“Người hùng thầm lặng” của buôn làng Tây Nguyên
Mặt trời gần đứng bóng, nhưng già H’Mơk (làng Krun, xã H’Neng, huyện Đắk Đoa) cùng 1 nhóm thanh niên vẫn đang loay hoay ở rẫy cà phê. Cà phê chín bói nên quả chín rất ít, nằm xen lẫn giữa những quả xanh, non. Già đưa đôi bàn tay luồn vào các cành nhánh để hái những chùm cà phê chín đỏ cho vào túi, còn những quả xanh để lại trên cành. Nhìn già hái, đám thanh niên tập làm theo. Thấy khách tỏ vẻ khó hiểu, già H’Mơk cười giải thích: “Mình đang bày cho các cháu cách hái cà phê chín bói sao cho khỏi hái nhầm quả non, tránh ảnh hưởng đến chất lượng cà phê”. Ngoài việc làm trên, già H’Mơk còn hướng dẫn người trong buôn cách trồng lúa nước, cách chăm sóc cây mì cho năng suất cao…
Nói về già H’Mơk, anh Brưn, Trưởng thôn Krun tự hào kể, kể về công trạng của già H’Mơk thì cả ngày cũng không hết. Già như người cha của bản làng. Ngoài truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, nhiều thanh niên có ý định bỏ học, già lặn lội đến tận nhà vận động. Lý lẽ già đưa ra là học để có kiến thức, áp dụng kỹ thuật trong việc trồng tiêu, cà phê nhằm nâng cao năng suất, hướng đến làm giàu. Nhiều người nghe già khuyên “mát tai” đã đi học trở lại. Có trường hợp gia đình cãi nhau, đòi ly dị già đứng ra hòa giải, nhiều cặp đôi hàn gắn được tình cảm. Không nói đâu xa, mình mới nhận chức trưởng thôn, kinh nghiệm ít, tuổi còn trẻ nên có việc gì khó là sang nhờ già tư vấn, chỉ bảo”.
Trước những cống hiến và việc làm của già H’Mơk, năm 2014, già H’Mơk là 1/100 người uy tín được Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Gia Lai khen thưởng tại Hội nghị biểu dương già làng, trưởng thôn, cá nhân tiêu biểu.
Đội cồng chiêng nhí làng Mơ H’Ra (Kông Lơng Khơng, Kbang) đang được xem là đội “hot” trên địa bàn tỉnh Gia Lai, khi liên tục nhận được nhiều lời mời đi biểu diễn. Đội đã từng 2 lần đoạt giải B Liên hoan cồng chiêng của huyện. Và í tai biết rằng, người xây dựng nên đội cồng chiêng nhí này chính là già làng Đinh H’Mưnh.
Nhận thấy nguy cơ đang bị mai một trầm trọng của cồng chiêng Tây Nguyên, khi thế hệ trẻ ngày nay càng ngày càng ít biết chơi cồng chiêng. Để níu giữ và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình, già H’Mưnh đã bỏ ra rất nhiều công sức và tâm huyết để xây dựng nên đội cồng chiêng nhí của làng, đưa các em đi giao lưu, biểu diễn ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh.
Nói về việc mở lớp dạy cồng chiêng nhí làng Mơ H’Ra, già Đinh H’Mưnh nói: “Thú thật là tôi sợ văn hóa cồng chiêng thất truyền nên bỏ việc nương rẫy để mở lớp dạy hòng kiếm người kế tục”. Nghĩ thế, già Đinh H’Mưnh hàng ngày băng rừng lội suối đến tận nhà vận động các cháu theo học. Người khỏe mạnh lội suối đạp rừng đã khó, già H’Mưnh bị què một chân nên phải đi cà nhắc, nhiều bữa bị té ngã, cây gai đâm chảy máu. Để động viên các cháu đi học, già tự tay nấu cơm, hoặc mượn tiền mua bánh, kẹo phát trong các buổi học. Với tâm niệm phải giữ bằng được nét văn hóa dân tộc, già đã vượt qua mọi khó khăn để cho ra lò đội công chiêng nhí và tiếp tục mở các lớp tiếp theo cho đến lúc “khuất núi”.
“Bây giờ xã có lớp trẻ giữ hồn cồng chiêng, chúng tôi vui mừng khôn xiết. Xã đã ghi nhận công lao bằng cách tặng già Đinh H’Mưnh bằng khen “Đã có thành tích trong việc giữ gìn nét văn hóa cồng chiêng”, bà Bà Trần Thị Bích Ngọc, cán bộ văn hóa xã Kông Lơng Khơng kể.
Thời gian này, người ta thấy già Rmah Chuch (làng Kênh Săn, Ia Le, Chư Pưh) thường xuyên đội mưa gió đến tận nhà các hộ dân để khuyên họ tránh xa những lời dụ dỗ sang Thái Lan của các đối tượng xấu. Để khuyên giải, già Chuch mang câu chuyện về những người vượt biên sang thái Lan sống khốn khổ nơi đất khách làm bài học cảnh tỉnh. “Già có uy nên khi nói người dân rất nghe. Nhờ già và các đoàn thể tuyên truyền kịp thời nên đã ngăn chặn được ý định vượt biên của nhiều người. Những người vượt biên vỡ mộng trở về, già đến khuyên nhủ, động viên, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng”, bà Siu Bhem, Phó bí thư Đảng ủy xã Ia Le chia sẻ.
Những công việc mà các già làng, trưởng bản làm nói trên xuất phát từ cái tâm muốn xây dựng, đóng góp cho vùng đất mình sinh sống.
Ông Siu Trung, Uỷ viên thường trực, Trưởng ban dân tộc tôn giáo Mặt Trận tổ quốc tỉnh Gia Lai cho biết: “Người có uy tín là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân. Bằng uy tín và kinh nghiệm, họ đã vận động gia đình, dòng tộc và bà con trong thôn, làng thi đua lao động sản xuất… Trực tiếp nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để phản ánh cho Đảng, chính quyền xem xét, giải quyết… Trong việc bảo vệ an ninh tổ quốc, vai trò của những người có uy tín rất quan trọng. Trong 5 năm trở lại đây, họ đã tuyên tuyền, vận động hơn 1.000 lượt đối tượng cầm đầu, cốt cán tham gia hoạt động Fulro ra tự thú và khai báo hành vi phạm tội trước dân làng, cam kết từ bỏ hoạt động chống phá…”
Tháng 5/2014, 115 cán bộ, già làng, trưởng buôn trên địa bàn Tây Nguyên đã đến thăm 13 điểm đảo và nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa. Nhân dịp này, bà con đã mang theo nhiều đặc sản của Tây Nguyên như cà phê, điều, tiêu… làm quà tặng. Chuyến đi này có ý nghĩa rất lớn. Ra với Trường Sa, các già làng, trưởng buôn sẽ hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo, cũng như đời sống của các chiến sĩ, cán bộ và nhân dân, sau đó về kể lại cho buôn làng nghe.
Thiên Thư- Y Võ