Đừng “buông xuôi” kỳ thực tập

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 22/04/2009Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

 

Đừng “buông xuôi” kỳ thực tập - 1

Sinh viên báo chí tác nghiệp tại lễ hội Hoa anh đào 2009

 

“Chỉ mong sớm hết thời gian thực tập”

 

Theo học ngành Maketing của Đại học Kinh tế Quốc dân, Minh (sinh viên năm cuối) không tìm cho mình một chỗ thực tập trên Hà Nội mà trở về Hải Phòng với lý do“ở đó có người quen, mình dễ tìm việc sau này”. Lớp Minh hầu hết thực tập trên Hà Nội chỉ duy nhất Minh xin về quê, với dự định mai này “tung hoành” trên mảnh đất quê hương và “gần người yêu cho đỡ nhớ”. 

 

Người yêu Minh cứ thỉnh thoảng một tháng lên thăm Minh hai lần, thương quá Minh quyết định xin về quê thực tập vừa gần người yêu, vừa được gần gia đình, chứ “không chết đói như hồi sống trên Hà Nội vào những ngày cuối tháng”.

 

Minh xin được thực tập ở Sở Công thương Hải Phòng nhưng hầu như chuyên ngành Minh học cũng không được phát huy lắm khi thực tập ở đây. Cũng vì bản thân trong quá trình học còn chưa năng động, cũng một phần là “lên đó cũng chẳng có việc gì làm, cũng chẳng biết làm gì nữa”, Minh tâm sự. Kỳ thực tập kéo dài 4 tháng nhưng Minh cũng chỉ lên trên cơ quan khoảng 4-5 lần. 

 

Minh chia sẻ: “Các anh chị trên đó cũng giúp đỡ nhiệt tình lắm, cần tài liệu gì họ cũng tìm cho, nhưng tại mình chẳng nắm được công việc như thế nào nên cũng không cảm thấy hứng thú lắm”.

 

Trong suốt kỳ thực tập, Minh chỉ cố gắng xin bằng được tài liệu để hoàn thành bản báo cáo thực tập. Đề tài Minh theo đuổi là “xúc tiến thương mại” nhưng đến giờ Minh cũng chưa có đủ tư liệu để viết báo cáo.

 

Càng học Minh càng cảm thấy chuyên ngành Maketing đang theo học không còn phù hợp với mình nữa. Với tâm lý chưa muốn đi làm vội và ra trường “cũng chẳng biết làm gì bây giờ” Minh quyết định học thêm một chứng chỉ về chứng khoán để sau này có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm. 

 

Chính vì thế, “mình chỉ muốn nhanh chóng kết thúc kỳ thực tập, hoàn thành xong báo cáo, để có thể đi học tiếp, chứ thực tập thế này, mình cũng chẳng học hỏi được gì”.

 

Trong thời gian học không năng động, không tìm kiếm cho mình những cơ hội làm việc, thực tập thì không cố gắng trau dồi cho mình kinh nghiệm làm việc sau này, không cảm thấy yêu nghề mình đã chọn, thậm chí muốn chuyển nghề, nhiều bạn sinh viên có tâm lý buông xuôi kỳ thực tập. 

 

 

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là kết thức kỳ thực tập 3 tháng nhưng Vân (sinh viên năm cuối khoa Kế toán, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc) cũng chưa biết ra trường mình sẽ làm ở đâu. Học các môn xã hội rất khá, nhưng khi thi không đỗ đại học, Vân quyết định theo học khoa Kế toán của trường mặc dù không có năng khiếu toán học.

 

Được bạn bè khuyên học Kế toán ra trường dễ xin việc nên Vân theo học ngành này với tâm lý hy vọng ra trường có thể tìm kiếm việc làm ngay. Nhưng càng học Vân càng thấy mình không hợp với nghề này vì Vân thấy mình “càng ngày càng yếu môn toán”. Kỳ thực tập càng làm Vân nản hơn vì bản thân không làm được việc. Xin thực tập ở một công ty liên doanh mà sổ sách tính toán với Vân cứ rối tung rối mù lên, nhiều khi còn nhầm cái nọ sang cái kia.

 

Vân bộc bạch: “Ra trường mình không biết làm gì nữa, cũng chưa tính đến chuyện đi làm ngay. Cơ hội thì nhiều nếu biết cố gắng và chăm chỉ, nhưng thực sự mình không thích hợp với Kế toán lắm”.

 

Minh và Vân cũng chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp có những suy nghĩ trái chiều về kỳ thực tập. Vì bản thân họ khi đặt bút chọn trường cũng chỉ do ý thích của bản thân chứ không hề có bất kỳ sự tư vấn của ai. Nghịch lý này khiến các bạn hầu như không có hứng thú nghề nghiệp và băn khoăn không biết mình sẽ làm được gì sau khi ra trường.

 

Ngược lại, nhiều sinh viên có sự chuẩn bị rất kỹ càng cho thời gian thực tập vì theo các bạn kỳ thực tập là khoảng thời gian hữu ích nhất để tìm kiếm kinh nghiệm làm việc sau này.

 

Thực tập là cơ hội tìm kiếm việc làm

 

Là sinh viên năm cuối của khoa Văn, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Hoa không khỏi không lo lắng tìm việc khi sắp ra trường. Đó cũng là tâm lý chung của bao bạn sinh viên năm cuối khác. Nhưng vì sự chuẩn bị kỹ càng cho kỳ thực tập nên Hoa tự tin vào khả năng của mình khi làm việc sau này. Hoa tự liên hệ với cơ quan thực tập, lên kế hoạch cho từng tháng, từng tuần và có sự chuẩn bị rõ ràng cho từng công việc nên việc nào cơ quan giao cho Hoa cũng hoàn thành tốt. 

 

Hoa khoe: “Mình được các cô chú, anh chị ở đó khen vì chăm chỉ, chịu khó. Kỳ thực tập chỉ hơn 2 tháng nhưng là thời gian mình thấy bổ ích nhất vì bọn mình được tiếp xúc với thực tế công việc. Mình học hỏi được ở họ tinh thần cộng tác, áp lực thời gian, một số kinh nghiệm về viết văn, viết truyện ngắn và xây dựng kịch bản”.

 

Hoa coi thời gian thực tập là quá trinh khám phá bản thân và tìm được những thế mạnh của mình. Hoa đang thử sức với công việc sáng tác truyện ngắn và tiếp tục trau dồi những kỹ năng sáng tác cho mình.

 

 

Cũng nhờ thời gian thực tập này mà một số sinh viên may mắn đã được các cơ quan thực tập giữ lại làm việc chính thức. 

 

Liễu (sinh viên năm cuối Khoa Báo chí và truyền thông, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) hớn hở khoe: “Mình vừa được nhận vào làm chính thức rồi”. Liễu xin thực tập ở một công ty truyền thông mà trước đó Liễu cũng thường xuyên qua lại công ty này để nộp sản phẩm. 

 

Cũng may mắn như Liễu, cô bạn cùng lớp tên Ngọc cũng vừa một tờ báo nhận vào làm chính thức. Trong khi nhiều bạn cùng lớp vẫn ngày ngày miệt mài tìm kiếm đề tài, đi viết cho đủ chỉ tiêu bài, mong có một kết quả thực tập tốt, có được tấm bằng đẹp ra trường dễ xin việc thì một số sinh viên đã tìm được công việc cho mình ngay trong thời gian thực tập.

 

May mắn có một phần nhưng phần lớn là sự cố gắng, nỗ lực của sinh viên. Những bạn có việc làm ngay là những sinh viên năng động trong thời gian học và nỗ lực hết mình trông thời gian thực tập. Tất nhiên cơ hội sẽ đến với người biết nắm bắt nó. 

 

Thời gian thực tập chỉ chiếm khoảng 1/8 thời gian học tập tại trường nhưng nếu sinh viên biết tận dụng thời gian này thì sẽ tìm kiếm cho mình một việc làm phù hợp. Đừng phí hoài kỳ thực tập để rồi sau muốn làm lại cũng thật khó khăn.

 

Nguyễn Thị Đoá