan truyền” có phần nào đó không “đáng sợ” như bây giờ. Nói vậy, không có nghĩa là sự bùng nổ thông tin chỉ mang đến điều phiền toái mà trái lại còn mang đến cho con người rất nhiều tiện ích. Và đó là một xu hướng mà teen (và cả người lớn) không thể… hoãn lại được. Hơn nữa, đây còn còn là cơ hội để teen tự điều chỉnh hành vi của mình. Nhưng khi nhiều người “tận dụng” tối đa những mặt chưa tích cực của chuyện bùng nổ thông tin thì những hệ lụy xảy đến cũng là…bình thường thôi. Vấn đề là teen phản ứng ra sao về chuyện này?
“Học trò mà, ai chẳng “nhiều chuyện”, đôi khi cũng phải bon chen vào những vấn đề mang tính “tầm cỡ”, nếu mà cứ ngồi im re, chẳng phản ứng gì lại với những tin giật gân thì người đó quả thật đang trở nên lập dị. Đối với tớ, cũng nhiều lần bị lôi cuốn, chẳng hạn vụ H. T. L, bạn bè gởi đầy link blog, rồi bàn tán xôn xao trong giờ học” – T. C (lớp 10 trường N. T. H, Q.Tân Bình) cho biết.
Khi internet cho người ta nhiều không gian và hình thức để chia sẻ với nhau hơn thì teen sẽ dễ trở thành người “phát tán” những thông tin bị thổi phồng quá đáng với suy nghĩ và hành động như C. Những vụ scandal “đình đám” vừa qua như clip phòng the của H. T. L, Trần Quán Hy, các clip đánh nhau của nữ sinh… cũng đều xảy ra theo một “công thức” như vậy.
Bạn T. Nguyên (SV năm nhất, ĐH Hoa Sen) thì lại cho rằng: “Với sự bùng nổ quá mạnh mẽ của Internet như hiện nay thì việc tìm đến những thông tin gây sốc hay khơi gợi trí tò mò là một điều không thể tránh khỏi trong tuổi teen. Nó cũng ít nhiều làm cho người ta dễ tin một cách phiến diện.
Teen có thể đọc được một thông tin từ một trang web nào đó rồi tin luôn chứ không hề muốn xác thực lại thông tin đã đọc được có đúng hay không. Rồi cứ thế họ cứ truyền tai nhau, và mỗi khi qua miệng một người thì một mẩu tin có thể nhỏ như con thỏ cũng được thổi phồng như con rồng”.
Hãy đứng vững ở ranh giới mong manh!
Giữa tháng 5 này, 4 bạn SV ở Hà Nội liên quan đến việc phát tán clip phòng the của H.T.L sẽ phải đứng trước vành móng ngựa. Cái giá phải trả ấy cũng xuất phát từ một việc mà rất nhiều teen hiện nay có thể đã từng làm: chia sẻ mọi thông tin mình nhận được mà chẳng cần biết nội dung và việc làm ấy sẽ dẫn đến hậu quả gì. Ranh giới giữa hai chữ “chia sẻ – phát tán” rất mong manh mà nếu “chênh vênh”, teen sẽ có thể đã “góp một tay” vào việc phổ biến cái xấu.
Xin khép lại câu chuyện trong tháng số này bằng một sự kiện xảy ra tại Anh. Để khuyến khích người trẻ bảo vệ tương lai của mình khi sử dụng mạng xã hội, Văn phòng Ủy ban thông tin của chính phủ Anh đã thiết lập một trang web ở địa chỉ www. ico.gov.uk/youngpeople với nhiều lời khuyên rất hữu ích. Ở một số nước khác như Mỹ, Trung Quốc… nhiều nhà xã hội học và các nhà báo cũng kêu gọi có chính sách bảo vệ người trẻ trong thời… bùng nổ thông tin.
Và hi vọng, một ngày nào đó, teen Việt tụi mình cũng được hướng dẫn một cách cụ thể để có thể “sống chung” với thời bùng nổ thông tin một cách an toàn nhất.
Theo Mực Tím