7 quy tắc phạt trẻ bố mẹ hiện đại cần biết
Nhiều cha mẹ cho rằng họ đang nuôi dạy con mình đúng cách. Tuy nhiên, dạy trẻ chưa bao giờ là một công việc đơn giản. Phần lớn thời gian, người lớn khó kiểm soát được cảm xúc và thường phạt trẻ nặng hơn lỗi của chúng. Việc này gây ra hậu quả tiêu cực cho trẻ, khiến chúng phát triển cảm xúc sợ hãi và định kiến. Phạt là cần thiết nhưng bố mẹ cần học cách phạt như thế nào là hợp lý và thuyết phục được con.
1. Nếu con không cố tình, con không đáng bị phạt
Thông thường, bọn trẻ không cố tình làm hại đến ai, chúng chỉ muốn khám phá. Vì thế, khi con bạn chỉ đơn giản là đang học hỏi, con nên được khuyến khích ngay cả nếu hành động của con dẫn đến kết quả không hay cho lắm. Trong những trường hợp này, hãy thông cảm và chỉ cho con cách sửa chữa những tình huống sai lầm chúng gây ra. Nếu bạn phạt trẻ chỉ vì tai nạn chúng chẳng may mắc phải, bạn đang có nguy cơ nuôi dạy một đứa trẻ thiếu quyết đoán. Chúng sẽ làm việc tốt dưới mệnh lệnh vì chúng được nuôi dạy làm việc dưới sự hiện diện của một người có uy quyền. Tuy nhiên, kết quả sẽ là, khi lớn lên, con bạn sẽ không thể có các quyết định riêng và trở thành người thiếu trách nhiệm.
2. Trừng phạt không nên theo cảm tính
Bố mẹ thường tức giận khi thấy con không nghe lời dẫn tới các hành động thiếu kiểm soát cho dù họ rất yêu con. Điều này là do sự kỳ vọng to lớn của bố mẹ vào con cái. Và khi kỳ vọng không diễn ra theo đúng những gì người lớn muốn, họ trở nên bất công trong cách cư xử với con cái. Bố mẹ cần nhớ rằng, trừng phạt không phải là cảm xúc mà là logic và công bằng. Nó cần phải đúng với lỗi, trong vai trò của một thẩm phán công bằng thay vì một quyết định phạt khi đang tức giận.
3. Không bao giờ phạt con nơi công cộng
Trừng phạt con nơi công cộng sẽ khiến đứa trẻ xấu hổ và tức giận. Các nhà tâm lý học nói rằng bố mẹ không nên nói câu “Những người khác sẽ nói gì?”. Bố mẹ cũng không nên khen ngợi con ở nơi công cộng dễ gây ra tính tự phụ cho con. Một đứa bé bị phạt trước mặt nhiều người sẽ cảm thấy nhục nhã và luôn cho rằng điều này sẽ lặp lại các lần tiếp theo. Do đó, khi trưởng thành, chúng có thể trở thành người luôn luôn phụ thuộc vào ý kiến của người khác mà không thể đưa ra các quyết định của bản thân.
4. Nếu bố mẹ dọa phạt, bố mẹ phải thực hiện
Nếu người lớn nói phạt thì họ nên làm. Một lời đe dọa không thực hiện sẽ khiến trẻ nhanh chóng nhận ra rằng bố mẹ chỉ nói chứ không làm và chúng bắt đầu không tin vào bố mẹ nữa. Và như vậy, hệ thống về giá trị bắt đầu bị đổ vỡ. Bọn trẻ không thể hiểu sự khác biệt giữa tốt và xấu vì chúng không có một hệ thống theo quy định. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn có thể bỏ qua việc phạt nếu lời đe dọa có hiệu lực. Trong trường hợp này, bố mẹ cần giải thích cho con biết rằng đó chỉ là một ngoại lệ mà thôi.
5. Khi không biết ai phạm tội, phạt tất cả
Nếu bố mẹ không biết được ai trong số các con là người có lỗi, đừng chỉ phạt một đứa nghi ngờ nhất mà nên phạt tất cả nếu không đứa trẻ bị phạt sẽ trở thành vật tế thần trong tương lai trong khi những đứa khác sẽ cảm thấy chúng được miễn dịch hoàn toàn trước hình phạt của bố mẹ. Cả hai việc đều không có tác động tích cực trong quá trình nuôi dạy trẻ.
6. Không nên phạt vì một lỗi trong quá khứ
Nguyên tắc quan trọng nhất trong phạt trẻ là phạt, tha thứ, và quên. Một đứa trẻ bị phạt vì những lỗi lầm trong quá khứ sẽ không thể trưởng thành thành người mạnh mẽ vì chúng sợ làm những điều mới. Chúng có khuynh hướng lặp lại những điều đã biết và khó có thể học được từ những sai lầm của mình. Vì thế, thay vì phân tích những việc làm sai, chúng sẽ đổ lỗi cho bản thân.
7. Hình phạt nên thích hợp với độ tuổi và sở thích
Hình phạt nên rõ ràng và cân bằng. Đừng áp dụng một kiểu hình phạt đối với việc học kém và việc làm vỡ cửa kính. Lỗi nhỏ có hình phạt nhỏ trong khi các lỗi nặng hơn sẽ cần đến một hình phạt nghiêm khắc hơn. Một đứa trẻ nhận được một hình phạt giống nhau cho các sai lầm khác nhau sẽ không thể xây dựng một hệ thống các giá trị đạo đức tốt vì chúng không thể hiểu được sự khác biệt giữa các vấn đề quan trọng. Tuổi và sở thích của trẻ cũng nên đưa vào để xem xét một hình phạt thích hợp. Ví dụ, nếu con bạn thích mạng xã hội, bạn có thể hạn chế thời gian vào mạng của trẻ.
Thảo Nguyên
Theo BM