Chân dài làm PG “trượt dốc”
Chuẩn bị trước giờ “đứng quầy”. (Hình ảnh chỉ có tính minh họa, không phải nhân vật bài viết)
Dù đã có trong tay cả nghìn hồ sơ của các PG, người mẫu, nhưng hàng ngày cô quản lý Ánh vẫn nhận thêm hàng trăm hồ sơ khác với lời nhắn kèm “Ưu tiên gọi em trước chị nhé”.
Cần khẳng định rằng PG là một nghề rất chính đáng. Trải nghiệm làm PG với rất nhiều bạn trẻ là “quãng thời gian đáng tự hào”… bởi vì khi đó họ đã tự mình kiếm được tiền trang trải những chi phí sinh hoạt khi còn đi học. Nghề hoàn toàn không xấu, chỉ có điều chính một bộ phận PG đang tự hạ thấp giá trị nghề.
Chuyện của PG
“Nếu cách đây vài năm, một ca đứng ở triển lãm xe hơi rao giá 500.000 đồng vẫn khó kiếm người mẫu, thì giờ chỉ cần 300.000 đồng là đã có vô số lời xin làm”, một thủ lĩnh PG tâm sự. “Nhiều người sẵn sàng làm ít tiền hoặc thậm chí là không công một vài lần để sau đó được quản lý ưu tiên khi có khách yêu cầu”.
Là sinh viên đại học KHXH&NV TPHCM, trong năm đầu tiên, do chương trình học không nặng, Huỳnh Thảo thường xuyên có thời gian “đi quầy”. Sang đến năm thứ 3 thì Thảo buộc phải từ chối nhiều cuộc điện thoại của quản lý để chuyên tâm vào việc học hơn, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc bạn không còn được dư dả mua sắm nữa. Thêm vào đó, cô quản lý của Thảo cũng không còn mặn mà gọi điện sau nhiều lần chưng hửng. Nhớ nghề, Huỳnh Thảo lại xin đi làm, dù rằng bây giờ “kèo thơm” không còn đến tay. Thảo bắt đầu chấp nhận những “kèo cùi bắp” (hợp đồng thù lao ít), sẵn sàng nhận những cuộc gọi đột xuất để thay thế cho một cô PG nào đó bỏ dở hợp đồng… Không ít lần, Thảo đã phải bỏ học, bỏ cả buổi thi để đi làm PG vì sợ “mất lòng chị quản lý”.
“Có những lúc em chỉ để treo trên Yahoo Messenger của mình dòng status “cần PG đi dự tiệc, không hề có phí”. Nhưng cũng rất nhiều bạn liên tục chat, nhắn tin hoặc gọi điện xin một chân. Bởi dù không có tiền, nhưng ở bữa tiệc đó, họ có thể sẽ làm quen được thêm khách hàng sau này. Nhiều cô người mẫu cũng nhờ thế mà trở thành PG ruột của một số hãng có thương hiệu lớn”, Ánh kể.
Quay lại với chuyện của Thảo, nếu như những ngày đầu, cô nàng được coi là PG cưng của người quản lý, thì bây giờ trong giới, Thảo đang đứng ở hạng 2, hạng 3. Nghĩa là, thù lao không trực tiếp do quản lý trả cho cô, mà Thảo sẽ nhận thù lao từ một PG mướn Thảo đứng thế chân hay một người mẫu nào đó bận đột xuất… Khái niệm “cắt phế” trong thế giới PG rất rõ ràng. Chẳng hạn một “kèo thơm” khách hàng ra giá 600.000 đồng cho mỗi suất đứng, qua tay đơn vị cung cấp đến PG chỉ còn khoảng 400.000, nhưng nếu PG đó rủ thêm bạn cùng đi thì cũng sẽ giữ lại của cô bạn 50.000-100.000 đồng…
“Mối quan hệ này là quan hệ đôi bên cùng có lợi, tôi được thêm tiền, anh có việc làm, chấp nhận thì làm không chấp nhận thì thôi, tôi chuyển cho người khác”, Thảo thừa nhận. “Nhưng điều làm mình sốc khi mới vào nghề là chẳng ai giấu giếm gì về tiền phế cả. Họ rút lại tiền phế ngay trước mặt mình dù những cuộc chuyện trò trước đó thân mật như thể 2 chị em. Mặt trái này của nghề này là điều khiến em không còn nghĩ nó là công việc vô tư nữa”.
“Có một điều mà hầu hết các PG đều vui vẻ chấp nhận là họ sẵn sàng mặc bất cứ thứ gì mà khách hàng yêu cầu, miễn là không hở hang quá, cũng có cô tỏ ra dao động ban đầu nhưng hầu hết sau đó đều quen với chuyện đó… Thực tế là đa phần các cô PG đều sở hữu thân hình đẹp và họ cũng muốn thể hiện những nét đẹp của mình trước đám đông”, quản lý Ánh nói tiếp.
Kim Anh, bạn cùng “chinh chiến” của Thảo, cũng là sinh viên đại học KHXH&NV TPHCM cũng là người như thế. Cô cho rằng đó là một đặc trưng của nghề. “Mình mặc trang phục là do khách hàng yêu cầu. Trang phục của PG phải bắt mắt thì mới kéo được khách tham quan đến quầy. Mình đâu có làm điều gì khác quá khêu gợi đáng để chê trách đâu”.
Thái độ của Kim Anh được coi là “chuyên nghiệp” và được nhiều đồng nghiệp ủng hộ. Nhưng với chính bạn trai cũ của cô thì không như vậy.
“Lần đó, em đi triển lãm cho hãng điện tử L., mọi người đều biết, trang phục PG của hãng này thường có màu đỏ với một chiếc áo quây bó sát ngực để lộ vai trần và eo, bên dưới là jupe ngắn và một đôi bốt cao cổ. Bọn em được phân công đứng từ ngoài cửa triển lãm, nghĩa là giữa ngã tư, cho đến trong quầy… và mọi người đều làm tốt phần việc của mình. Bởi theo hợp đồng, làm tốt sẽ có thưởng sau triển lãm, còn mắc lỗi sẽ bị trừ thù lao”.
Thực tế, PG là một nghề chân chính và nhiều cơ hội cho những cô gái bản lĩnh.
Chân dài vấp ngã
Trong vô vàn những hợp đồng cần đến PG, những hợp đồng khiến các cô e dè nhất diễn ra ở quán bia và quán bar. Ngặt một nỗi, các hãng bia, rượu, thuốc lá thường trả thù lao rất cao.
“Thực ra thì đi bar cũng chẳng có gì là ghê gớm vì nhiệm vụ của mình chỉ là đến đó trong bộ quần áo của sản phẩm và thỉnh thoảng mời khách hàng dùng thử. Tất nhiên, cũng có các rủi ro được tính đến nhưng đi kèm PG thường sẽ có thêm các helper (người giúp đỡ, thường là nam giới với vai trò bảo vệ) của công ty cung cấp PG”, Hoàn, một quản lý PG vẫn còn rất trẻ ở Sài thành, khẳng định.
Rủi ro ở đây chính là những hành xử từ phía khách tại quán bar, quán bia. Hầu hết những người ở đó đều đã chuếnh choáng hơi men. Đến ngôn ngữ đôi khi họ còn không kiểm soát nổi huống hồ là hành động chân tay trước những cô gái chân dài mặc minijupe.
“Về mặt công ty, bọn em đảm bảo PG sẽ được bảo vệ. Nhưng việc PG có trượt ngã hay không ở những điểm như thế phụ thuộc vào bản lĩnh của họ. Bọn em đảm bảo trong giờ làm việc sẽ không có chuyện gì xảy ra với các cô gái. Nhưng ngoài giờ làm việc, bọn em đâu có quyền gì để can thiệp vào những cuộc hẹn riêng tư nào đó của họ”, Hoàn tiếp…
Chỉ có một số ít, rất ít, các PG trượt ngã như trường hợp của Vy. Sinh năm 1986, Vy xinh, tuy học hành không thuộc diện giỏi giang nhưng Vy sớm biết cách kiếm tiền nhờ nghề PG. Vy thường xuyên nhận lời tham dự những bữa tiệc, những triển lãm lớn vì cô biết rằng ở những nơi như thế, cô có thêm rất nhiều mối quan hệ với những đại gia.
Khi bạn bè phải đi dạy thêm, đi phát tờ rơi để sống quãng đời sinh viên thì cũng là lúc Vy được xe đưa đón và luôn xuất hiện trong những bộ trang phục đẹp lộng lẫy. Chỉ có những người bạn thân mới biết Vy đã trở thành bồ của một sếp hãng điện tử S, mặc dù ông này đã có vợ. Ông này mua nhà, mua xe và chu cấp tiền cho Vy hàng tháng.
Vài tháng một lần, bạn bè lại thấy Vy đeo cặp kính đen che toàn bộ phần mặt trên. Nguyên do là bởi ở đó là những vết bầm tím vì bị vợ của ông sếp kia đánh ghen.
“Em hỏi nó: “Sao mày phải sống như thế Vy ơi” nó trả lời: ‘Không thì tao biết làm gì bây giờ’”, Ánh, chính là bạn của Vy, kể.
Theo Zing