9 tấm gương tình nguyện vì cộng đồng điển hình năm 2015
Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia là Giải thưởng được trao hàng năm do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc tổ chức.
Giải được trao tặng cho tập thể, cá nhân có cống hiến và thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lễ trao Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2015 sẽ diễn ra vào tối ngày 05/12/2015 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội.
Danh sách 9 tấm gương được vinh danh tại lễ trao giải năm nay gồm:
Nguyễn Thế Tiếng, sinh năm 1992, sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Tiếng đã tham gia chương trình Tiếp Sức Mùa Thi các năm 2012, 2013, 2014, 2015. Anh là đội trưởng tại đội hình Đội SVTN bến xe Miền Đông suốt 4 năm liền.
Kết quả, Thế Tiếng đã tiếp đón khoảng 1.000 thí sinh và gần 600 phụ huynh, phụ trách, hỗ trợ hậu cần cho Đội, gọi tài hướng dẫn xe ôm cho các thí sinh trong chiến dịch trong đợt dự thi đại học – cao đẳng hằng năm.
Lò Thị Chiển, sinh năm 1985, Giáo viên cắm bản trường Mần non Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ, Điện Biên.
Cô Chiển nhiều năm cắm bản, là giáo viên tận tụy của học trò vùng cao Điện Biên. Cô đạt danh hiệu lao động tiên tiến do UBND huyện Nậm Pồ khen (năm học 2013 – 2014 và 2013 – 2014).
Bao Minh Tiến, sinh năm 1982, Phòng Chính trị – Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong các năm 2012, 2013, 2014, anh Tiến chủ động liên hệ, tạo việc làm (bốc xếp hàng hóa lên tàu vận tải) cho 40 – 50 lao động hàng ngày tại ấp Thiềng Liềng với thu nhập bình quân 150.000đ/người/ngày, góp phần tăng thêm thu nhập giảm bớt khó khăn cho người dân.
Anh cũng chủ trì mở lớp học tình thương “Lớp tin học cộng đồng Thiềng Liềng” được thành lập vào tháng 6/2013 với 20 máy vi tính, tổ chức dạy cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh Thiềng Liềng. Đến nay người dân địa phương cơ bản đã biết sử dụng cơ bản vi tính, biết tra cứu những thông tin trên mạng để phục vụ công việc, sản xuất, học tập.
Trong quá trình công tác tại địa bàn, anh Tiến chủ động phối hợp cùng với chính quyền địa phương duy trì chặt chẽ, đảm bảo tình hình an ninh trật tự; chăm lo các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, duy trì phát huy hoạt động văn hóa truyền thống đờn ca tài tử. Hàng năm, anh vận động các cơ quan, đơn vị chăm lo cho gia đình khó khăn, chính sách và học sinh ở địa bàn biên giới trên 300.000.000đ.
Nguyễn Hữu Thuận, sinh năm 1974, TP Hồ Chí Minh.
Anh Thuận hiện là người có số lần hiến máu nhiều nhất Việt Nam (86 lần, hiến tặng 164 đơn vị máu). Trung bình anh hiến máy 3-4 lần/năm.
Trương Tử Minh, sinh năm 1960, TP Hồ Chí Minh.
Anh Minh đã cùng với Hội đồng bảo trợ Hội Chữ thập đỏ thành phố quyên góp được trên 51,6 tỉ đồng cho các hoạt động xã hội từ thiện từ năm 2008 đến nay.
Từ năm 2007 đến nay, anh nhận trợ cấp hàng tháng 01 triệu đồng/hộ và tặng quà nhân dịp lễ, Tết cho 65 hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam và cận nghèo và từ năm 2009 đến 2011, anh cùng với đoàn Bác sĩ từ thiện đến thăm khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiên tại các tỉnh Đăk Lăk, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Nguyễn Thái Thành, sinh năm 1991, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Làm đẹp Thành Nguyễn, Hà Nội.
Chị Thành là người khuyết tật (điếc) nhưng đã vươn lên trên hoàn cảnh, mở lớp đào tạo và tạo việc làm cho những người Điếc: hơn 80% cán bộ, nhân viên trong công ty chị là người điếc. Từ năm 2011 đến nay, đã có tổng số 15 lượt người khiếm thính đã trở thành học viên và nhân viên làm việc tại công ty. Học viên Điếc sau khi được đào tạo đã có khả năng tự lập một phần hoặc tự lập hoàn toàn về kinh tế, từng bước nâng cao sự tự tin trong việc hòa nhập với xã hội.
Các học viên Điếc của công ty không những được đào tạo các bộ môn làm đẹp, mà còn được tạo điều kiện tham gia tích cực các hoạt động từ thiện, tham gia các chương trình làm tóc thiện nguyện cho các chương trình hoạt động xã hội, show diễn “Tôi đẹp, bạn cũng thế”, “Beauty In Silence” là những ví dụ.
Nghệ sĩ Phạm Gia Chi Bảo, sinh năm 1973; Giám đốc quỹ Hiểu về Trái tim, thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Bảo đã gây quỹ thông qua việc bán 100.000 cuốn sách Hiểu về trái tim (tác giả Minh Niệm, NXB Trẻ phát hành); tổ chức Gala thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân tham gia đấu giá gây quỹ; xây dựng Câu lạc bộ Kết nối triệu trái tim nhằm tạo nguồn quỹ ổn định với mục tiêu trong 2 năm (2014-2015) đạt 1.000.000 thành viên, phẫu thuật cho 2.000 ca trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh; tổ chức chương trình Trung thu yêu thương cho các em nhỏ cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội và TP.HCM. Xây dựng nhà nhân ái, nhà tình thương cho các hộ gia đình nghèo; mổ mắt cho người già, có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn. Trao học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, hiếu học; bảo trợ dinh dưỡng cho các em học sinh ở vùng sâu vùng xa…
Giáo sư Roberto Decastro, sinh năm 1949, quốc tịch Italia. Ông là Chuyên gia tiết niệu nhi; Nguyên trưởng khoa phẫu thuật nhi, Bệnh viện thành phố Bô-lô-nha, Italia.
Từ năm 2011, bác sỹ DeCastro đã phối hợp với Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” thực hiện được 160 ca phẫu thuật và thăm khám, tư vấn miễn phí cho hơn 600 trường hợp bệnh nhân.
Nguyễn Kim Hoàng – cựu vận động viên Pencak Silat, sinh năm 1978, Hà Nội.
Mất đi đôi mắt, sức khỏe cũng yêu dần theo thời gian, mọi hoạt động của anh Hoàng hầu như đều phụ thuộc vào người thân. Thế nhưng, anh vẫn duy trì công việc quen thuộc và cũng chính là niềm đam mê của mình – dạy võ miễn phí cho các em sinh viên. Sáng đi chạy thận, chiều đi xe bus đến trường đại học Ngoại ngữ, đại học Quốc gia Hà Nội để dạy võ, là công việc anh Hoàng vẫn thường làm. Lớp học được anh mở đã 5 năm.
Mai Châm