Sư trụ trì 20 năm cưu mang trẻ em mồ côi
Đứa bé ấy giờ đã 2 tuổi, tên là Tuệ Tín. Có điều em không biết bố mẹ mình là ai. Với em chùa giờ là nhà và sư bác chính là mẹ nên cứ thấy bóng dáng sư trụ trì đứa trẻ ấy lại nhõng nhẽo theo, đòi ngồi lòng, cưng nựng.
Cứu rỗi những đứa trẻ bỏ rơi
Một đêm của 2 năm về trước, em nằm hấp hối trong túi nilong trước cổng Tam Bảo chùa Yên Ninh (xã Ninh An, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình). Đầu tóc em còn dính máu, rốn chưa cắt, da dẻ tím tái. Đọc vội dòng chữ với nội dung nhờ nhà chùa nuôi giúp xong sư bác bế em vào chùa ủ ấm rồi đưa đi bệnh viện.
Vị bác sĩ khám xong bảo khó sống vì cháu nhẹ cân, bị bỏi đói lại có dấu hiệu bệnh lậu nhưng với sư bác “còn nước còn tát”. Những ngày Tuệ Tín ở viện sư bác và các bà trong chùa túc trực ngày đêm, cứ 3 tiếng thì pha sữa, thay tã, cho uống thuốc, thay băng rốn… nhẹ nhàng như sợ em bị đau.
Tuệ Tín là một trong hàng trăm đứa trẻ bất hạnh bị cha mẹ bỏ rơi hoặc mồ côi được nhà chùa nuôi dưỡng với tình yêu thương vô bờ bến. Với nhà sư Thích Diệu Nhân, được nuôi dưỡng các em là một duyên nợ. Cái duyên nợ này bắt đầu từ những năm 1995 khi sư mới được bổ xứ làm trụ trì.
Với quan niệm “đi tu” chứ không phải “ngồi tu” nên sư bác đã hành khất khắp trong Nam ngoài Bắc vừa xin quyên góp xây chùa mới vừa để hiểu hơn cảnh trần tục.
“Đến vùng Tây Bắc tôi gặp những đứa trẻ lên ba, lên bảy không cha mẹ, không cơm ăn, áo mặc nằm queo quắp đầu đường xó chợ. Vào Quảng Trị, địa đạo Củ Chi thì thấy có gia đình 5 con cùng bị di chứng chất độc da cam nằm bất động, mắt mở trân trân nhìn ra ngoài cửa, rồi có đứa bé nhặt được mẩu bánh mỳ dưới đất vừa đưa lên miệng đã bị đứa lớn hơn chạy tới cướp giật, ăn mất… ”, sư bác Thích Diệu Nhân nghẹn ngào kể.
Chứng kiến cảnh ấy khiến vị sư trụ trì đau lòng, nhiều đêm mất ngủ. “Tôi bàn với các cụ là đạo hữu trong chùa quyết đem các cháu về nuôi”, sư bác kể.
Năm 1996 chùa chỉ nuôi năm em, đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa bé chưa đầy 1 tuổi. Tất cả đều mồ côi hoặc bị cha mẹ bỏ rơi tại chùa. Đến nay ngoài hàng trăm trẻ em được nuôi dưỡng, chùa còn là nhà của 27 người khuyết tật và người già neo đơn.
Sư Thích Diệu Nhân là người nhân hậu và khá hài hước. Sư hiểu hết tính cách, sở thích từng thành viên trong chùa nhưng để cả trăm con người xa lạ yêu thương nhau, san se nhau như người một nhà không phải dễ. Vì thế nhà sư để trong chùa một cái thùng góp ý. “Ai không vừa lòng với ai, kể cả với nhà sư điều gì có thể viết vào giấy rồi bỏ vào thùng, mình xem xong rồi phân giải ngay tránh để các con giận dỗi nhau”, sư Diệu Nhân kể rồi trầm ngâm: “giờ nhà chùa cũng đỡ vất vả chứ 20 năm trước khó khăn đến mức tưởng chừng phải để các con ra đi”.
Vượt qua tất cả bằng tình yêu thương
Theo lời sư Thích Diệu Nhân, toàn bộ khu vực chùa Yên Ninh trước thời điểm tu sửa là một vùng trũng chưa mưa đã ngập, cỏ dại mọc um tùm. Để có chỗ cho các cháu ngủ, nhà chùa và các đạo hữu đi xin từng cái bì xi măng về giặt sạch khâu lại thành tấm bạt lớn rồi làm lều dựng tạm ngoài sân.
“Có chỗ ngủ rồi nhưng còn cái ăn. Lấy đâu gạo, sữa để nuôi cả chục đứa trẻ bây giờ?”, câu hỏi ấy không dưới chục lần xuất hiện trong suy nghĩ vị sư vừa tới tuổi 53. “Tôi bàn bạc với các già làng phải kêu gọi sự giúp đỡ của đạo hữu trong xã. Với các bà, các mẹ mỗi ngày đi chợ trích ra 1.000 đồng ủng hộ quỹ tương thân tương ái. Ai không có tiền thì cho nhà chùa xin một nắm gạo hoặc cho quần áo cũ và góp công chăm sóc các cháu”, sư bác nói rồi kể thêm chỉ sau một tháng kêu gọi, nhà chùa xin được số tiền tương đương mua được 20 con heo nái.
“Số heo này nhà chùa giao lại cho các gia đình có chuồng trại chăn nuôi để sinh sản. Heo nái sau sinh được bao nhiêu heo cấn thì chia đều cho người góp giống và người nuôi để tiếp tục nhân giống”, sư trụ trì kể tiếp.
Từ “chương trình” nuôi heo nái, bán heo cấn mà chùa có thêm kinh phí mua 4 con bò và thực hiện như “chương trình” nuôi heo.
“Đó chỉ là cách khắc phục tạm thời thôi, khi số lượng trẻ em, người khuyết tật và người già neo đơn tăng lên đến mấy chục người thì chúng tôi phải tính cách làm kinh tế” sư bác nói và cho biết thêm, thời gian ấy đất khai hoang còn nhiều, nhà chùa liên hệ với chính quyền xã Ninh An thuê đất xung quanh chùa để trồng hoa màu, rồi lên cả huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) xin nhận 20 hec ta đất trống đồi núi trọc khai hoang giao cho các gia đình đạo hữu trong đó làm trang trại.
“Ngoài làm kinh tế, chùa còn nhận được sự giúp đỡ của đạo hữu, những tấm lòng hảo tâm nên mới có tiền nuôi dạy và cho các con ăn học”, sư trụ trì kể rồi nói thêm: “có năm học nhà chùa phải đóng học phí trên 100 triệu cho tất cả các em”.
Trong gần 200 đứa trẻ được chùa nuôi dưỡng có em giờ là giáo viên, bộ đội, vài em được đi du học, hàng chục em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có việc làm ổn định. Điều đặc biệt dù đi làm ở đâu khi có lương các em đều gửi tiền về quỹ chung của nhà chùa để cưu mang những mảnh đời bất hạnh khác. Một phần nhà sư giữ để dựng vợ gả chồng rồi mua nhà đất cho các em ổn định đời sống.
“Mỗi tết đến các con dù đi học hay đi làm đều trở về chùa, đông lắm, nhà chùa phải làm 25 – 30 mâm cơm mới đủ ăn. Nhìn các con tíu tít gọi bác rồi chơi đùa vui vẻ bên các em, với người tu hành chẳng gì hạnh phúc cho bằng”, sư bác Thích Diệu Nhân vui vẻ nói.
Bà Tạ Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh An cho biết, chùa Yên Ninh nuôi dạy các cháu có hoàn cảnh khó khăn từ nhiều năm nay. Tại địa phương có một số cháu khó khăn cũng được nhà chùa chu cấp tiền ăn học. Việc làm này mang tính nhân đạo cao cả, đúng với đạo lý tương thân tương ái của dân tộc.
Thái Bá