Bí mật bị chôn vùi nơi trường học và công sở Nhật Bản
Từ nơi làm việc đến trường học, phụ nữ đều có thể bị lạm dụng tình dục
Theo một cuộc khảo sát tại Nhật Bản năm ngoái, một phần ba phụ nữ tại quốc gia này bị lạm dụng tình dục tại nơi họ làm việc. Mặc dù vậy, gần hai phần ba trong số đó lại chịu đựng trong im lặng.
Tệ nạn này chính là hệ lụy từ công cuộc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong công việc. Nhật Bản đang nỗ lực để nâng cao vị thế của phụ nữ tại nơi làm việc, đặc biệt là cho các vị trí lãnh đạo cấp cao. Các nhà kinh tế học tại Nhật nói rằng, trong nhiều năm qua xứ sở hoa anh đào đã cố gắng tận dụng nguồn nhân lực là những phụ nữ có học thức nhưng không có việc làm để giải quyết việc cho vấn đề thiếu hụt lao động nữ tại quốc gia này.
Cuộc khảo sát lấy ý kiến của các nữ nhân viên từ 25 đến 44 tuổi, đã và đang làm việc tại công sở và thu được 10.000 câu trả lời trên toàn đất nước. Kết quả cho thấy, 30% số người tham gia khảo sát trả lời rằng họ từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. 17% trong số đó tiết lộ họ đã “bị hỏi hoặc ép quan hệ tình dục”, hoặc không thì họ sẽ phải nghe những lời bàn tán của các đồng nghiệp nam về ngoại hình, tuổi tác cũng như số đo 3 vòng trên cơ thể.
Theo khảo sát đó, đối tượng thực hiện hành vi lạm dụng hoặc tấn công tình dục thường là những người có địa vị cao. Và vì thế, 63% phụ nữ Nhật Bản đã im lặng và không có bất cứ khiếu nại gì. Tồi tệ hơn, với những người lên tiếng đòi công lý, họ đã bị giáng chức hoặc đuổi việc.
Không chỉ riêng nơi làm việc, tại trường học và ga tàu điện ngầm, phụ nữ và học sinh Nhật Bản cũng có thể gặp phải những gã “yêu râu xanh” tấn công tình dục. Tamaka Ogawa ngậm ngùi kể lại sự việc cô bị tấn công tình dục hồi mới 10 tuổi. Lúc đó cô đang trên tàu điện ngầm, đột nhiên có kẻ tiến đến đằng sau cô, cố tình kéo dây quần của Ogawa xuống và giở trò đồi bại. Hắn sờ soạng vào vùng kín của cô bé và kéo cô về phía mình.
Ogawa đã rất sốc và cảm thấy ghê tởm. Khi về đến nhà, cô bé lao thẳng vào nhà vệ sinh và rửa đi rửa lại phần bị sờ mó. Nhưng cô bé ý thức được rằng mình không nên ở quá lâu trong nhà vệ sinh, để phòng trường hợp bố mẹ cô sẽ nghi ngờ có chuyện.
Vài năm sau đó, vào ngày đầu tiên cô bước vào cổng trường cấp 2, cô lại bị một kẻ khác tấn công tình dục trên đường về nhà. Hắn đã thò tay vào trong váy của Ogawa, cứ như thế, chuyện lặp đi lặp lại một vài lần và tất cả những gì Ogawa biết là trốn chạy.
Bởi vì nếu cô thể hiện thái độ giận dữ hoặc chống trả với những kẻ đồi bại kia, cô sẽ làm mọi người chú ý, rồi họ sẽ “ném” những lời bàn tán không hay về cô. Hơn nữa, Tamaka Ogawa chưa bao giờ được bố mẹ giáo dục hay nói chuyện về cách giải quyết về vấn đề này.
Ogawa còn gợi lại một kỷ niệm kinh hoàng mà cô không thể nào quên được. Đó là năm cô 15 tuổi, trên chuyến tàu điện ngầm từ trường trở về nhà, cô đã gặp một tên yêu râu xanh. Hắn sờ soạng dưới váy Ogawa. Sau khi tàu dừng bánh, hắn kéo tay cô và nói: “Đi theo tao”. May mắn thay Ogawa đã chạy thoát. Lúc đó, Ogawa tin rằng ai trên tàu cũng biết chuyện gì đang diễn ra, nhưng tất cả mọi người đều phớt lờ, không có một ai đứng ra để giúp cô cả.
Ogawa nói: “Khi còn là học sinh cấp 3, mọi nữ sinh đều đã là nạn nhân của những vụ tấn công tình dục. Chúng tôi nghĩ chúng tôi không thể làm gì khi rơi vào hoàn cảnh đó”.
Văn hóa Nhật không công nhận sờ soạng là hành vi quấy rối tình dục
Các chuyên gia nói rằng xã hội Nhật Bản vẫn đang cố tình hoặc thực sự không nhận ra tình trạng quấy rối các cô gái trẻ đang lan rộng và càng trở nên nghiệm trọng.
Hiroko Goto, nữ giáo sư về luật hình sự ở Đại học Chiba kiêm Phó chủ tịch của tổ chức Phi Chính phủ Human Rights Now, tin rằng nhiều người không coi sờ soạng là một hành vi phạm tội. Bà nhận định: “Xã hội hiện tại luôn tồn tại một loại tiêu chuẩn kép giữa quan điểm của nạn nhân và quan điểm của xã hội”.
Theo ý kiến của Ogawa, xã hội Nhật đang bình thường hoá việc sàm sỡ.
Khi nhắc đến “sờ soạng”, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ này. Bản thân thuật ngữ này không đủ nói lên mức độ vi phạm để cấu thành nên tội. Do đó, phần lớn cho rằng đó chỉ là hành vi động chạm cơ thể qua lớp quần áo, một số khác nghĩ đây là một tội nhỏ bị trừng phạt theo luật pháp với bản án thường là 6 tháng tù giam hoặc phạt 500.000 yên (hơn 100 triệu đồng).
“Tôi đã nghe nhiều cháu gái kể lại bị đàn ông sờ vào vùng kín ”. Bà Matsunaga khẳng định: “Đó là hành vi cưỡng hiếp”.
Cảnh sát viên thường tự quyết định hình phạt cho các vụ án quấy rối có sự thâm nhập vào bộ phận sinh dục, theo Điều 176 của Bộ luật Hình sự, là bị giam tù tối đa 10 năm. Nhưng chỉ một số ít trường hợp được xếp vào khoản này. Điều 177 Luật hình sự về tội cưỡng hiếp có mức án phạt nặng hơn nhưng định nghĩa pháp lý lại rất hẹp, chỉ coi cưỡng hiếp là hành vi ép buộc giao hợp.
Với Ogawa, cô chỉ nhận ra những gì mình trải qua là sự xâm hại tình dục khi bắt đầu viết về những tội ác này. Cô nói: “Điều bất ngờ nhất là tôi đã không nhận ra rằng mình từng bị xâm hại”.
Xã hội Nhật Bản chỉ tập trung vào việc tuyên truyền phụ nữ nên cẩn trọng trong cách ăn mặc, đi lại. Ogawa tiếp tục: “Họ nói phụ nữ nên cẩn thận và tự bảo vệ bản thân, nhưng không ai bảo đàn ông không được làm điều đó”.
Sự thờ ơ
Đối với những phụ nữ lớn tuổi đã từng bị quấy rối tình dục, việc lên tiếng đòi công bằng lại là một điều khó khăn.
Một phụ nữ ẩn danh, 52 tuổi, kể lại rằng bà từng bị hành hung tình dục bởi một người lạ mặt tại nơi làm việc ở Tokyo. Bà thậm chí còn không nhìn thấy mặt kẻ đã làm trò đồi bại với mình. Khi báo cáo chuyện này cho công ty, bà nói họ tỏ ra thông cảm nhưng lại ngăn cản bà đi báo cảnh sát. Họ khuyên bà suy nghĩ cho danh tiếng của công ty và những tổn thương về mặt tâm lý nếu bà tiếp tục khơi gợi lại vấn đề khi tố cáo.
Trên thực tế, bà cũng không muốn báo cảnh sát. Bà nói: “Tôi sẽ không kể chuyện này cho bất kỳ ai”.
“Thật đáng xấu hổ. Tôi nghĩ đơn giản rằng nếu cố gắng quên đi chuyện đó, tôi sẽ trở lại cuộc sống bình thường”.
Đừng im lặng, hãy lên tiếng
Tabusa, một hoạ sĩ truyện manga, đưa ra quan điểm của mình: “Mặc dù các vấn đề liên quan đến quấy rối tình dục đang ngày càng được nhắc tới, nhưng điều đó là chưa đủ. Mọi người cần nhận thức được tính nghiêm trọng của sự việc vì “nạn nhân thường là trẻ em”.
Có một thực tế rằng xã hội đang dần gộp chung quấy rối tình dục với những ham muốn thể xác tầm thường, rằng nếu bạn là một phụ nữ đã có tuổi thì bạn nên vui vẻ khi vẫn được cánh mày râu để ý và muốn “sờ soạng” bạn.
Theo Ogawa và Tabusa, một nền văn hoá với hiện trạng quấy rối và tấn công tình dục chỉ thay đổi khi có nhiều nạn nhân dám lên tiếng. Nhưng xã hội lại đang ngăn cản họ.
Ogawa nói: “Họ không lên tiếng vì họ quá xấu hổ, họ không muốn sự thương hại từ mọi người. Hay một lý do đơn giản khác là họ nghĩ ‘điều đó xảy ra với tất cả mọi người’”.
Theo Vietnamnet