Từ bỏ làm hướng dẫn viên để thành ông chủ… cơ khí
Để rồi xưởng sản xuất dụng cụ inox của anh đã giải quyết việc làm cho hàng chục thanh niên trên miền quê còn nghèo khó huyện Hòa Vang- TP. Đà Nẵng.
Rẽ lối đi riêng
Những năm tháng làm hướng dẫn viên du lịch được đi đây đi đó nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước, khi trở về quê hương, Vinh luôn trăn trở vì sao một vùng quê ở ngoại ô thành phố như quê mình người dân lại có cuộc sống nghèo khó như vậy? Mình chưa làm gì để đóng góp cho quê hương cả!
Nhiều đêm ấp ủ, Vinh đã quyết định bỏ công việc hướng dẫn viên du lịch về tự lập nghiệp trên mảnh đất quê hương mình. “Lúc nói suy nghĩ của mình cho ba mẹ biết, mình bị ba mẹ ngăn cản dữ lắm. Nhưng dần dà mình giải thích rõ hướng đi của mình và thuyết phục dần dần cuối cùng ba mẹ cũng xuôi theo”, Vinh bày tỏ.
Có một chút bén duyên với các máy cơ khí khi còn nhỏ, khi cậu bé Vinh hằng ngày mày mò với những chiếc máy tiện của ba trong nhà. Rồi Vinh lần mò lên mạng tìm hiểu máy móc và bắt đầu nảy ra ý tưởng mở xưởng sản xuất inox. Vinh lặn lội tìm đến những xưởng sản xuất inox trong và ngoài thành phố để học việc.
“Nghề làm các sản phẩm từ inox mình chỉ có thể học nguyên lý vận hành của máy cơ khí, hiểu được tính năng và các điểm mạnh yếu các loại máy. Còn những khâu sản xuất sản phẩm khác đó là bí quyết nghề nghiệp nên không thể tiết lộ vì tính cạnh tranh sản phẩm. Tất cả đều phụ thuộc vào khả năng nhạy bén và tư duy của bản thân”, Vinh chia sẻ.
Cải tiến máy móc, thiết bị để tạo ra những sản phẩm có độ bền cao cùng với tính thẩm mỹ, có chất lượng và giá thành phải chăng đó là tiêu chí hàng đầu trong quá trình khởi nghiệp của ông chủ trẻ.
Tháng 6/2011, cơ sở sản xuất inox của Vinh đã ra đời. Vinh đã tự đi trên đôi chân của mình với số vốn khởi nghiệp ít ỏi anh dành dụm được trong suốt 6 năm làm hướng dẫn viên du lịch.
Tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động
Xưởng sản xuất của Vinh chủ yếu sản xuất các sản phẩm móc áo quần dùng trong gia đình. 6 tháng đầu, Vinh đã phải chấp nhận thua lỗ vì sản phẩm anh làm ra không được tiêu thụ đều đặn và anh cũng chưa tìm ra được đầu ra cho các sản phẩm của mình.
Những lúc rảnh rỗi anh lại ra xưởng làm việc như một công nhân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những công nhân mình.
Hiện nay, cơ sở sản xuất inox của anh thu nhập hàng tháng hàng chục triệu đồng tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động chủ yếu là thanh niên trong vùng.
“Đây là một vùng quê còn nghèo khó. Thanh niên trong làng do nhiều lý do khác nhau nên học hành không đến nơi đến chốn. Không có việc làm, nên nhiều thanh niên rơi vào các tệ nạn xã hội. Tạo công ăn việc làm cho thanh niên ở địa phương chính là cách để xây dựng và phát triển vùng quê thêm giàu mạnh”, Vinh tâm sự.
Nguyễn Duy Chinh (18 tuổi, công nhân xưởng inox) cho biết: “Từ ngày về làm ở xưởng em không còn giao du tụ tập với nhóm bạn bè xấu nữa. Công việc ổn định nên tháng nào em cũng có được một khoản thu nhập phụ giúp gia đình. Em cảm thấy rất vui vì mình đã có thể tự lập được trong cuộc sống”.
Anh Nguyễn Ngọc Vĩnh Kính, bí thư BCH Đoàn xã Hòa Sơn- huyện Hòa Vang, cho biết Nguyễn Tri Vinh là một tấm gương sáng trong phong trào thanh niên nông thôn phát triển kinh tế.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ vay vốn bằng nguồn vốn 120, nguồn vốn giải quyết việc làm thanh niên để xưởng inox của Vinh mở rộng sản xuất”, anh Kính cho biết.
Hà Thế An