Nghệ An: “Đau đầu” giải quyết vấn đề việc làm cho người trẻ
Buổi đối thoại có sự tham dự của các đồng chí Đại biểu quốc hội (ĐBQH): Nguyễn Thanh Hiền – Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, ĐBQH khóa 14; Trần Văn Mão, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, ĐBQH khóa 14; Hoàng Thị Thu Trang – Cục trưởng cụ Thi hành án tỉnh, ĐBQH khóa 14…
Buổi trò chuyện còn có sự tham gia của các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư các huyện, thành thị đoàn và đoàn trực thuộc, các đại biểu là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, đại biểu được nhận giải thưởng 26/3 năm 2017 cùng các bạn đoàn viên thanh niên là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Trong cuộc gặp gỡ, đại diện thanh niên đã có nhiều câu hỏi dành cho các ĐBQH tỉnh nhà về các vấn đề quan trọng, liên quan đến phát triển đời sống, xã hội và xây dựng đất nước. Thông qua giải đáp những thắc mắc, các đại biểu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ, đoàn viên thanh niên, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, mối liên hệ giữa cơ quan nhà nước với tổ chức Đoàn thanh niên.
Một số vấn đề được các cán bộ, đoàn viên nêu lên tại buổi đối thoại như: vấn đề lao động và việc làm cho thanh niên, tăng cường giám sát, đánh giá hiệu quả việc tuyên truyền và thực hiện các chủ trương; chính sách liên quan đến Luật Thanh niên trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; vấn đề tổ chức hội sinh viên; vấn đề biển đảo nước ta hiện nay và trách nhiệm của thanh niên đối với những nhiệm vụ phát triển đất nước. Trong đó, vấn đề được đưa ra bàn luận nhiều nhất là giải quyết việc làm cho người trẻ.
Đồng chí Hồ Sỹ Trung – Bí thư đoàn Trường THPT Anh Sơn 1 đặt câu hỏi liên quan về kế hoạch, giải pháp để thực hiện giám sát vấn đề lao động, việc làm cho thanh niên trên địa bàn tỉnh trong thời gian sắp tới khi mà hiện nay vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức và đầu tư chưa thực sự hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền giải đáp câu hỏi trên: ‘‘Chính phủ và các Bộ, Ngành đã ban hành và tổ chức triển khai nhiều chính sách pháp luật liên quan đến việc làm cho thanh niên như: Đề án ”Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 – 2015”; Đoàn thanh niên thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế – xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho thanh niên lập thân, lập nghiệp…”
Đồng chí cũng trình bày các giải pháp về đào tạo, hướng nghiệp đã được thực hiên như: Hoạt động đào tạo nghề được đa dạng hóa về phương thức đào tạo, mở rộng cơ hội tham gia cho đông đảo đối tượng thanh niên; Chất lượng đào tạo nghề được chú trọng hơn, đào tạo gắn với yêu cầu sử dụng và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cho thanh niên cả trong và ngoài nước. Hoạt động giới thiệu việc làm được tổ chức thường xuyên, đa dạng về hình thức.
Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do công tác phân luồng học sinh học nghề sau tốt nghiệp THPT hoặc THCS chưa hiệu quả. Việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên còn hạn chế; tỷ lệ thanh niên thất nghiệp còn cao, đáng lưu ý là tỷ lệ lao động trình độ cao thất nghiệp đang có xu hướng tăng. Chính sách thu hút thanh niên có trình độ làm việc tại địa phương chưa thực sự hấp dẫn.
Đồng chí Mai Văn Tiến – Phó Bí thư Đoàn trường THPT Thanh Chương 3 đặt câu hỏi: “Hiện nay nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh của Thanh niên là rất lớn, tuy nhiên nguồn lực để Thanh niên vay vốn hiện nay còn rất hạn chế. Vì vậy xin được hỏi: Trong thời gian tới Quốc hội có dự kiến xây dựng chính sách gì mới để tạo nguồn lực cho thanh niên vay vốn sản xuất kinh doanh, lập thân khởi nghiệp hay không?”
Đồng tình với ý kiến của đồng chí Mai Văn Tiến, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền chia sẻ: “Chính phủ đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế và được cụ thể hóa như: Dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm đã xác định nhiệm vụ.
Cho vay đối với các dự án khởi sự doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh của thanh niên. Cho vay để thực hiện các chương trình, dự án giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự; Dự án Hỗ trợ phát triển thị trường lao động với mục tiêu Đầu tư các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểu mẫu của Đoàn thanh niên.”
Đồng chí Phan Văn Cảnh – Bí thư Huyện đoàn Nam Đàn nêu thực trạng sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ không xin được việc làm chiếm tỷ lệ khá cao và thực trạng thanh niên cất tấm bằng ĐH, CĐ vào các khu công nghiệp ngày càng gia tăng. Do đó làm lãng phí nguồn kinh phí đào tạo của nhà nước và xã hội.
Các đại biểu đã phân tích nguyên nhân của vấn đề này do số lượng sinh viên đầu ra mỗi năm quá nhiều, việc mở cửa ồ ạt các trường đại học với chất lượng đầu vào thấp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm tăng vọt.
Nguyên nhân nữa xuất phát từ chính nguồn nhân lực được đào tạo nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc, sinh viên sau khi tốt nghiệp không đủ năng lực, trình độ đảm nhận các vị trí trong doanh nghiệp, khiến các nhà tuyển dụng từ chối hoặc phải đào tạo lại.
Anh Bùi Xuân Huy, ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường Đại học Vinh cũng nêu ý kiến và cho rằng, hiện nay đang nan giải với các sinh viên chưa được định hướng từ đầu nên khi chọn ngành, chọn nghề chưa phù hợp, nhiều sinh viên năm nhất đã có ý định bỏ học…
“Tỉ lệ học đại học làm trái ngành hiện nay rất cao. Nhiều sinh viên năm nhất cảm thấy không hứng thú và quyết định bỏ học để chọn con đường khác vì các bạn bị định hướng sai từ đầu. Nên định hướng cho thanh niên về tầm quan trọng của học nghề chứ không chỉ chăm chăm học đại học. Học nghề bám sát với nhu cầu công việc vì nhu cầu tuyển dụng hiện nay là yêu cầu những người làm được việc”, anh Huy cho biết.
Buổi đối thoại đã diễn ra trong không khí tích cực, thẳng thắn. Những câu hỏi được các đoàn viên thanh niên đưa ra được các đại biểu giải đáp thỏa đáng. Về các vấn đề còn vướng mắc, các đại biểu cũng khẳng định ghi nhận và sẽ có những đề xuất phù hợp đối với Quốc hội, Chính phủ và tỉnh Nghệ An trong thời gian sắp tới để nhằm đảm bảo đoàn viên, thanh niên sau khi ra trường có được việc làm đúng nghĩa.
Đào Phương