Chuyện về một tỷ phú đi dép lê

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 21/02/2016Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

Ông Tâm bảo: “Vườn cam sành 3ha chuẩn bị hái bán nên phải đi thăm nom thường xuyên. Chỉ sợ bị dịch hại thì uổng công mình trồng”. Ông Tâm luôn tỉ mỉ, chăm chút cho công việc suốt mấy chục năm nay. Hiện là nông dân tỷ phú, nhưng người đàn ông này luôn nhớ về những tháng ngày cơ cực khi bắt đầu lập nghiệp. Nhà có 2 anh em nhưng gia cảnh quá nghèo. Dù ham học nhưng ông Tâm đành phải nghỉ vào năm lớp 10 để cho người em được cắp sách đến trường.

Ông Hà Tấn Tâm bên vườn cam sành sai trĩu quả.
Ông Hà Tấn Tâm bên vườn cam sành sai trĩu quả.

Năm 2002, thấy vùng đất ở dọc sông Hậu phù sa bồi đắp màu mỡ nên ông quyết định trồng cây ăn trái và nuôi cá. “Tôi trồng nhãn, cam và đào ao nuôi cá tra. Đâu có vốn, mình phải đi vay mượn bên ngoài. Khi vườn cây thành hình thì dịch bệnh, giá cá xuống thấp, tôi trắng tay. Vạn sự khởi đầu nan, tôi kiên trì làm lại”, ông Tâm nói.

Thất bại, ông nhận ra trồng cây ăn trái phải có kiến thức nông nghiệp. Thế là ông lọ mọ đi học các lớp tập huấn kỹ thuật trên vườn cây ăn trái do địa phương tổ chức. Từ đó, ông áp dụng trên cây nhãn, vườn cam thì lúc nào cũng cho trái sai, năng suất cao và bán được giá. Từ vài công đất ban đầu, đến nay ông Tâm có đến 8ha trồng nhãn, xoài và cam.

Theo ông Tâm, việc nuôi cá tra thì càng bấp bênh hơn. Khi phong trào nuôi cá tra phát triển mạnh, ông đầu tư nuôi và đi học hỏi mô hình nhiều nơi. Tuy cá tăng trưởng tốt nhưng vào năm 2007, 2008, cá tra rớt giá, nhiều nông dân trắng tay. Ông Tâm cũng bị lỗ nặng do phong trào nuôi tự phát này. Nhiều đêm liền, ông nghĩ chuyển hướng nuôi cá tra gia công cho công ty chế biến, lấy công làm lời.

Hiện nay, ông sử dụng khoảng 8ha để nuôi cá, phía công ty cung cấp thức ăn, ông tự lo các chi phí khác. Mỗi 8 tháng ông thu hoạch 1 vụ (từ 3.000 đến 4.000 tấn cá), trừ chi phí còn lãi hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, ông Tâm còn sắm 12 chiếc ghe chuyên chở thức ăn thủy sản, kiếm hàng trăm triệu mỗi năm.

Trong 5 năm qua, ông Tâm đã đóng góp trên 1 tỷ đồng làm từ thiện như: xây dựng 5 cầu bê tông với số tiền trên 148 triệu đồng; xây dựng các tuyến đường nhựa, bê tông trong phường, với số tiền trên 165 triệu đồng. Ngoài ra, ông đóng góp 335 triệu đồng xây dựng nhà tình thương cho các hộ khó khăn; tặng đất cho hộ nghèo cất nhà, hỗ trợ mua BHYT cho học sinh nghèo. Ông còn trực tiếp tham gia các hoạt động an sinh xã hội ở Bến Tre, Vĩnh Long,…

Liên tiếp trong 4 năm (từ 2011 đến 2014), ông Tâm thu về từ 12 tỷ đến 14 tỷ đồng. Năm 2015, lợi nhuận đạt đến 15 tỷ đồng. Đồng thời, ông góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 đến 60 lao động tại địa phương, với tiền lương từ 4 – 6 triệu đồng/người/tháng. Với những việc làm trên, ông Tâm nhận được nhiều bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân TP Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ về thành tích nông dân sản xuất giỏi. Năm 2015, người nông dân này được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì.

Theo CAND